Nguyên Liệu 29/06/2014 08:13

Bóc trần mảng tối kinh doanh xăng dầu

Lý do tăng giá cực kỳ đơn giản: theo những chính sách quản lý giá mới, các đơn vị kinh doanh có quyền tăng giá. Hết! Còn lỗ hay lãi? Đó là việc của họ.

Thế là xăng lại tăng giá. Trước đây, mỗi lần tăng giá, sẽ có nhiều cơ quan, đơn vị đưa ra những thông tin về giá thị trường quốc tế, sử dụng quỹ bình ổn, những biện pháp chống tăng giá dây chuyền và quan trọng nhất là công bố các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang lỗ và thông thường là tiếng kêu than về sự lỗ kinh khủng, nếu không tăng giá thì có thể... phá sản. Bây giờ thì không cần. 

Lý do tăng giá cực kỳ đơn giản: theo những chính sách quản lý giá mới, các đơn vị kinh doanh có quyền tăng giá. Hết! Còn lỗ hay lãi? Đó là việc của họ. Họ đã thực hiện đầy đủ các chính sách thuế và các khoản đóng góp cho Nhà nước, thêm một chút nữa, họ là doanh nghiệp Nhà nước, có lãi cũng là Nhà nước lãi, nhân dân lãi(?). Nhưng hình như không phải thế. Vụ gian lận trong kinh doanh xăng dầu mới đây đã bóc trần một mảng tối trong kinh doanh này mà người thiệt hại chính là Nhà nước và sau Nhà nước, chính là nhân dân, còn người được lợi, đương nhiên là một nhóm lợi ích. 
 


Pha trộn gọi là chế biến?

Mới đây, Công ty liên doanh TNHH Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (VPT) cùng với một chủ hàng nước ngoài là Lukoil tiến hành nhập khẩu 3 lô hàng xăng dầu, được khai là nguyên liệu từ Trung Quốc và Singapore vào Kho ngoại quan xăng dầu Vân Phong và tiến hành pha chế nhằm tạo ra sản phẩm mới thích hợp với thị trường trong nước. Ba lô hàng được nhập khẩu ban đầu vào Kho ngoại quan Vân Phong thì lô hàng Gasoline 92 Ron có chỉ tiêu RON trước khi pha chế là 95,7, xuất xứ từ Singapore với trọng lượng là 15.935,358 tấn. Hai lô hàng còn lại đều là Gasoline 88 Ron có chỉ tiêu RON trước khi pha chế lần lượt là 89,4 và 89,3, cùng có xuất xứ từ Trung Quốc với trọng lượng là 13.205,462 tấn và 5.333,241 tấn.

Sau khi “pha chế”, tức là trộn với nhau, tại Kho ngoại quan Vân Phong, lô hàng thành phẩm có tên mới là Gasoline 92 RON với trọng lượng 34.474,061 tấn, đúng bằng tổng trọng lượng của 3 lô hàng được dùng để “pha chế”. Thật ra đó là hoạt động kinh doanh bình thường của nhiều đơn vị kinh doanh xăng dầu trong nước. Quan trọng hơn, hoàn thành việc pha chế, chủ hàng đã xuất lô hàng sản phẩm cuối cùng này ra khỏi Kho ngoại quan. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là đơn vị nhập khẩu lô hàng vào nội địa. Theo quy định, khi mở tờ khai để nhập khẩu lô hàng này, Petrolimex phải cung cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) của lô hàng nhập khẩu. Với xuất phát điểm lô hàng được pha chế tại Kho ngoại quan Vân Phong và xuất ra từ đây, các doanh nghiệp liên quan đã khai xuất xứ Việt Nam cho lô hàng này.

Theo đúng quy định về thương mại và thuế liên quan đến kinh doanh xăng dầu, một hoạt động vốn được xem là khá đặc thù và không phải doanh nghiệp nào cũng được cấp phép hoạt động, nếu các hoạt động sản xuất xăng dầu tại Việt Nam, các nguyên liệu sẽ có mức thuế nhập khẩu rất thấp, thấp hơn nhiều so với xăng dầu thành phẩm. Như vậy với hơn 33,5 ngàn tấn xăng có chỉ tiêu 

Gasoline Ron có chỉ tiêu RON từ 89,3 đến 95,7 mà VPT nhập về được coi là nguyên liệu sản xuất (?). Thêm nữa, nếu là hoạt động sản xuất xăng dầu tại Việt Nam, hoạt động này sẽ được hoàn thuế trị giá gia tăng, nghĩa là gần như miễn các khoản thu nộp ngân sách do kinh doanh nội địa. Như thực tế, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang được hưởng mức phụ thu (tương đương 7% thuế nhập khẩu xăng dầu) để lại cho doanh nghiệp do sản xuất xăng dầu ngay tại Việt Nam, thì cấp xuất xứ C/O Việt Nam (nghĩa là sản xuất tại Việt Nam) sẽ giúp doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi tương đương. Với những khoản lợi lên đến nhiều trăm tỷ liên quan đến việc công nhận xuất xứ Việt Nam của lô hàng này, dư luận lại càng bức xúc khi biết đơn vị nhập lô hàng thành phẩm ra khỏi kho ngoại quan là Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, còn đơn vị bán là một thành viên của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, nhưng là thành viên liên doanh. VPT là đơn vị liên doanh giữa Tập đoàn xăng dầu Việt Nam với một doanh nghiệp Singapore. Như vậy đây là một thương vụ nội bộ của một tập đoàn kinh tế Nhà nước mà đơn vị hưởng lãi lại là một doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp Nhà nước. Khoản lợi nhiều trăm tỷ do được hưởng các chính sách ưu đãi sẽ không được nộp vào ngân sách mà sẽ vào túi ai?. 

Sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi

Mặc dù các đơn vị liên quan đến lô hàng này của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vận động tích cực, nhưng lô hàng vẫn chưa được thông quan. Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có thông báo, lô hàng được pha chế này không thuộc bất kỳ trường hợp nào trong quy định về việc cấp chứng nhận xuất xứ Việt Nam. Lý do được Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại đưa ra là “hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam do không đạt tỷ lệ nội địa hóa”. Do đó, xăng dầu pha chế trong kho nêu trên không được xem là hàng hóa được đóng gói bao bì để được cấp C/O giáp lưng (C/O back to back). Trong khi đó, Tổng giám đốc VPT, ông Đào Minh Châu trong các văn bản đã trình bày, Thông tư 88/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính chưa hướng dẫn việc cấp C/O cho lô hàng sau pha chế và nếu chưa hướng dẫn, tức là không cấm thì VCCI phải thừa nhận xuất xứ Việt Nam cho lô hàng này. Nhưng bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại đã cương quyết trả lời, các lô hàng trên có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài (Trung Quốc và Singapore). Sau khi nhập khẩu vào kho ngoại quan, lô hàng được pha chế để sau đó bán vào thị trường nội địa. Tất cả các hoạt động pha trộn thuần tuý, từ nguyên liệu nhập khẩu và thực hiện gia công đơn giản thì không được cấp C/O Việt Nam đã được ghi rõ tại Nghị định 19/2006/NĐ-CP và hiện chưa có bất cứ văn bản nào khác thay thế.

Và lô hàng đã nằm lại kho ngoại quan. Phía doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang tiếp tục vận động, còn các đơn vị gác cổng ngoại quan thì cũng cương quyết. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đã có biểu hiện của một kế hoạch nhằm gian lận thương mại. Nếu trong quá trình pha trộn giữa chất này với chất kia và có phản ứng hóa học để tạo ra sản phẩm mới, thì mới có sự biến đổi về bản chất. Và đó mới là sản xuất. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hóa dầu nhận xét, 3 lô hàng nhập khẩu để pha chế này về nguyên tắc đã là xăng thành phẩm ở nước ngoài. Việc pha chế ra xăng RON 92 nói trên không thay đổi thành phần hóa học của sản phẩm, cũng như không làm thay đổi tính chất sẵn có của hai loại xăng đầu vào dùng để pha chế. Đây chỉ là hành động pha trộn để điều chỉnh chỉ tiêu RON, không tác động đến bản chất xăng nhập khẩu. Tất cả các lô hàng này phải được tính thuế như bất kỳ lô hàng xăng dầu nhập khẩu khác, không được hưởng bất kỳ một ưu đãi nào?  Các vấn đề cần phải làm rõ để có thể tránh thất thu thuế cho Nhà nước và tạo ra môi trường kinh doanh công bằng.

 Nhưng quan trọng hơn cả là những người tìm kiếm xuất xứ Việt Nam của lô hàng này nhằm mục đích tránh thuế và hưởng ưu đãi chính sách không chính đáng. Và còn một sự lo lắng lớn hơn: Đã có bao nhiêu lô hàng đã gây thất thu cho Nhà nước qua con đường chạy xuất xứ từ trước đến nay? Chắc chắn không chỉ có một vụ này. Hy vọng dư luận sớm nhận được kết luận của các cơ quan thanh tra. 

Người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao cho xăng dầu nếu các khoản lợi nhuận trong kinh doanh xăng dầu có sự minh bạch và nộp thuế đầy đủ. Rất tiếc, cho đến nay, qua rất nhiều sự thay đổi chính sách, bóng dáng một thị trường xăng dầu cạnh tranh, một thị trường đầy đủ các yếu tố thị trường, một thị trường trách nhiệm, càng ngày càng xa khuất chân trời. Một thị trường nhiều tỷ USD vẫn đang nằm trong vòng khống chế của vài doanh nghiệp. Sẽ còn cải tiến, còn đắp vá chính sách đến bao giờ, khi những hoạt động kiểu chạy xuất xứ, chạy ưu đãi, trốn nộp thuế vẫn diễn ra...

Theo Phan Đức

ANTĐ 

Chuyên mục: Nguyên Liệu

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *