Tiền và Hàng 20/04/2015 21:37

Kìm giữ tỷ giá, doanh nghiệp thủy sản thiệt thòi

FICA – Theo Phó Tổng thư ký VASEP, một bất lợi với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất hàng vào thị trường Châu Âu cũng như thị trường Nhật Bản đó là tỷ giá USD/VND vẫn giữ nguyên trong khi USD ngày càng trở nên đắt đỏ hơn so với EUR và Yên Nhật.

Theo số liệu thống kê, tổng xuất khẩu thủy sản quý I/2015 của Việt Nam bị sụt giảm mạnh, giảm 23% so với quý I/2014.

Đánh giá về thực trạng này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đây là mức giảm sâu của thủy sản Việt Nam trong 5 năm qua

Theo đại diện VASEP, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam thời gian vừa qua chủ yếu tại 3 thị trường chính và giảm ở 3 mặt hàng chính.

Cụ thể, do nhu cầu nhập khẩu từ các khu vực thị trường tiêu thụ lớn các sản phẩm như: cá ngừ, tôm, cá tra của Việt Nam là thị trường Châu Âu và kể cả thị trường Nhật Bản đã kéo theo nhu cầu nhập khẩu từ các nước nói chung chứ không riêng từ Việt Nam đã bị hạn chế lại.

Trong khi đó, các nước đang cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam có xu thế thả nổi đồng tiền nội tệ còn Việt Nam vẫn đang cam kết giữ tỷ giá USD/VND. Hiệp hội VASEP cho rằng, đây là một bất lợi với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất hàng vào thị trường Châu Âu cũng như thị trường Nhật Bản.

Thêm nữa, nguyên nhân tác động kéo giảm xuất khẩu mặt hàng lớn nhất của Việt nam là mặt hàng tôm với trị giá đang là khoảng 4 tỷ USD/năm, đó là trong thời gian vừa qua và cũng có thể sang tháng sau, tức tháng 5 sẽ bắt đầu vào mùa vụ tôm chính của Ấn Độ.

Theo đó, hiện nay Ấn Độ có năng lực sản xuất nguyên liệu tôm khá mạnh, giá thành lại thấp hơn Việt Nam. Bởi vậy, về phương diện nào đó, thủy sản Ấn Độ đang cạnh tranh và chiếm các ưu thế đã khiến kim ngạch và thị phần của thủy sản Việt Nam tại các thị trường chính là Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… bị giảm, riêng đối với mặt hàng tôm, thậm chí bị kéo giảm tới 40-60%. Trong cả quý I vừa qua, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm đã giảm đến 30%.

Nguyên nhân thứ ba, đó là yếu tố cung – cầu, mà cụ thể ở đây là với những thị trường lớn như Châu Âu và Mỹ, khi nhu cầu mua hàng sau dịp lễ Tết chưa phục hồi.

VASEP cũng xem xét thêm một số yếu tố như tác động, áp lực của kết quả các vụ việc chống bán phá giá tại thị trường lớn nhất của Việt Nam là thị trường Mỹ. Vào cuối tháng 8/2014 kết quả cuối cùng của lần rà soát thứ 8 đối với lại mặt hàng tôm khá lạc quan. Tháng 3 vừa rồi đã công bố là kết quả sơ bộ của lần rà soát thứ 9, tuy nhiên vẫn phải chờ đến kết quả công bố cuối cùng mới có hiệu lực. Bởi vậy, theo ông Nam, trong quý I, rõ ràng là áp lực của thuế chống bán phá giá vẫn còn đang đè nặng.

Bích Diệp

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *