Nguyên Liệu 29/07/2014 10:22

Giá tôm xuất khẩu tăng, đại gia thủy sản hưởng lợi lớn

FICA - Cùng với bê bối tại ngành tôm Thái Lan, dịch bệnh EMS toàn cầu đã khiến nguồn cung sụt giảm mạnh, đẩy giá tôm có lúc tăng đến mức cao nhất trong 14 năm.

Theo số liệu thống kê tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm vừa được công bố, thủy sản tiếp tục là một trong 10 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất. 

Đồng thời, với tốc độ tăng trưởng 27,7%, đây cũng là nhóm ngành tăng nhanh nhất, đạt giá trị 3.550 triệu USD. Trong đó, tôm vẫn là mặt hàng chủ lực với tỷ trọng gần 50% tổng giá trị xuất khẩu và tăng trưởng khá mạnh, đặc biệt là tôm chân trắng (tăng 133% so với cùng kỳ).

Hồi tháng trước, chuyên trang Agromonitor đưa tin cho biết, Carrefour, hệ thống siêu thị lớn thứ 2 tại Mỹ (sau Walmart) đã dừng mua trực tiếp và gián tiếp tôm từ Charoen Pokphand (CP) Foods. 

Sự việc này bắt bắt nguồn từ một phóng sự điều tra gần đây của tờ Guardian (Anh Quốc) phanh phui những góc tối trong ngành sản xuất tôm Thái Lan. Trong đó, tờ báo lên án tình trạng buôn bán nô lệ và cưỡng bức lao động trên các tàu đánh bắt cá dùng làm nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi tôm ở Thái Lan đồng thời dẫn tên tập đoàn thực phẩm C.P như một trong những nguồn tiêu thụ chủ yếu các loại thức ăn này.

Sản phẩm tôm của C.P. Foods hiện đang được tiêu thụ tại các thị trường lớn trên thế giới thông qua các nhãn hiệu bán lẻ tên tuổi như Walmart, Cotsco, Tesco.... Sau thông tin này, các hãng này đều cho biết sẽ rà soát lại nguồn gốc các sản phẩm tôm từ Thái Lan đồng thời làm việc với C.P để làm rõ các vấn đề này. Kết quả là, Carrefour, hệ thống siêu thị lớn thứ 2 tại Mỹ (sau Walmart) đã dừng mua trực tiếp và gián tiếp tôm từ công ty thực phẩm CP. 

Đây là một đòn mạnh giáng vào ngành tôm Thái Lan đồng thời cũng là hồi chuông cảnh báo đối với ngành thủy sản các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam về việc đảm bảo an sinh xã hội và điều kiện lao động ngoài các vấn đề về môi trường và kỹ thuật khi xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển. 

Tuy nhiên, theo Rồng Việt, đây cũng là cơ hội để ngành tôm Việt Nam gia tăng thị phần tại các thị trường xuất khẩu lớn khi nhu cầu tôm từ Thái Lan sụt giảm.

Hơn nữa hiện nay dịch bệnh EMS toàn cầu vẫn tiếp tục hoành hành ở một số quốc gia chủ chốt như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Mexico. Kết quả là, nguồn cung sụt giảm mạnh khiến giá tôm có lúc tăng đến mức cao nhất trong 14 năm trở lại trong những tháng đầu năm. Tính chung 6 tháng đầu năm, sản phẩm này đã tăng 46% so với trung bình của cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Indexmundi

Theo Rồng Việt, dự kiến 6 tháng cuối năm, dịch bệnh EMS có thể tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung của thực phẩm này. Do đó, giá tôm kỳ vọng giữ đà tăng, và sẽ là động lực cho những doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong năm nay.

Triển vọng ngành tôm cũng khá phù hợp với KQKD của một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm, nổi bật là FMC và MPC. Doanh thu, LNST Q2 vừa công bố của FMC tăng vọt trong đó doanh thu tăng khoảng 52% và lợi nhuận gấp hơn 20 lần so với cùng kỳ. 

Những con số này trong 6 tháng này đều thể hiện mức tăng vượt bậc so với kết quả của 17 năm qua. Thành quả này được xem là kết quả gia tăng của xuất khẩu (tăng 70%), trong đó, thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng cao nhất, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ - báo cáo của Rồng Việt ghi nhận.

Liên quan đến MPC, mặc dù KQKD chưa được công được công bố chính thức nhưng theo một số nguồn tin, LNST Q2 có thể lên đến 187-230 tỷ đồng, tăng mạnh so với  Q2/2013. Nguyên nhân cũng nhờ xuất khẩu tôm tăng trưởng mạnh trong 6 tháng so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng có thể lên đến hơn 300 triệu USD. 

Đáng chú ý, MPC cũng vừa công bố kế hoạch chi trả cổ tức lên đến 50%, tương đương với tỷ suất cổ tức khá cao khoảng 10,6%. Do vậy, trong hai phiên gần đây, cổ phiếu này liên tục tăng trần mặc dù thanh khoản không quá lớn.

Rõ ràng rằng, với những tín hiệu trong ngành cũng như thông tin KQKD khả quan, giá của các doanh nghiệp xuất khẩu tôm gần đây đang phản ánh kỳ vọng tích cực từ phía nhà đầu tư.  

Mai Chi

Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *