Nguyên Liệu 27/03/2015 14:39

Trung Quốc "dìm" giá gạo: Việt Nam đừng để mắc bẫy

Trung Quốc chủ yếu mua gạo qua đường tiểu ngạch với giá cao hơn sẽ khiến nông dân và DN Việt Nam mắc lại cái bẫy của những năm trước.

GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam đã đưa ra cảnh báo trước tình hình xuất khẩu gạo nước ta sang thị trường Trung Quốc đang nóng trở lại.

 

Chiêu bài cũ

 

Theo GS Trần Đình Long, ngay khi Trung Quốc có động thái mua gạo trở các DN Việt Nam ào ạt bán gạo sang.

 

Hiện phản ánh của nhiều doanh nghiệp cho biết mấy tuần nay thương lái Trung Quốc đã bắt đầu hỏi mua gạo với số lượng lớn. Đã có nhiều chủ vựa ký hợp đồng bán gạo với giá 5% tấm là 7.500-7.600 đồng/kg, trong khi giá trong nước chỉ 7.400 đồng/kg.

 

"Trước mắt đây có thể xem là một tín hiệu tốt thúc đẩy giá gạo lên nhưng chúng ta đã quá nhiều lần 'mắc bẫy' nên cũng cần phải thận trọng", GS Long e ngại.

 

Theo tính toán của giới chuyên môn, thực tế thương lái Trung Quốc nhập chính ngạch phải chịu thuế phí khoảng 70-80 USD/tấn, trong khi nhập tiểu ngạch không chịu thuế phí thì họ chỉ cần bỏ ra khoảng 20-30 USD/tấn để “bôi trơn” vẫn có lời 40-50 USD/tấn.

 

Tính ra, thương lái Trung Quốc bỏ ra thêm 20-30 USD trong khoản hưởng lợi 40-50 USD nhờ xuất tiểu ngạch để nâng giá thu mua lên là đã giết chết những doanh nghiệp Việt Nam bán chính ngạch.

 

Chưa kể với mức “tăng ảo” giá thu mua của thương lái Trung Quốc tạo ra khiến mặt bằng giá trong nước tăng, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải bán giá cao nhưng không ai mua. Không ký được hợp đồng với các thị trường khác buộc doanh nghiệp Việt phải quay lại bán cho Trung Quốc để giải phóng tồn kho.

 

Đồng tình với điều này, GS Trần Đình Long cho rằng, thông qua con đường tiểu ngạch vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính sự không chính thống này vốn đã mang lại sự không ổn định, khi thế này khi thế khác và doanh nghiệp Việt Nam dễ bị ép.

 

Nhưng khi bị ép lại không có cơ sở để đàm phán thành ra cứ chạy theo thì sẽ phải chịu thua thiệt. Mà doanh nghiệp chịu thiệt thì lại ép xuống nông dân", GS Long nói.

 

Chiêu bài ép giá từng được thương lái Trung Quốc nhiều lần áp dụng. Từ năm 2013 Chủ tịch Hiệp hội Lương thực từng thừa nhận, Trung Quốc đứng đầu danh sách trong việc ép giá, hủy hợp đồng xuất khẩu gạo Việt Nam.

 

Theo đó năm 2013 có tới 64% số hợp đồng xuất khẩu gạo bị hủy đến từ các đối tác Trung Quốc. Sau đó là các động thái trì hoãn nhập hàng với các hợp đồng còn lại và ép hạ giá xuống.

 

Khi đó các doanh nghiệp đã nhập gạo về trong tư thế chuẩn bị xuất đi nên không có chuẩn bị cho kho bãi. Vì vậy dù bị ép giá nhưng vẫn phải chấp nhận bán lỗ.

 

Các doanh nghiệp không tỉnh táo sẽ dễ dính vào chiêu bài ép giá gạo của Trung Quốc
Các doanh nghiệp không tỉnh táo sẽ dễ dính vào chiêu bài ép giá gạo của Trung Quốc

Nguy cơ giá rẻ hơn, thậm chí không tiêu thụ được

 

Dù cho rằng con đường tiểu ngạch có quá nhiều rủi ro nhưng GS Trần Đình Long cũng thừa nhận vẫn phải dựa vào vì có những khi cần giải quyết tình thế.

 

"Chúng ta không thể ngay lập tức cấm tiểu ngạch bởi đôi lúc cần giải quyết hàng ứ thừa tạm thời. Hơn nữa việc cấm đoán cũng không đơn giản. Tuy nhiên hướng lâu dài là phải hướng qua con đường chính ngạch và không nên mở rộng tiểu ngạch", GS Long nói.

 

GS Long cũng cảnh báo nếu Việt Nam tiếp tục duy trì sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì nguy cơ giá còn thảm hơn và thậm chí còn không tiêu thụ nổi dẫn đến hậu quả không thể lường trước được.

 

Chính vì thế hơn một lần GS Long kiến nghị các ngành chức năng quan tâm đến việc xây dựng thị trường cho gạo Việt.

 

Theo đó ông cho rằng, để nâng cao chất lượng gạo, giá gạo xuất khẩu phải kiểm soát, nâng cao chuỗi sản xuất sản phẩm, trong đó có giống, kỹ thuật nhân giống, kỹ thuật canh tác, sau thu hoạch, chế biến, bảo quản...

 

"Hiện ở đồng bằng sông Cửu Long có trên 100 giống lúa mà đáng ra nên rút lại chỉ còn 4-5 giống chất lượng còn nông dân giờ làm lung tung nên gạo của Việt Nam chất lượng kém và tạp.

 

Phải chọn ra những bộ giống tốt nhất, không lấy đến 800 USD/tấn mà lấy bình quân đến 600 USD/tấn, cho những vùng nhất định. Dần hướng tới việc cơ giới hóa, xây dựng thương hiệu gạo quốc gia về tất cả các mặt từ đó tăng hiệu quả sản xuất lúa", GS Long góp ý.

Theo Bích Ngọc

Đất Việt

Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *