Tiền và Hàng 21/04/2015 10:13

Nông thuỷ sản Việt mơ giấc mơ châu Âu

Phần Lan phối hợp với Việt Nam hỗ trợ phát triển xuất khẩu nông thuỷ sản vào Phần Lan và Bắc Âu trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa hai nước.

Giấc mơ Nhật, Mỹ, châu Âu

 

TTXVN đưa tin, tại hội thảo Hướng dẫn thực hành xuất khẩu nông thủy sản và hỗ trợ tìm kiếm - Kết nối doanh nghiệp Phần Lan/Bắc Âu tổ chức ở TP.HCM hôm 20/4, Dự án Hỗ trợ phát triển xuất khẩu nông thủy sản vào Phần Lan và Bắc Âu với ngân sách hỗ trợ từ Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam từ Quỹ Hợp tác địa phương (FLC) được đánh giá sẽ đóng vai trò quan trọng. Theo đó, nó sẽ mang lại cơ hội thúc đẩy ngành nông thủy sản Việt Nam khắc phục những hạn chế và tăng cường mở rộng thị trường xuất khẩu. 

 

Dự án sẽ góp phần hỗ trợ kỹ thuật giúp doanh nghiệp tìm hiểu thông tin về cơ hội thị trường để có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với các đối tác. Đồng thời, đối tượng hưởng lợi là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông thủy sản trên phạm vi cả nước, trong đó tập trung nguồn lực chủ yếu vào các thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Dưa hấu thối hỏng bị vứt bỏ gần cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn)
Dưa hấu thối hỏng bị vứt bỏ gần cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn)

 

Mặt khác, với mong muốn đẩy mạnh hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đa dạng hóa thị trường tại khu vực EU, các chuyên gia trong và ngoài nước còn tập trung cung cấp các thông tin cơ bản và hướng dẫn thực hành trong hoạt động xuất khẩu thủy sản, đối với những mặt hàng hoa quả tươi, quả đóng hộp và cá sang thị trường Phần Lan và Bắc Âu. 

 

Các chuyên gia giới thiệu các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm đối tác Phần Lan thông qua Chương trình kết nối doanh nghiệp Finnartnership, với những tài trợ giúp doanh nghiệp trong nước mở rộng đầu tư, kinh doanh cũng như phát triển năng lực nội tại để đáp ứng thông lệ giao dịch quốc tế.

 

Như vậy, đây là cơ hội để nông thuỷ sản Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu. Trước đó, thanh long, chôm chôm, nhãn, xoài của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 4 thị trường khó tính là Mỹ, Nhật Bản Hàn Quốc và New Zealan. Quả vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) cũng từng được xuất thử nghiệm sang Nhật và sau đó Mỹ cũng cho phép nhập khẩu loại quả này từ tháng 10/2014. Đối với mặt hàng thuỷ sản, thị trường chính vẫn là Mỹ, Nhật và EU.

 

Công nghệ bảo quản sau thu hoạch: Gần như không có

 

Một câu chuyện cũ hầu như năm nào cũng tái diễn là cảnh nông sản Việt, đặc biệt là dưa hấu, thanh long, bị dồn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) chờ xuất sang Trung Quốc. 

 

Năm nay cũng vậy, dưa hấu miền Trung bị bỏ chín rục ngoài đồng, cho trâu bò ăn và nông dân phải bán tháo với giá 1.000 đồng/kg. Còn tại cửa khẩu Thân Thanh, dưa hỏng, thối bị vứt la liệt bên hông cửa khẩu.

 

Nguyên nhân của tình trạng trên được lý giải một phần là do công nghệ bảo quản sau thu hoạch các loại nông sản trên gần như không có.

 

Từ giữa năm 2013, Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Nguyễn Quân đã trả lời trên chương trình "Dân hỏi Bộ trưởng trả lời" rằng, Bộ Khoa học Công nghệ đang nghiên cứu và đưa vào Việt Nam công nghệ  bảo quản tiên tiến nhất của Nhật Bản, Israel để đảm bảo cho nông dân có được sản phẩm có giá trị tối đa.

 

Trả lời câu hỏi, khi nào thì những nghiên cứu này có những kết quả đầu tiên để có thể mang vào áp dụng cho nông dân, Bộ trưởng Nguyễn Quân khi ấy đã trả lời rằng: Riêng bảo quản rau quả hiện chúng ta đang hợp tác với đối tác của Nhật Bản và họ đã sẵn sàng chuyển giao công nghệ bảo quản cho Việt Nam. Đây là công nghệ rất hiện đại, với tổng vốn đầu tư lên tới 1 triệu USD. Sắp tới nếu thành công, tin rằng quả dưa hấu của Hải Dương không chỉ bảo quản được vài tháng, thậm chí có thể bảo quản tới vài năm.

 

Tuy nhiên, sau gần 2 năm, công nghệ chế biến sau thu hoạch cho dưa hấu để chấm dứt tình trạng nêu trên vẫn chưa  thấy đâu.

 

Một yếu tố khác từng được ông Vũ Công Bằng, Giám đốc Công ty Nông sản Việt, đơn vị xuất khẩu chôm chôm sang Mỹ, chia sẻ với Đất Việt đó chính là vấn đề dư lượng trong trái cây Việt. Chính điều này khiến hoa quả Việt khó qua được ải kiểm tra của các thị trường khó tính.

 

Có một thực tế bất cập từ chính chủ trương cho phép nhập khẩu các loại thuốc bảo vệ thực vật mà thế giới đã cấm. Thực tế với các loại thuốc này chất lượng rất tốt cho cây trồng, trị bệnh là hết ngay nhưng nếu để sản phẩm nông sản đạt chất lượng xuất khẩu thì không dùng như vậy được mà phải dùng biện pháp thay thế.

 

“Hiện nay tất cả các nhà máy sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam đều có tên thương mại khác nhau nhưng hàm lượng thuốc này nhiều. Mà cứ cái gì rẻ, trị bệnh nhanh là dân chuộng thành ra làm mất giá sản phẩm của mình và nói thật là không bán được cho các thị trường khó tính”, ông Bằng nói thẳng.

 

Theo An Nhiên

Báo Đất Việt

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *