Tiền và Hàng 09/06/2015 07:42

Nha Trang: “Chặt khúc” danh thắng để kinh doanh

5 năm trước, hậu quả của phát triển “nóng” và không quan tâm đến quy hoạch đẩy Nha Trang xuống đáy bảng xếp hạng “Những bãi biển tồi tệ trên thế giới”. Còn giờ đây, dư luận lại “dậy sóng” bởi lẽ cùng với việc “chặt khúc” bãi biển để bán hoặc cho thuê, những công trình bêtông cốt thép do thiết kế vội vã và thi công cẩu thả đã làm biến dạng danh thắng vịnh Nha Trang - di sản thiên nhiên của quốc gia và là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới.

Kỳ 1: Chia bãi biển theo… đơn hàng:

Còn nhớ, khoảng 30 năm trước, du khách dạo chơi trên đường Trần Phú thường ngẩn ngơ ngắm nhìn những cây bàng cổ thụ thay lá mà bâng khuâng lưu giữ những kỉ niệm nên thơ bên bờ biển Nha Trang. Sau hơn 2 thập niên quyết tâm chặn độ cao của những công trình xây mới dọc theo mặt tiền “con đường vàng” Trần Phú, thời gian gần đây, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa bỗng điều chỉnh quy hoạch không gian kiến trúc Nha Trang theo “tầm nhìn” của nhà đầu tư. Chỉ trong vòng gần 5 năm, UBND tỉnh Khánh Hòa ồ ạt cấp phép và cho phép lập dự án xây dựng hàng chục công trình bêtông hóa bờ biển.

Rơi xuống đáy

Cuối năm 2010, tờ National Geographic - tạp chí trên 125 tuổi của Hiệp hội Địa lý quốc gia Hoa Kỳ, với 9 triệu bản xuất bản hàng tháng và hơn 50 triệu độc giả toàn cầu - công bố kết quả bầu chọn 99 bãi biển nổi tiếng thế giới; dư luận “dậy sóng” khi Nha Trang đứng ở vị trí số 1 trong danh sách 10 bãi biển tệ nhất.

Theo công bố của tạp chí National Geographic, đó là kết quả đánh giá của 340 nhà khoa học, dựa trên 6 tiêu chí là chất lượng môi trường và hệ sinh thái, sự nguyên vẹn của xã hội và văn hóa, chất lượng và điều kiện bảo tồn của những công trình xây dựng lịch sử và khu khảo cổ học, sự lôi cuốn về mỹ học, chất lượng quản lý du lịch và tầm nhìn cho tương lai.

Và, đó là cuộc bình chọn khách quan, căn cứ từ báo cáo tổng hợp ý kiến phản ánh của hàng triệu du khách, với mục đích duy nhất là góp phần bảo vệ tài sản thiên nhiên của nhân loại. Phần nhận xét dành cho nhóm “bãi biển tệ nhất” vỏn vẹn khoảng vài mươi chữ, rằng “đang chịu áp lực mạnh mẽ từ việc phát triển thương mại quá nóng, rất nhiều nhà hàng, khách sạn xây bất hợp lý dọc bãi biển”.

Thời điểm ấy, đồ án Quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Nha Trang chưa được thông qua và cũng chưa một lần được công khai để lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp (DN) cũng như đại diện cư dân của thành phố. Bấy giờ, thay vì bày tỏ thái độ lắng nghe và nghiêm túc tổ chức kiểm tra, rà soát lại tình hình thực tế nhằm điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch đầu tư khai thác quỹ đất vàng ven bờ biển, những lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cũng như các cơ quan quản lý chuyên ngành du lịch và tài nguyên, môi trường của địa phương tỏ thái độ phản ứng rất gay gắt, kể cả gửi văn bản đến National Geographic nhằm “đòi lại sự công bằng”.

Dư luận tin rằng, phải đòi lại sự công bằng cho bãi biển Nha Trang, nhưng đó là sự công bằng của con người đối với di sản thiên nhiên chứ không phải những “đặc quyền, đặc lợi” mà các tổ chức, cá nhân được quyền cấp phép cho DN, khai thác lợi ích kinh tế từ bãi biển.

Chạy theo nhà đầu tư

Vẫn biết, phải tận dụng lợi thế cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp ven bờ biển và những vị trí thuận tiện trên đảo để phát triển du lịch; nhưng đáng tiếc, khái niệm phát triển du lịch biển đã được hiểu và vận dụng theo nghĩa hẹp là khai thác tối đa không gian hướng biển (phía đông đường Trần Phú) để xây dựng ngày càng nhiều nhà cao tầng phục vụ mục đích kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, kể cả bán hoặc cho thuê căn hộ trong vòng 40 - 50 năm.

Có một sự thật là thời gian gần đây, lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương lạm dụng “tầm nhìn hướng biển”, phớt lờ khuyến cáo của các nhà khoa học và ý kiến không đồng tình của các cơ quan quản lý di sản, “quyết” hy sinh lợi ích lâu dài, sẵn sàng điều chỉnh quy hoạch theo hướng chẻ nhỏ danh thắng để bán hoặc cho thuê.

Tháng 3.2013, UBND TP.Nha Trang chính thức triển khai phân lô cho thuê bãi biển, theo đó các DN kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn có nhu cầu tổ chức “không gian riêng” cho du khách tắm biển, tắm nắng, được phép thuê bãi với giá 225.000 đồng/m2. Tất nhiên, chính quyền thành phố không công khai tổng số tiền đã thu từ việc cho thuê bãi tắm công cộng, song hiện có hơn 20 DN được ký hợp đồng, trong đó có một số khách sạn nộp phí xấp xỉ 1 tỉ đồng/năm.

Một quan chức Sở Xây dựng Khánh Hòa cho hay, từ đầu năm 2013 đến nay, có hơn 20 dự án được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép triển khai hoặc thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí ven biển…, đảm bảo thỏa mãn yêu cầu được khai thác vượt khung về độ cao trên mặt đất và sử dụng tối đa diện tích dưới tầng hầm.

Gần 2 cây số mặt tiền đường Trần Phú hiện đã mọc lên hàng chục tòa nhà chọc trời, sát bên nhau, tạo thành bức tường bê tông chắn gió biển. Đó là chưa kể tòa cao ốc hình tam giác tọa lạc ở vị trí trước đây là xóm Cồn, hiện đang được ông chủ Mường Thanh rao bán từ tầng 1 đến tầng 49 và siêu dự án “bãi biển Phượng Hoàng” mà UBND tỉnh Khánh Hòa mới cấp phép hồi tháng 1.2015 cho Tập đoàn Dewan được đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác trên diện tích 240ha dọc theo 14 cây số đường bờ biển ở trung tâm thành phố, trong vòng 50 năm.

Theo Mỹ Thanh

Lao Động

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *