Tiền và Hàng 03/02/2014 09:31

Vàng thau có lẫn

Người ta bảo thời lấp lánh của vàng đã qua và vì đã mất đi ánh hào quang lấp lánh, vàng cũng không còn sức quyến rũ với mọi nhà. Vàng, nếu so ra lúc đó chỉ còn là một thứ kim loại có thể đa công dụng và bền bỉ hơn nhiều kim loại khác…


Nhưng tại sao người ta, và cả tôi nữa vẫn cứ mê vàng ?

Sao vàng lấp lánh ?

Con người VN khi sinh ra, thuở xa xưa, nếu được ông bà, cha mẹ cho trao cho một viên ngọc bảo đính sợi dây vàng, hay ở thời nay được trao tặng một cái kiềng, vòng vàng... đều mang một ý nghĩa: cầu mong cho người thân luôn có sức khỏe, giàu sang, phú quí,…

Khi vòng đời một người khép lại, tuy không thể mang theo bên mình vàng bạc châu báu hay gia sản đã tích góp bao năm mà chỉ ngậm miệng quan tiền để qua cầu Nại Hà có chút thành tâm, cuối đời người ta vẫn được gia đình, người thân đưa tiễn bằng ảo ảnh của vàng: Vàng mã.

Vàng hiện hữu trong cuộc sống của người dân dù giàu hay nghèo, từ thế hệ này qua thế hệ khác như một điều tất yếu. Cái gì đã tồn tại và trở thành điều tất yếu trong cuộc sống thì dù giản đơn hay phức tạp đều có sức sống mãnh liệt, không bao giờ bị lãng quên. Không trường phái, tôn giáo, triết thuyết… nào có sức sống mạnh mẽ bằng chính cuộc sống. Vì cuộc sống mới là gốc, là nền để các trường phái, tôn giáo, triết thuyết… được sinh ra. Vàng đã ở trong cuộc sống và ăn sâu trong tiềm thức nghìn năm của mỗi người chúng ta. Do đó mà ngoài giá trị của một kim loại qúi, vàng trong tâm trí của anh, của tôi, của chúng ta... vẫn tỏa ánh sáng lấp lánh, cho dù mỗi người sẽ tự chọn cho mình một cách xem nó là tiền tệ hay đơn giản chỉ là… vàng.

Ước mộng quí như vàng…

Cho dù vàng là bảo vật có giá trị như vậy, thì việc quá quan trọng vị trí của vàng đối với sự phát triển và ổn định của một nền kinh tế, đôi khi lại trở thành chuyện quan trọng hóa quá mức vấn đề. Thời gian dài qua vàng đã vàng hóa nền kinh tế. Sự bất ổn của tỷ giá, sự xuống lên của tiền đồng cơ bản cũng một phần lớn có xuất xứ từ vàng. Nhưng có phải tất cả đều do vàng? Nếu trừ Triều Tiên – quốc gia cấm triệt để nói chuyện vàng và tự do “đô la hóa” nền kinh tế, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy và học tập đôi điều từ một vài người láng giềng gần ta. Họ cũng đã từng nghiêm trọng hóa chuyện vàng để rồi sau đó mang thị trường vàng trả về thị trường đúng nghĩa của nó mà vẫn giải quyết điều hành ổn định tỷ giá, để hỗ trợ tối đa cho nền kinh tế xuất khẩu khắp toàn cầu. Vàng đối với họ dù có được “thả” ra cũng không hề hấn gì khi không bị “xoay” quanh “cách nhìn” tín dụng.

Sẽ có người nói đó là do nội lực của từng nền kinh tế. Ăn thua ở chỗ vị thế, mà nói rõ hơn là của một cường quốc đang lên. Thậm chí là đồng tiền vốn không được quy đổi và sử dụng phổ biến trên thị trường quốc tế của người ta, nay cũng đã bắt đầu được các quốc gia coi trọng. Vấn đề họ thì đã bỏ xa thời cấm đoán hay độc quyền triệt để với vàng, ung dung trữ vàng, còn ta thì tại sao vẫn loay hoay...

Thực tế, một chính sách thị trường cho vàng, giữ tiền đồng, tỷ giá, cũng không phải quá bất khả thi hay quá mức hiểm nguy, nếu các chính sách nói chung luôn đi sát thị trường, đồng bộ. “Ăn thua” ở đây, với chúng ta là có nội lực đồng tiền, là niềm tin để nắm giữ đồng tiền, và niềm tin vào kỷ luật chính sách. “Ăn thua” còn ở chỗ anh xem vàng là tiền hay theo khái niệm vàng chỉ là vàng và cứ thế vận động quanh nó….

Đóng dấu mộc hàng hóa lên vàng, để vàng được tự do về lại giá trị của...  vàng và thị trường cứ thế mua đi bán lại dễ dàng như tài sản dễ cất trong thời buổi có người quá nhiều tiền không có nơi để cất và cũng có người quá ít tiền suốt một đời ao ước được cất trữ vàng – không có lựa chọn nào là quá dễ dàng. Vàng thực sự cần nỗ lực và cả quyết tâm chịu mọi điều tiếng để thoát khỏi “lẫn lộn vàng thau” trong những cách nhìn vàng.

 

Nguyễn Lê Nguyên - Thạc sĩ Tài chính (Viết từ Anh quốc)

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *