Nguyên Liệu 02/02/2015 16:18

Điện tăng giá, ai là người hưởng lợi?

FICA - Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, với tình trạng giá điện rẻ hơn giá thành như hiện nay sẽ không có nhà đầu tư nào dám bước chân vào ngành điện. Trong khi các doanh nghiệp FDI hưởng lợi thì nhà nước phải bù lỗ và thị trường độc quyền không thể phá bỏ.

Bộ Công thương cho rằng, tình trạng độc quyền ở mặt hàng điện như hiện nay xuất phát từ tình trạng giá điện bán ra thấp hơn giá thành
 
Tại cuộc họp thường kỳ Bộ Công thương diễn ra chiều nay (2/2/2015), trả lời câu hỏi liên quan đến sự tác động của tăng giá điện lên nền kinh tế, “liệu ai sẽ hưởng lợi khi giá điện tăng?”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, chủ trương của Chính phủ là phải đưa giá điện và giá xăng dầu tiệm cận với giá thị trường. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo rất rõ về vấn đề này. 
 
Ông Hải cho biết, hiện nay, các tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới (World Bank) – một chủ nợ lớn của EVN, đã cảnh báo về tình trạng giá điện thương phẩm – giá điện bán ra của Việt Nam đang thấp hơn so với giá thành. Chính vì vậy, nếu không thay đổi thực tế này thì sẽ không nhà đầu tư nào muốn bước chân vào ngành điện.
 
“Giá bán ra mà rẻ hơn giá thành thì chẳng ai muốn đầu tư cả! Quanh đi quẩn lại sẽ chỉ có một doanh nghiệp Nhà nước là EVN có thể làm được, có thể chịu lỗ - có nghĩa là Nhà nước vẫn phải bù lỗ” – ông Hải phân tích. “Trong khi đó, chúng ta vẫn lại than phiền là đang chịu sự độc quyền trong ngành điện”.
 
Ông Hải khẳng định, tình hình giá bán điện như hiện nay hoàn toàn không có lợi cho Chính phủ. Các doanh nghiệp nước ngoài khác hoạt động ở Việt Nam với công suất sử dụng lớn (xi măng sắt thép, tôn…) nhưng được hưởng giá điện rẻ - đây lại là giá điện đang được Chính phủ hỗ trợ và bù lỗ. Trong khi đó, riêng người nghèo (khoảng 2,7 triệu hộ), Chính phủ cũng đã hỗ trợ 30 kWh (tương ứng 50.000 đồng/tháng).
 
Ông Hải tái nhấn mạnh, giá điện cần phải tiệm cận với thị trường thì tương lai thị trường điện mới có cạnh tranh được, chứ không phải là độc quyền như hiện nay. Được lợi sẽ là Chính phủ, doanh nghiệp và cả người dân. Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi vì khi có cạnh tranh, các doanh nghiệp tham gia thị trường sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ, chi phí quản trị doanh nghiệp, tăng năng suất để tạo ra giá thành điện rẻ nhất – người phát ngôn Bộ Công thương phân tích.
 
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, mới đây, ngày 22/1/2015 thì Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 3 Bộ Công thương, Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Thủ tướng chỉ đạo, trước hết, EVN phải rà soát những tính toán về giá điện, phải nâng cao năng suất lao động trong ngành điện và quản trị doanh nghiệp. 
 
Tại cuộc họp này, Thủ tướng chỉ đạo, từ nay đến Tết Nguyên đán chưa tăng giá điện. Sau tết, EVN có đề xuất tăng giá điện 9,5% song Bộ Công thương sẽ phải xem xét dựa trên những quy định hiện hành, trong thẩm quyền và tùy vào tình hình thực tiễn để quyết định. Nếu trong phạm vi tăng giá 7-10% thì Bộ sẽ xem xét quyết định, còn trên 10% thì EVN phải trình Bộ Tài chính thẩm định, Bộ Công thương xem xét, trình lên Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trong tháng 3, Bộ sẽ báo cáo lên Thủ tướng những vấn đề liên quan đến giá điện.
 
Bích Diệp
Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *