• -
Nguyên Liệu 01/08/2014 13:35

Giá mủ giảm - không bão, cây caosu vẫn tan tành

Trước diễn biến giá caosu rớt đáy, các hộ dân khu vực Bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai) đã lại thi nhau chặt bỏ cây caosu

Caosu được mệnh danh là "vàng trắng", từng thay đổi đời sống, kinh tế xã hội của nhiều địa phương và cả nước. Nhưng rồi, khắp nơi người dân đã phải khốn đốn đối mặt với vấn nạn thiên tai, sụt giảm giá bán mủ vì thị trường bất ổn, cung vượt cầu... khiến người dân lao đao với loại cây công nghiệp dài ngày này.

Nhiều "trận chiến" nảy lửa, tranh cãi về việc nên hay không phát triển ồ ạt cây caosu ở miền Trung - Tây Nguyên đã nổ ra chưa hồi kết. Và bây giờ, dù bão chưa đến, nhưng khắp nơi vườn caosu đã tan tành vì người dân tự đốn hạ, bởi giá mủ sụt giảm liên tục...

Khắp nơi dân ồ ạt chặt bỏ caosu ồ ạt chặt bỏ caosu vì rớt giá

Trước diễn biến giá caosu rớt đáy, các hộ dân khu vực Bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai) đã lại thi nhau chặt bỏ cây caosu để chuyển sang cây trồng khác. Bài toán ồ ạt trồng khi giá đạt đỉnh, rồi sau đó, phá bỏ vì “điệp khúc” mất giá đang là bài toán không lời giải, làm “đau đầu” chính quyền sở tại.

Tại tỉnh Gia Lai, địa phương phát triển cây caosu mạnh nhất là huyện Chư Prông với 34.000ha. Thế nhưng tại đây, đã có trên 30 hộ dân đốn hạ hàng trăm hécta vườn caosu 10 năm tuổi vì lý do: Mất giá. Nông dân Phạm Văn Mạnh (xã Ia Phìn) phải chặt bỏ 5ha caosu 8 năm tuổi, bất chấp “mất trắng” công chăm sóc, tiền đầu tư.

“Tiền phân bón ngốn hết 125 triệu đồng, chưa kể chi phí xăng dầu, nước tưới, thuê nhân công... Giá thấp, nếu cạo cũng không đủ bù chi phí nên phải chặt” - anh Mạnh lắc đầu. Cạnh đó, cành, ngọn nằm ngổn ngang bên những gốc cây caosu vừa chặt hạ, bên các hố được anh đào vội để thay bằng cây càphê.

 Người dân đồng loạt đốn hạ cây caosu chỉ vì... giá mủ xuống đáy. Ảnh: Đ.T.K

Người dân cho hay, thấy giá mủ caosu tăng thì tìm mọi cách khai hoang, thậm chí là chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng. Trong khi rất “mù mờ” về kỹ thuật, cách chăm sóc, các loại giống mua dạng trôi nổi. “Thấy người dân Bình Phước lên đây thuê đất trồng caosu, họ nói giá caosu “ăn đứt” các loại cây tiêu, càphê... nên người dân cũng “mách” nhau trồng theo” - bà Nguyễn Thị Mỵ (xã Ia Phìn) nói.

Khi giá caosu rớt đáy, tại xã Ia Phìn, người dân đua nhau phá bỏ để... tiếp tục hành trình “chuyển đổi cây trồng” một cách tự phát, thiếu định hướng.

Bất chấp khuyến cáo

Hiện, người dân Gia Lai chuyển sang trồng tiêu, vì thấy giá tiêu tăng “chóng mặt” đến 180.000đ/kg. Phó Chủ tịch xã Ia Phìn Trần Văn Duân cho biết, toàn xã có 29 hộ trồng caosu với diện tích trên 110ha, chủ yếu trồng từ năm 2005 - 2006.

Hộ nhiều nhất có trên 9ha, hộ ít nhất 1ha. “Giá mủ caosu xuống quá thấp, trong khi không chủ động được thị trường, giá cả nên phải chặt bỏ” - ông Duân thừa nhận. Ngoài Ia Phìn, các xã Ia Băng, Ia Pia (huyện Chư Prông), người dân cũng “hẹn” nhau đốn hạ chỉ vì... giá xuống đáy.

Tỉnh Kon Tum cũng rơi vào tình trạng tương tự, khi tại huyện Sa Thầy, đã có hàng trăm hécta caosu bị nông dân chặt bỏ, chuyển sang trồng càphê, bời lời... Theo ông Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sa Nhơn (huyện Sa Thầy) - nông dân chặt bỏ cây caosu vì giá mủ xuống thấp từ 6.000 - 6.500 đồng/kg, nhiều chủ vườn lo lắng vì lỗ nặng.

Phó phòng Nông nghiệp Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum Bùi Đức Trung cho biết, rất nhiều huyện xảy ra tình trạng chặt bỏ vườn caosu là Sa Thầy, Đắc Hà, Ngọc Hồi...

Trước diễn biến này, UBND tỉnh Kon Tum phải ra văn bản số 1868/UBND-KTN chỉ đạo Sở NNPTNT, UBND 9 huyện, thành phố khẩn trương rà soát, kiểm tra, khuyến cáo không nên chặt, làm phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng. Tại hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum đã có trên 1.000ha caosu bị chặt bỏ.

Trước đó, bất chấp khuyến cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) và điều kiện tự nhiên không phù hợp, người dân vùng Tây Nguyên đua nhau trồng caosu vượt mức quy hoạch đến 13.500ha. Việc nông dân ở Tây Nguyên ồ ạt trồng caosu khi được giá, rồi phá bỏ khi rớt giá được xem như là “canh bạc” khi không có sự định hướng rõ ràng từ các ban, ngành chuyên môn. 

Theo Đình Văn

Lao Động

Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *