Tiền và Hàng 27/06/2015 11:01

Nếu có 67.000 công nhân đi ghi công tơ thì giá điện sao có thể rẻ?!

EVN đã từng công bố con số hàng chục nghìn công nhân chỉ đi làm công việc ghi công tơ, thu tiền điện. Và khi hóa đơn điện của người dân tăng vọt bất thường, người ta mới vỡ lẽ có nhiều lỗi ở công đoạn ghi - thu thủ công này.

Ngành điện cũng không nắm rõ

 

Còn nhớ cuối năm 2014, EVN đã công bố trước Thủ tướng Chính phủ con số hàng chục nghìn người, cụ thể là 67.000 người (con số mà sau đó một số lãnh đạo ngành điện không thừa nhận) làm trong ngành điện chỉ đi ghi công tơ, thu tiền điện. Con số này đã khiến dư luận giật mình. Còn Thủ tướng Chính phủ đã phải yêu cầu EVN giảm bớt số con số này và yêu cầu EVN phải bố trí họ làm việc khác, tăng mua thiết bị thay thế.

 

Neu co 67.000 cong nhan di ghi cong to thi gia dien sao co the re?!

Để tìm hiểu cụ thể về con số này trong những ngày dư luận “nóng cùng hóa đơn tiền điện”, phóng viên Dân Việt đã liên hệ với EVN để xác nhận lại thông tin nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm của ngành điện. 

 

Trao đổi với phóng viên, đại diện một công ty điện lực cho biết: Rất khó để thống kê chính xác số lượng công nhân đi ghi công tơ và thu tiền điện trong toàn bộ ngành điện. Bởi mỗi công ty điện lực đều hoạt động độc lập, tự hạch toán kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về nhân lực. Nếu chỉ thống kê số lượng nhân viên ghi công tơ, thu tiền điện thì sẽ phải tập hợp con số từ từng công ty điện lực. Điều này không thể ngày một ngày hai làm được.

 

“Nhưng có một điều chắc chắn là số lượng người này hoàn toàn là người của ngành điện, làm trong ngành điện hoặc trong biên chế của ngành điện chứ không phải là những người thuê bên ngoài hay làm thời vụ. Và con số này trên cả nước chắc chắn không phải là số nhỏ” - vị này cho biết.

 

Trong khi nhiều nước trong khu vực đã hiện đại hoá quy trình, thủ tục đo đếm lượng điện năng tiêu thụ của khách hàng bằng công tơ điện tử, có thể chuyển dữ liệu từ xa về trung tâm và kiểm tra thông tin từng giờ một cách chính xác thì ngành điện lực Việt Nam vẫn hoạt động kiểu thô sơ, tốn kém nhân lực như trên. Và một điều chắc chắn khó tránh khỏi đó là sai sót (có thể vô tình hoặc hữu ý) xảy ra từ cách làm thủ công này.

 

Trước đó, qua các thắc mắc, kiến nghị của khách hàng về hóa đơn tiền điện, ngành điện đã phát hiện hàng chục trường hợp nhân viên ngành điện nhầm lẫn khi ghi chỉ số công tơ khiến tiền điện ghi trong hóa đơn tăng hoặc giảm so với thực tế. Nguyên nhân là do công nhân đọc, ghi nhầm chỉ số hoặc khi nhập số liệu vào hệ thống bị nhầm lẫn. Song, chỉ những hộ dân phát hiện sự bất thường, làm đơn khiếu nại tới ngành điện mới được bồi hoàn lại tiền. Còn những người không để ý, không biết cách tính giá điện hoặc xuề xòa cho qua thì đành chịu thiệt.

 

Còn độc quyền, còn chậm đổi mới!

 

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Tây Ninh) từng phải thốt lên với Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: “Điện là mặt hàng kỳ lạ, chỉ tăng giá, tăng giá và tăng giá”. Không thể phủ nhận một trong những nguyên nhân trực tiếp điện luôn tăng giá, đội giá và thất thoát là do công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới.

 

Một chuyên gia trong ngành CNTT cho biết, tại Mozambique - một nước nghèo ở châu Phi, người dân ở đây có thể mua điện và trả tiền điện giống như việc sử dụng điện thoại di động. Một gia đình cào thẻ dùng điện trả trước, hết tiền hệ thống quản lý tự động cắt điện, nếu muốn dùng tiếp hộ này chỉ cần nạp thẻ qua di động là xong.

 

Còn ở ta thì sao? Nhân viên đi thu tiền điện vẫn phải gõ cửa từng nhà thu từng đồng, có khi đi đi lại lại vài lần mới thu xong tiền điện của một hộ do họ không phải lúc nào cũng ở nhà. Lại có cảnh người dân một số địa phương phải xếp hàng để trả tiền điện như thời bao cấp…

 

Lao động thủ công dẫn đến chi phí phải đội lên. Công đi thu tiền điện của dân lại phải tính vào giá điện. Giá điện vì thế phải cõng đủ loại chi phí, làm sao có thể rẻ?!

 

Người dân kêu thì ngành điện đề nghị hãy đi giám sát cùng ngành điện khi chốt chỉ số công tơ. Có thể tới đây, người dân lại phải bỏ công bỏ việc để đi… leo cột điện cùng nhà đèn. Mà leo cột điện cùng nhà đèn cũng chưa chắc hết được sai sót vì công tơ chốt ở cột điện là một chuyện, đến lúc chỉ số điện đưa về còn phải được tra cứu, nhập máy bởi hàng trăm nhân viên khác. Ai đảm bảo lại không có sự sai sót ở các khâu này?!

 

Ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc EVN từng phát biểu rằng, một trong những yêu cầu của việc ghi chỉ số công tơ là phải ghi đúng chu kỳ, ghi đủ, ghi chính xác. Để nâng cao trách nhiệm đối với nhân viên ghi chỉ số công tơ, nhiều đơn vị điện lực đã áp dụng cách thức trả lương căn cứ vào khối lượng và chất lượng ghi chỉ số công tơ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cũng vẫn xảy ra một số trường hợp sai sót do nhân viên đọc nhầm số hoặc ghi nhầm số.

 

Tổng Công ty Điện lực Hà Nội vẫn khẳng định không có sai sót trong việc ghi điện hay tính giá và khẳng định: Bất cứ khách hàng nào nghi ngờ, khiếu nại, chúng tôi sẵn sàng cùng với khách hàng kiểm tra. Chúng tôi đã công bố số điện thoại đường dây nóng, có tên và số điện thoại đội ghi chỉ số trên hoá đơn. Rất nhiều điểm đã sử dụng camera chụp ảnh công tơ của khách hàng lúc chốt chỉ số, có thể mang ra đối chiếu. Nhiều công ty điện lực trước khi đi chốt chỉ số cũng đã nhắn tin cho khách hàng để cùng giám sát. 

 

Các chuyên gia CNTT cho rằng, trên thực tế ngành điện có thể áp dụng chính sách bán điện giống như các nhà mạng đang áp dụng đối với thuê bao trả trước và trả sau. Thậm chí, ngành điện có thể áp dụng chính sách bán điện giá cao ở lúc cao điểm và giá thấp vào giờ thấp điểm để tránh làm quá tải mạng lưới và tăng cường hiệu quả kinh doanh. Nếu áp dụng chính sách này, những khách hàng có điều kiện sẽ sử dụng điện theo nhu cầu, còn ai muốn tiết kiệm chi phí có thể chọn thời điểm thấp điểm, giá điện thấp hơn để sử dụng các thiết bị điện như bình nóng lạnh, điều hòa…

 

Theo Mai Hương

Dân Việt

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *