Nguyên Liệu 26/09/2014 15:58

Việt Nam "mua rẻ bán rẻ":Muốn xuất giá cao phải "biết điều"?

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, các công ty không có quyền xuất khẩu gạo muốn xuất thì phải "biết điều".

Chiết khấu cao, cho trúng nhiều?

 

Sau khi Nghị định 109/2010/NĐ-CP về Kinh doanh xuất khẩu gạo có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, hàng loạt doanh nghiệp đã bị mất quyền xuất khẩu gạo.

 

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, đang tồn tại một nghịch lý: những doanh nghiệp thực sự sản xuất, có vùng nguyên liệu để nông dân trồng lúa lại không được quyền xuất khẩu gạo, trong khi đó hai tổng công ty lương thực không có nông dân hay một héc ta lúa nào lại có quyền này, các doanh nghiệp kia đều bị chặn bởi hai tổng công ty.

 

"Thiệt thòi nông dân chịu hết. Các công ty lương thực thực sự có tổ chức sản xuất, hợp đồng với nông dân, giúp nông dân sản xuất cũng thiệt thòi vì họ không xuất được trực tiếp mà phải qua mấy đơn vị này. Một ngạch nữa để truất đi tiền lời đáng lẽ về với nông dân, thêm những đơn vị này đứng đó ăn trên đầu, trên cổ nông dân".

 

Để được quyền xuất khẩu, theo GS.TS Võ Tòng Xuân, các công ty ở tỉnh có khả năng, tiềm lực để giúp nông dân sản xuất gạo có chất lượng nhưng không có quyền xuất, phải "biết điều".

 

"Tiền chia cho mấy tổng công ty dữ lắm. Tôi biết chuyện này từ những năm 1990, đầu những năm 2000, có nguyên một đường dây và giờ đang lặp lại y chang. Cái đó gọi là nộp tiền dưới bàn. Các doanh nghiệp không nộp vào ngân sách nhà nước mà nộp cho mấy ông ký hợp đồng".

 

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, có bỏ thầu giá gạo thấp, hai tổng công ty lương thực cũng không bị ảnh hưởng
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, có bỏ thầu giá gạo thấp, hai tổng công ty lương thực cũng không bị ảnh hưởng

 

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cũng cho biết, những công ty muốn xuất khẩu gạo phải chiết khấu cho hai tổng công ty lương thực.

"Ai cao thì cho trúng nhiều. Những lúc giá hời doanh nghiệp muốn xuất theo hợp đồng thì phải chiết khấu cao lên. Lúc giá không hời thì các tổng công ty đưa ra lý do là nghĩa vụ họ phải làm. Không còn thời quota nữa nhưng gần như các tổng công ty nắm lấy quota xuất khẩu. Quyền đó là nhất!", ông Nam nói.

 

Trao đổi với Đất Việt trước đó, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cũng khẳng định: "Xưa nay các tổng công ty sướng lắm, họ cứ ngồi chờ một đầu Nhà nước bao cấp, trợ giá, một đầu ký kết những hợp đồng lớn rồi phân bổ cho doanh nghiệp, doanh nghiệp tự làm chứ họ đâu có làm rồi ăn phần trăm, phết phẩy".

 

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, tình trạng các doanh nghiệp muốn xuất khẩu phải chiết khấu cho hai tổng công ty lương thực có từ thời còn quota, từ năm 1992, khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo đến giờ.

 

"Xuất khẩu gạo thì phải theo quota Nhà nước cho bao nhiêu. Việt Nam mới bỏ quota từ năm 2001 đến nay, tuy nhiên lại duy trì hình thức hợp đồng Chính phủ, thực ra là hợp đồng tập trung. Vài năm đầu cũng cho nhiều công ty nhảy vào đấu thầu nhưng lúc đó một số đơn vị khi đấu thầu bỏ giá rất thấp, hình thành nên mức giá thấp gây thiệt hại cho đất nước. Về sau, lấy cớ đó, Hiệp hội lương thực Việt Nam mới đề nghị không cho các doanh nghiệp này đấu thầu nữa mà giao lại cho Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) thôi. Vừa rồi Vinafood 2 lại bỏ thầu giá thấp, dư luận phản đối nên lại cho Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) vào. Hai tổng công ty này là hai anh em sinh đôi, giống nhau cả, có làm thay đổi nhưng rất ít, nhưng về bản chất thì không thay đổi được gì", ông Nam cho biết.

 

Giá gạo thấp, hai tổng công ty lương thực không bị ảnh hưởng

 

PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhắc lại lần hai tổng công ty lương thực trúng thầu cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines nhờ bỏ giá thấp hơn các nhà thầu khác 28-32 USD/tấn. Mới đây nhất, Vinafood 2 cũng giành được quyền cung cấp 200.000 tấn gạo cho Philippines sau khi đồng ý giảm 4 USD/tấn theo đề nghị của cơ quan lương thực quốc gia nước này.

 

Ông phân tích: "Các tổng công ty lương thực có vị thế chính trị độc quyền được Nhà nước tin dùng từ thời quốc doanh đến bây giờ. Thứ nữa họ không phải là nhà kinh doanh đúng nghĩa, họ không cần đàm phán, cạnh tranh gay gắt để có được  giá có lợi nhất vì giá nào thì lợi ích của họ vẫn không bị ảnh hưởng. Giá thấp họ cũng không bị ảnh hưởng, bởi vì họ đẩy cái giá thấp ấy về cho người nông dân, giá cao thì họ hưởng.

 

Lợi ích của hai tổng công ty không nằm ở cái giá họ đấu thầu. Chính sách, cơ chế quản lý của nước mình đã tạo ra cho hai tổng công ty vị thế như vậy, vị thế mà họ được ngồi, được chỉ đạo, thay mặt Nhà nước phân chia, áp đặt các nghĩa vụ cho các công ty lương thực. Chính vì họ có vị thế chính trị lớn như vậy nên họ không cần đấu tranh thêm một đồng hay đô la làm gì, thậm chí họ hi sinh 10, 20 USD họ cũng chẳng ảnh hưởng gì. Quản lý nhà nước đáng lẽ phải nhìn thấy, thay đổi cơ chế đó để có cạnh tranh, có nhà kinh doanh thực sự".

 

Ông Nam cũng chỉ rõ, việc Philippines đòi giảm 4 USD/tấn khi đấu thầu cung cấp gạo là bởi "dần dần Philippines hiểu được cơ chế của Việt Nam nên họ ép được. Philippines một thời đã bỏ đấu giá tập trung và muốn đấu giá theo kiểu thị trường. Sau này họ nhận ra là những anh xuất khẩu gạo như kiểu Việt Nam, Thái Lan đấu giá kiểu tập trung mang dáng dấp của nhà nước thì các khách hàng Việt Nam nhân nhượng họ nhiều hơn cho nên họ vẫn duy trì. Đó là vì họ biết cơ chế quản lý của nhà nước Việt Nam này rồi".

 

Trong khi đó, GS.TS Võ Tòng Xuân khẳng định, còn duy trì việc để hai tổng công ty lương thực nắm quyền xuất khẩu gạo sẽ diệt hết sáng kiến, những cố gắng của các doanh nghiệp tư nhân muốn giúp nông dân sản xuất gạo có chất lượng, có thương hiệu. "Họ chán nản khi bị hai ông tổng đứng chắn ngang đường", ông nói.

 

Ông Xuân đề xuất, hai tổng công ty lương thực phải làm nhiệm vụ môi giới cho các công ty con, tức các công ty ở các tỉnh và các công ty đang có vùng nguyên liệu, có nhà máy sản xuất.

 

"Hai tổng công ty phải giới  thiệu các công ty này với đối tác muốn mua gạo ở nước ngoài để họ làm việc với nhau, để các đơn vị này đứng ra bán gạo lấy lời. Phải bỏ bớt một khâu trung gian để đưa lãi về cho nông dân. Nếu cho các công ty xuất thẳng không cần qua trung gian thì tiền lời sẽ về nông dân nhiều hơn", ông nói.

 

Theo Thành Luân

Báo Đất Việt

Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *