Tiền và Hàng 09/05/2018 13:46

Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Thủ tướng phát triển tiền điện tử

Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước cũng cần phát triển tiền điện tử, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ báo cáo Thủ tướng về vấn đề này, trong Nghị định 101 sẽ có những sửa đổi nhất định liên quan tới tiền điện tử.

Trước "cơn sốt" của những đồng tiền ảo thời gian qua, ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho hay: Chúng ta phải phân biệt tiền kỹ thuật số và tiền điện tử. Tiền ảo là tiền mã hóa và các loại tiền kỹ thuật khác, không được pháp luật thừa nhận, không được coi là phương tiện thanh toán.

Ở Việt Nam theo Quyết định 1255 của Thủ tướng đang giao Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu các vấn đề về tiền ảo. NHNN chủ trì về tiền điện tử.

"Chúng ta đã có các quy định về tiền điện tử tuy nhiên cần bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp lý về tiền điện tử. Bản chất của tiền điện tử là được đảm bảo bằng một đồng tiền pháp định, được coi như là có giá trị với đồng tiền pháp định. Đây là sự khác biệt. Việc đồng nhất với tiền điện tử và tiền ảo là không đúng", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, ở Việt Nam và nhiều nước cần phát triển tiền điện tử, NHNN sẽ báo cáo Thủ tướng về vấn đề này, trong Nghị định 101 sẽ có những sửa đổi nhất định liên quan tới tiền điện tử.

Liên quan tiền ảo, tài sản ảo, gần đây Thủ tướng đã có Chỉ thị số 10, lần đầu tiên cơ quan quản lý Việt Nam đề cập tới tiền ảo và tài sản ảo để phân định rõ các công việc của ngành Ngân hàng, Tư pháp, Công an...

Ngay sau khi có chỉ thị trên, NHNN đã văn bản yêu cầu các nhân hàng không được cấp các dịch vụ thanh toán, bù trừ, thẻ tín dụng… liên quan tới tiền ảo do lo ngại những hệ lụy và rủi ro tiền ảo mang lại. Yêu cầu các tổ chức tín dụng phòng ngừa các giao dịch đáng ngờ, phòng chống rửa tiền liên quan tới tiền ảo.

Thông tin từ NHNN cho thấy: Trong năm 2017, giá trị giao dịch thanh toán qua hệ thống ATM/POS tăng 34% so với năm 2016, tỷ lệ giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm hơn một nửa...

Về vấn đề thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho rằng: Đây là vấn đề lớn ở nhiều lĩnh vực, trước đây NHNN có Đề án 2545 trình Chính phủ. Gần nhất Chính phủ đã ban hành Quyết định 241 thanh toán trong dịch vụ công, đây là một cú hích cho Việt Nam, cho người dân sử dụng dịch vụ công .

Bên cạnh đó, ai cũng có thể sử dụng mã vạch ma trận (QR Code - mã vạch thế hệ mới) tại nhiều ngân hàng trong thời gian gần đây. Trong một năm gần đây, mọi người có thể sử dụng điện thoại để chuyển tiền thuận tiện và nhanh chóng. Đó chính là việc NHNN đã quan tâm tới việc xây dựng các hạ tầng. Bao gồm phần chuyển mạch, thanh toán liên ngân hàng và xây dựng các tiêu chuẩn cho phép sử dụng các dịch vụ này.

Năm 2016 và 2017, thanh toán liên ngân hàng tăng trưởng mạnh cả về số lượng và giá trị trên 30%. Mỗi ngày thanh toán trên 10 tỉ đô la Mỹ. Thanh toán trên thiết bị di động, trên Internet tăng trưởng trên 50%.

Có thể thấy, chính sách của NHNN đã tác động khá tốt tới lĩnh vực thanh toán. Ví dụ dễ dàng thanh toán tiền điện, điện thoại trên website của các ngân hàng.  Đó là các tiện ích cơ bản, rất tốt cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cần giải pháp truyền thông để thay đổi thói quen và tâm lý của người tiêu dùng.

An Hạ

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *