Nguyên Liệu 20/11/2014 16:09

WTO ra phán quyết về vụ kiện tôm của Việt Nam: Tín hiệu tốt

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vừa có phán quyết về vụ kiện tôm giữa Việt Nam và Mỹ. Theo đó, WTO đã đồng tình với 7/11 điều khoản mà Việt Nam khiếu kiện Bộ Thương mại Mỹ (DOC) trong cách tính thuế chống bán phá giá lên mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam xuất vào Mỹ.

Ngày 19.11, trao đổi với NTNN, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết điều khoản quan trọng nhất mà WTO đã phán quyết là việc DOC sử dụng phương pháp zeroing trong tính toán biên độ phá giá các lô hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam là không phù hợp với quy định của WTO, do đó Mỹ không được tiếp tục áp dụng phương pháp này.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Tập đoàn Thủy sản Minh Phú.  

 

Ông Hòe giải thích, zeroing là một phương pháp tính toán trong quá trình tính biên độ phá giá trong đó cho phép quy về 0 tất cả các giao dịch có biên độ phá giá âm (-). Việc DOC áp dụng phương pháp này đã gây thiệt thòi và bất công rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam vì mặc nhiên với cách tính này, doanh nghiệp nào cũng có biên độ phá giá trên 0%, tức có bán phá giá. “Nếu DOC chấp nhận phán quyết này, thì họ phải tính toán lại mức thuế chống bán phá giá cho các doanh nghiệp Việt Nam từ kỳ xem xét hành chính POR4, là thời điểm chúng ta gửi vụ kiện này lên WTO. Theo đó mức thuế suất chống bán phá giá mà các doanh nghiệp Việt Nam chịu sẽ về bằng 0%, tức không bán phá giá. Tương tự như vậy cho các kỳ POR 5, 6, 7 sau đó. Nếu doanh nghiệp có thuế suất bằng 0% trong 3 năm liên tiếp thì doanh nghiệp đó sẽ thoát khỏi lệnh áp thuế chống bán phá giá theo quy định của DOC” – ông Hòe phân tích.

Ông Chu Văn An - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - đơn vị có sản lượng tôm xuất khẩu qua Mỹ lớn nhất và đã theo đuổi vụ kiện này nhiều năm, cho rằng phán quyết của WTO thật sự công bằng và nếu phía Mỹ tuân theo phán quyết này thì hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ có mức thuế chống bán phá giá bằng 0% ở nhiều kỳ POR liên tiếp. Và đây sẽ là cơ sở rất có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam theo đuổi vụ kiện để thoát khỏi hẳn lệnh bán phá giá này.

WTO còn đồng tình với các khiếu nại khác của Việt Nam, như việc Mỹ phải bỏ cách áp thuế suất toàn quốc ở mức cao 25,76% mà phải tính mức bình quân chia đều cho các doanh nghiệp còn lại không phải bị đơn bắt buộc và tự nguyện.

Về việc Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ - ITC vừa công bố kết quả cuộc rà soát Hoàng hôn lần II là sẽ tiếp tục lệnh áp thuế chống bán phá giá lên mặt hàng cá tra, cá basa nhập khẩu từ Việt Nam 5 năm nữa (xem NTNN số 277/2014), theo ông Dương Ngọc Minh - Tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương, đây là một quyết định bất công không chỉ cho các doanh nghiệp Việt Nam mà còn cho chính người tiêu dùng Mỹ. “Người tiêu dùng Mỹ đã ăn con cá basa, cá tra Việt Nam với giá đắt do thuế chống bán phá giá trong vòng 10 năm qua và họ sẽ lại tiếp tục ăn giá đắt trong 5 năm tới. Trong khi thực tế các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá” – ông Minh khẳng định.

TS Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng cho rằng cá tra, basa Việt Nam không bán phá giá. Do điều kiện thiên nhiên của Việt Nam tốt, phù hợp để nuôi cá tra, cộng với giá lao động rẻ và Việt Nam đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong quá trình nuôi nên mới có mức giá bán hợp lý, đầy sức cạnh tranh với cá da trơn Mỹ. “Việc ITC và DOC dùng lệnh áp thuế chống bán phá giá để bảo hộ nền nông nghiệp cá da trơn trong nước mãi như thế là không đúng. Bởi nó đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người dân đang sống lệ thuộc vào ngành nuôi cá tra ở vùng ĐBSCL của Việt Nam” – ông Thắng bức xúc.

Theo Phương Anh - Ngọc Minh

Dân Việt

Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *