Tiền và Hàng 07/11/2015 10:10

LÀM NÔNG NGHIỆP, ĐỪNG THEO “MỐT”!

Phần lớn các đại gia giàu nhất thị trường chứng khoán đã đổ tiền vào nông nghiệp nhằm tìm kiếm lợi nhuận, nhưng để hái quả ngọt không thể một sớm một chiều.

lamnongnghiep

Đầu tư vào nông nghiệp đang thay đổi nhanh và rất cần có sự hợp tác của doanh nghiệp có nguồn vốn lớn, kỹ thuật cao và tư duy đường dài. Nhưng để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao thành công, các doanh nghiệp cần phải hiểu đúng về vấn đề này.

Những “đại gia” đi vào nông nghiệp

Trên thị trường nông nghiệp, có ba doanh nghiệp lớn đang “đặt cược” lớn cho ngành này, đó là Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Vingroup và Hòa Phát Group (HPG). TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết: “Điều thị trường cần hiện nay chính là nền nông nghiệp cạnh tranh mà mô hình sản xuất theo hộ cá thể đã không còn phù hợp. Cần phải có sự tham gia của doanh nghiệp để củng cố được vị thế của lĩnh vực này với những nguồn đầu tư lớn vào nông nghiệp công nghệ cao”.

Cụ thể, hơn 5 năm trước khi bất động sản rơi vào khủng hoảng, HAG đã tuyên bố rút khỏi thị trường và đầu tư vào nông nghiệp nhằm tìm kiếm nguồn lợi nhuận bền vững hơn. Dù vậy, với tổng vốn đầu tư khoảng 18.000 tỷ đồng của HAG, chuyện làm nông nghiệp bài bản trên quy mô lớn vẫn không hề đơn giản như nhiều người lầm tưởng. Trong khoảng thời gian thực sự “sống với nông nghiệp”, HAG cũng đã xoay vòng rất nhiều mục tiêu để ổn định tình hình. Để tăng cường hiệu quả đầu tư, HAG đã chuyển một phần hoạt động qua mía đường, dầu cọ và nuôi bò. Mía đường đã mang lại lợi nhuận và HAG đang nuôi khoảng 90.000 con bò sữa.

Mục tiêu của HAG xoay chuyển liên tục khi chuyên biệt hóa mảng nông nghiệp với việc thành lập Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG). Với số vốn điều lệ 7.081 tỷ đồng mới niêm yết thời gian gần đây, HNG trở thành một trong những doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn trên sàn giao dịch chứng khoán. Việc thành lập một công ty chuyên biệt để hoạt động trong lĩnh vực này cho thấy, HAG đang lấy nông nghiệp làm mũi nhọn trong hoạt động kinh doanh của mình.

Tương tự, Vingroup tuyên bố đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng và muốn định vị lại thị trường rau sạch tại Việt Nam. Sản phẩm làm ra được khép kín từ khâu nuôi trồng, thu hoạch, vận chuyển phân phối và sẽ được đưa ra thị trường thông qua hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện lợi Vinmart+. Trong Đại hội đồng cổ đông gần đây, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng chia sẻ: “Về lợi nhuận, chúng tôi đặt ra chỉ tiêu sau khoảng 5 đến 10 năm nữa, tỷ trọng lợi nhuận của bất động sản trong tổng cơ cấu ở mức dưới 50%, hơn 50% còn lại sẽ đến từ các mảng hoạt động khác”.

Nhìn lại trải nghiệm của ba doanh nghiệp lớn đầu tư cho nông nghiệp, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói: “Tôi cho rằng điều này xuất phát từ tín hiệu thị trường và họ đang đánh cược thực sự vào nông nghiệp bằng tâm huyết và số tiền đầu tư rất lớn”.

Không thể “đi tắt đón đầu”

Nhiều doanh nghiệp đã tỏ rõ quyết tâm khi đầu tư vào nông nghiệp một cách bài bản, căn cơ. Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp sử dụng đường tắt bằng công cụ M&A nhằm chiếm thị trường. Vấn đề là đi tắt và đón đầu không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tốt đẹp. Với mong muốn thống nhất “đế chế” thủy sản của mình, Hùng Vương đã tiến hành mua lại hàng loạt công ty cùng ngành như Việt Thắng, An Giang, Thực phẩm Sao Ta, Lâm thủy sản Bến Tre. Chiến lược này giúp công ty tăng doanh thu từ 4.700 đồng (năm 2010) lên hơn 15.000 tỷ đồng vào năm 2014. Nếu thực hiện phép tính cộng dồn, thì tổng doanh thu rõ ràng là lớn, nhưng sau một quá trình kinh doanh, “đế chế” này đã có dấu hiệu chững lại và sụt giảm liên tiếp. Cụ thể, theo báo cáo kinh doanh quý II/2015 – thời điểm bước vào giai đoạn sản xuất chính của các doanh nghiệp trong ngành – doanh thu suy giảm cộng thêm chi phí tăng vọt khiến lợi nhuận của Hùng Vương giảm mạnh. Lợi nhuận sau thuế quý II của Hùng Vương chỉ đạt 26 tỷ đồng, giảm 71,6% so với cùng kỳ năm 2014. Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân của sự sụt giảm này là do hoạt động M&A của Hùng Vương khiến chi phí gia tăng, trong khi đó nhiều công ty mua lại hoạt động kém hiệu quả.

Bước vào lĩnh vực nông nghiệp là đồng nghĩa với việc chơi “một canh bạc” lớn. Câu chuyện trồng cao su, mía, cọ dầu, nuôi bò của HAG hay quy trình sản xuất rau sạch khép kín của Vingroup hoặc những dự án nông nghiệp đang triển khai của Hòa Phát, Gemadept, Thành Thành Công… cho thấy, đầu tư vào nông nghiệp không hề đơn giản. Theo các doanh nghiệp, vấn đề “đau đầu” nhất là thiếu quỹ đất để làm nông nghiệp một cách bài bản. Mặc dù có vốn lớn nhưng HAG cũng không thể triển khai ở địa bàn trong nước mà phải tìm kiếm quỹ đất ở các nước láng giềng. Lãnh đạo HAGL từng chia sẻ, tại Việt Nam gom được 10 – 20ha đất là rất khó khăn, nhưng ở Attapeu (Lào), công ty đã thuê được hàng chục nghìn héc ta đất để trồng mía, cọ dầu, bắp…

Gemadept đã từng có ý định gắn bó đường dài với cao su. Tuy nhiên, nhìn vào tuổi cây cao su, sớm nhất cuối năm 2016 Gemadept mới có thể tiến hành khai thác mủ. Như vậy, lĩnh vực cao su vẫn đang tiêu tốn tiền của Gemadept trong khi lợi nhuận lại là ẩn số.

TS. Nguyễn Quốc Vọng, Giám đốc Trung tâm Giống rau hoa, khuyến cáo: “Để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao thành công, các doanh nghiệp cần phải hiểu đúng về vấn đề này. Công nghệ cao không phải là công nghệ tiên tiến nhất, đắt tiền nhất hay nổi tiếng nhất mà là công nghệ mang lại năng suất tốt nhất, chất lượng cao nhất với giá rẻ nhất dưới bất cứ hình thức nào. Khi đã đầu tư công nghệ cao cho nông nghiệp thì không được tách rời từng khâu, mà phải đồng bộ hóa cả quá trình: giống – chăn nuôi (gieo trồng) – thu hoạch – sau thu hoạch – bao bì – vận chuyển – thị trường“.

Mai Thảo

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *