Nguyên Liệu 01/07/2014 11:30

Xuất khẩu gạo Việt Nam "ghi bàn" nhờ giá thấp nhất

Đầu quý 3, xuất khẩu gạo Việt Nam liên tục giành được nhiều hợp đồng xuất khẩu mới ngoài Trung Quốc, Philippines.

Giá gạo tăng nhưng vẫn thấp nhất

Lúa hè thu 2014 đang bước vào thu hoạch rộ ở Đồng bằng sông Cửu Long việc xuất hiện một số thị trường khác ngoài Trung Quốc và Philippines được kỳ vọng là sẽ khơi thông tiêu thị lượng lúa hè thu này.

Trong đó, có thể kể đến là hợp đồng với Malaysia. Theo đó, Malaysia chính thức quyết định mua của Việt Nam 200.000 tấn gạo 5% tấm thông qua Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) với giá 410 đô la Mỹ/tấn (FOB, giao tại cảng Sài Gòn).

Mới đây nhất, một số báo trong nước cho biết ngoài hợp đồng 800.000 tấn mà Philippines đã đồng ý nhập của Việt Nam vào ngày 15/4/2014, thì nước này vừa quyết định mua thêm 200.000 tấn gạo nữa.

Thông tin trên tờ TBKTSG, ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre) - doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA  khẳng định: “vẫn chưa có xác nhận nhập khẩu chính thức từ Philippines với cơ quan phía Việt Nam”.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, khả năng Philippines chọn mua gạo của Việt Nam là rất lớn. “Bởi thứ nhất, hiện nay các nước châu Á đang bị ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, sản lượng lương thực bị giảm.

Thứ hai, Thái Lan đang tạm thời cấm xuất khẩu để kiểm tra các kho gạo vì nghi thiếu hụt một lượng rất lớn, vì vậy chắc chắn các nước nhập khẩu sẽ tập trung về phía Việt Nam vì chất lượng gạo Việt Nam tương đối tốt, giá cả hợp lý”, ông Tuấn cho biết.

Không chỉ ở thị trường Malaysia, thị trường Indonesia cả năm 2013 không xuất khẩu được, nay họ chủ động tiếp xúc với phía Việt Nam và có thể sẽ nhập khẩu gạo trở lại vào tháng 8, tháng 9. Tương tự Bangladesh cũng đã quay lại.

Những thông tin trên đã giúp giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng thêm khoảng 10 USD/tấn so với đầu tháng 6. Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán ở mức 405-415 USD/tấn và gạo 15% tấm được được chào bán ở mức 360-370 USD/tấn.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là mặc dù giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đã tăng nhưng với mức hiện tại Việt Nam vẫn là nước có giá gạo xuất khẩu ở mức rất thấp, thấp hơn Ấn Độ, Pakistan, Campuchia, Uruguay, Argentina... cùng loại.

Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ là 430-440 USD/tấn, Pakistan, Campuchia là 440-450 USD/tấn, Urguay là 625-635% USD/tấn, Argentina là 620-630 USD/tấn.

Đánh sập toàn bộ giá gạo của VN xuống thấp

Vinafood 2 - đơn vị trực tiếp cung cấp 200.000 tấn gạo cho Malaysia trong thời gian tới đã cùng Tổng công ty lương thực miền Bắc Vinafood 1 là hai doanh nghiệp trực tiếp thực hiện việc đấu thầu cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines vừa qua. Với việc bỏ giá quá bèo, 2 Tổng công ty đã làm mất đi khoản tiền khổng lồ ước lên tới 23,2 triệu USD.

Trong khi đó, theo phân tích, Việt Nam hoàn toàn có thể bán được với giá cao vì đối thủ lớn nhất của Việt Nam trong thực hiện hợp đồng cung cấp gạo cho Philippines chỉ có Thái Lan, bởi xét về cự ly giao hàng đến Philippines, thì Ấn Độ và Pakistan xa hơn Việt Nam rất nhiều và giá bán của họ cũng cao hơn.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại từng nêu quan điểm, với lần bỏ thầu giá thấp này, tất cả thương nhân nước ngoài mua gạo Việt Nam đều lấy giá này làm đối sánh đánh sập toàn bộ giá gạo Việt Nam xuống thấp.

"Ngành lúa gạo Việt Nam là một thế mạnh nhưng càng ngày càng bị bào mòn, vắt kiệt sức của nông dân do sự yếu kém của thương nhân và nhà nước tổ chức quản lý chuỗi giá trị sản phẩm gạo không làm được.

Hiện Trung Quốc đang là nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 2 năm vừa qua nhưng theo chia sẻ của các doanh nghiệp trên tờ Tuổi trẻ cho thấy, chưa bao giờ các doanh nghiệp yên tâm khi làm ăn với các thương nhân Trung Quốc.

Dù mua nhiều nhưng nhu cầu dài hạn không rõ ràng, họ chỉ đợi những lúc thật sự cần hoặc giá giảm sâu mới ký hợp đồng. Điều khoản thanh toán là một trong những vấn đề đau đầu của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước khi người mua không thanh toán bằng tín dụng thư LC mà thanh toán bằng chứng từ. Theo đó, người mua sẽ trả trước 20% toàn bộ lô hàng và sẽ trả phần còn lại sau khi nhận được hóa đơn chứng từ từ người bán.

“Cách mua bán này rất rủi ro cho người bán. Trường hợp hàng đã giao đi rồi mà người mua không thanh toán hay thanh toán chậm thì người bán rất khó thu tiền” - giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại TP. HCM cho biết.

 

Theo Tâm An

Báo đất Việt

Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *