Tiền và Hàng 30/09/2014 08:57

Không bán được mía, nông dân điêu đứng

Vụ mía 2014 - 2015 ở các tỉnh ĐBSCL đang bắt đầu thu hoạch, thế nhưng 2 nhà máy đường Trà Vinh và Cà Mau lại bị kiến nghị tạm đình chỉ hoạt động 9 tháng.

Nông dân ngồi trên lửa!

Tại tỉnh Cà Mau, ngày thu hoạch mía đã cận kề nhưng nhà máy đường vẫn chưa triển khai việc thu mua mía nguyên liệu. Nguyên nhân là do Cty CP mía đường Tây Nam (huyện Thới Bình, quản lý 2 xí nghiệp đường Cà Mau và Kiên Giang) vừa bị Bộ TNMT đề nghị tạm đình chỉ hoạt động vì gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. 

Nông dân trồng mía như ngồi trên lửa vì không biết bán mía cho ai. Chính quyền địa phương liên hệ các nhà máy ở những tỉnh khác đến thu mua mía, nhưng ai cũng lắc đầu do đường vận chuyển xa.

Ở Trà Vinh, nhiều nông dân cũng rối bời về chuyện tiêu thụ mía. Ông Thạch Mương (ấp Mộc Anh, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú) thở dài cho biết: “Các năm trước vào thời điểm này đã có nhiều thương lái kéo về đặt cọc mua mía cho dân, nhưng nay mọi chuyện trái ngược khi giá mía thấp lại thiếu người mua khiến nông dân vô cùng lo lắng”. Theo UBND xã Lưu Nghiệp Anh, vụ này toàn xã trồng khoảng 1.700ha mía. 

 
 Nông dân huyện Thới Bình (Cà Mau) phập phồng vụ mía mới giá thấp và khó bán. ảnh: Huỳnh Trọng

Nhà máy đường chưa triển khai mua mía làm cho bà con phập phồng không biết bán cho ai. Ông Thạch Sô Phanh - Phó phòng NNPTNT huyện Trà Cú thừa nhận: “Người dân nóng ruột vì chưa biết bao giờ nhà máy mua mía. Mía là cây trồng chủ lực đã nhiều năm ở huyện. Nay nếu xảy ra tình trạng không tiêu thụ được hoặc trì trệ việc bán mía thì sẽ nguy to”.

Xin dời thời hạn đình chỉ để tiêu thụ mía

Bộ TNMT vừa có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm đình chỉ hoạt động 9 tháng đối với Nhà máy đường Trà Vinh và Xí nghiệp đường Cà Mau. Hai đơn vị này nằm trong các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg thực tế đã quá hạn xử lý gần 8 năm. 

Và tại Quyết định số 1788, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các cơ sở này phải hoàn thành biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để trước ngày 30.6.2014. Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy, 2 đơn vị này có nhiều vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, có biểu hiện trây ỳ không thực hiện các biện pháp xử lý.

Ông Dương Tiến Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Cà Mau nhìn nhận: “Xí nghiệp đường Cà Mau có một số sai phạm trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, việc đình chỉ nhà máy hoạt động ngay thời điểm vào vụ sản xuất mới là không hợp lý, bởi hàng ngàn hécta mía của nông dân biết bán đi đâu. Dân không bán được mía sẽ kéo theo khiếu kiện đông người, làm mất an ninh trật tự, tăng hộ nghèo… 

Vì vậy, UBND tỉnh đã có công văn kiến nghị Bộ TNMT xem xét cho gia hạn thời gian hoạt động tới cuối tháng 6.2015; nhưng bộ không đồng ý”. Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh - cho biết, tỉnh cũng đề nghị Bộ TNMT cho nhà máy đường tỉnh này gia hạn hoạt động đến cuối tháng 4.2015 nhằm tiêu thụ hơn 4.716ha mía giúp nông dân; nhưng chưa được chấp thuận.

Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho rằng, toàn vùng ĐBSCL có 10 nhà máy đường, nhưng trường hợp 2 nhà máy đường Trà Vinh và Cà Mau bị đình chỉ thì khoảng 6.548ha mía của nông dân 2 tỉnh trên sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ. 

Hiện giá đường trên thị trường ở mức thấp, sản lượng tồn kho rất cao, khiến các nhà máy càng sản xuất càng lỗ, vì thế VSSA rất khó “vận động” những nhà máy từ các tỉnh khác về Trà Vinh hoặc Cà Mau mua mía giúp nông dân được. Quan điểm của VSSA là đề nghị Bộ TNMT xem xét xử lý phạt hành chính 2 nhà máy gây ô nhiễm mà chậm khắc phục, chứ không nên đình chỉ hoạt động ngay thời điểm vào vụ mới.

Theo Huỳnh Trọng

Lao động

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *