Tiền và Hàng 04/03/2014 15:28

Lập 5 đoàn thanh tra 5 "ông lớn" về giá sữa

FICA - 5 doanh nghiệp kiến nghị thanh tra, kiểm tra bao gồm: công ty Mead Johnson, Công ty Nestlle VN, Công ty sữa Việt Nam Vinamilk,Công ty Friesland Campina Việt Nam, Công ty cổ phần dinh dưỡng 3A phân phối sản phẩm sữa Abbot.

Theo tin từ Bộ Tài chính, sáng ngày 4/3/2014, Liên Bộ Tài chính – Công thương và một số Bộ, ngành liên quan đã tổ chức họp bàn về công tác triển khai các đoàn kiểm tra giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, Bộ Tài chính đã căn cứ vào Pháp lệnh Giá và Luật Giá thực hiện thực hiện rất nghiêm túc và quyết liệt việc quản lý giá sữa từ năm 2013 cho đến nay. Đặc biệt, việc kê khai giá sữa của các hãng sữa trên thị trường Việt Nam bắt đầu thực hiện, cụ thể: từ tháng 12/2013 Công ty Mead Johnson; từ tháng 1/2014 Công ty Nestle VN; từ tháng 2/2014 kê khai của Công ty sữa Việt Nam Vinamilk; từ tháng 2/2014 kê khai của Friesland Campina; kê khai từ tháng 3/2014 của Công ty cổ phần dinh dưỡng 3A phân phối sản phẩm sữa Abbot.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp cùng Bộ Công thương và các Bộ, ngành chức năng đã tiến hành cuộc họp và thống nhất thành lập 5 đoàn thanh tra tiến hành thanh tra, kiểm tra 5 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa để làm rõ việc tuân thủ các văn bản điều hành giá sữa (của cơ quan quản lý) có liên quan của các doanh nghiệp về thực hiện quản lý giá.

"Nếu phát hiện sự vi phạm, sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. 5 doanh nghiệp kiến nghị thanh tra, kiểm tra bao gồm: công ty Mead Johnson, Công ty Nestlle VN, Công ty sữa Việt Nam Vinamilk,Công ty Friesland Campina Việt Nam, Công ty cổ phần dinh dưỡng 3A phân phối sản phẩm sữa Abbot", ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, thành phần của các Đoàn thanh tra lần này gồm có đại diện các đơn vị chức năng của Liên Bộ Tài chính - Công thương và các Bộ, ngành có liên quan khác. Các Đoàn sẽ thanh tra, kiểm tra tại 5 doanh nghiệp nêu trên và sẽ công khai kết quả thanh tra.

Đối với công tác phối hợp, Bộ Tài chính và Bộ Công thương căn cứ theo chức năng nhiệm vụ, tiến hành thu thập các số liệu có liên quan, đồng thời thanh tra, kiểm tra các yếu tố cầu thành giá,... xem xét việc và xác minh làm rõ có hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh hoặc vi phạm các quy định về giá, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để kiến nghị các giải pháp xử lý báo cáo Chính phủ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, các Bộ đều chịu trách nhiệm trước Chính phủ theo chức năng phân công để thực hiện tốt chức năng tham gia quản lý giá sữa. Đồng thời, Bộ Tài chính mong muốn các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Liên Bộ đưa tin kịp thời, chính xác nội dung thông tin mà các cơ quan quản lý cung cấp về thông tin quản lý điều hành cũng như trách nhiệm của các Bộ để làm rõ và định hướng dư luận.

Nếu trường hợp sau khi thanh tra, kiểm tra có dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý theo pháp luật. Liên Bộ Tài chính – Công thương đang nắm bắt tình hình, sẽ tham khảo tài liệu và các thông tin liên quan, không loại trừ khả năng sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền công bố các biện pháp bình ổn giá. Có thể áp dụng một trong các biện pháp (7 biện pháp) theo quy định của Luật Giá.

"Ngoài ra, nếu tình hình giá sữa tiếp tục có diễn biến tăng, các cơ quan chức năng có thể tính tới cả biện pháp áp dụng giá trần đối với mặt hàng sữa này theo đúng quy định của Luật Giá", ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *