Tiền và Hàng 13/04/2015 09:36

Hành tây Đà Lạt, dưa hấu Quảng Nam xếp hàng đợi "ế"

Nhiều nông hộ ở Đà Lạt đang lo lắng vì hành tây thu hoạch không có người mua. Trong khi đó, dưa hấu Quảng Nam cũng không bán được.

Ngày 12/4, nông dân TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) vẫn tiếp tục thu hoạch hành tây. Bà Trần Thị Mai Diệu, tổ Thánh Mẫu, phường 7 (Đà Lạt), cho biết vụ này gia đình bà thu hoạch khoảng 60 tấn hành, nhưng không có người mua đành phải đổ vào kho.

Tương tự, các hộ ông Đoàn Thái Nam, Vương Đình Phát, Vương Đình Phước, Lê Thị Hồng Ân (đều ngụ tổ Thánh Mẫu) thu hoạch từ 30-60 tấn hành nhưng mời chẳng ai mua.

Theo bà con nông dân, giá hành hiện nay thấp nhất trong vòng 10 năm gần đây, giảm hơn 60% so với niên vụ trước, với giá này nông dân lỗ vốn đầu tư.

Theo bà Ân, vốn đầu tư 1 sào hành khoảng 20 triệu đồng, sau gần 6 tháng mới cho thu hoạch khoảng 9 tấn/sào. Nếu bán giá 1.500 đồng/kg chỉ thu về 13,5 triệu đồng/sào, chưa kể tiền công thu hoạch, vận chuyển 500.000 đồng/tấn. Như vậy lỗ hơn 50% vốn đầu tư.

Tại huyện Đơn Dương, do hành bán không được, nhiều nông hộ chất đầy kho, phải trữ hành trong phòng khách; có những hộ phải thuê rạp đám cưới dựng ngoài đồng để che cho hành.

Theo Phòng Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, diện tích trồng hành tăng mạnh do đây là mặt hàng có thể cất trữ từ 3 đến 4 tháng, rủi ro thấp hơn so với những loại rau khác. Tuy nhiên, hành tây Đà Lạt năm nay gặp bất lợi là chưa có thị trường xuất khẩu.

 
Hành tây thu hoạch không có người mua phải xếp kho

Hành tây thu hoạch không có người mua phải xếp kho

Những năm trước, nông sản này được xuất khá nhiều sang thị trường Singapore và Hàn Quốc. Ngay cả thị trường TP HCM và Campuchia cũng chững hàng khoảng một tuần nay. Các thương lái nhận định, rất có thể thị trường xuất khẩu năm nay nhập hàng muộn hơn mọi năm.

Trong khi đó, cũng lâm vào tình cảnh tương tự, người nông dân trồng dưa ở các tỉnh miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long đang đứng ngồi trên đống lửa khi giá dưa rớt thê thảm vì không tiêu thụ được.

Vợ chồng anh Nguyễn Tấn Hội (ngụ xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh) chia sẻ: "Dưa của tôi đang đơm trái thì lũ tràn về tàn phá. Suốt nhiều ngày bơm nước, cứu sống được nửa diện tích, ai ngờ đến ngày thu hoạch thì giá chỉ còn 500 đồng mỗi ký. Nản quá nên tôi bỏ mặc dưa ngoài đồng cho trâu ăn".

Đứng bên bờ ruộng chứng kiến đàn trâu ngoạm từng quả dưa hấu ăn ngon lành mà anh Hội xót xa. Ba tháng thức khuya dậy sớm chăm sóc dưa cần mẫn trên đồng, công sức của vợ chồng anh giờ thành số 0.

Dọc theo các cánh đồng từ xã Tịnh Hiệp sang Tịnh Trà, đến nơi đâu cũng nghe người dân than thở vì giá rẻ bèo.

 
Dưa hấu rẻ bèo, nông dân xã Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh) buồn chán bỏ mặc cho trâu ăn.

Dưa hấu rẻ bèo, nông dân xã Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh) buồn chán bỏ mặc cho trâu ăn.

Ông Phan Duy Khánh, Chủ tịch UBND xã Tịnh Trà xót xa, chưa bao giờ người dân địa phương trồng dưa hấu bội thu như năm nay thế nhưng thu hoạch về chất đầy sân nhà mà không thể bán được.

"Những ngày qua, nhiều hộ dân đổ dưa cho trâu, bò và heo ăn nhiều không kể xiết. Dưa đã bán không được, giờ đây gia súc ăn dưa hấu nhiều quá mắc bệnh tiêu chảy lại còn tốn kém thêm tiền thuốc thú y", ông Khánh nói.

Trong khi đó, dưa hấu đang ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh chờ bán cho Trung Quốc với giá 10 ngàn/kg.

Về vấn đề này, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú phân tích: "Lẽ ra Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan phải ký với phía Trung Quốc hiệp định về xuất khẩu biên mậu, để tạo điều kiện cho hàng hóa thông quan nhanh chóng, không phải chờ đợi phía TQ kiểm định.

Trong trường hợp hàng hóa bị ứ đọng, Bộ Công Thương với vai trò quản lý nhà nước cần thông báo tới các địa phương có sản phẩm xuất khẩu, khuyến cáo bà con không tiếp tục mang hàng lên cửa khẩu. Bên cạnh đó, cần tổ chức tốt khâu phân phối ở thị trường nội địa".

Ông Phú cũng đặt câu hỏi: “Liệu có hay không lợi ích nhóm ở khâu phân phối? Trong khi nhiều mặt hàng nông sản, người dân bán đổ như cho thì trong các siêu thị, người dùng vẫn phải mua giá cao. Phải chăng lợi nhuận rơi cả vào túi trung gian".

Thế nhưng, trước việc này, đại diện Bộ Công Thương khẳng định các siêu thị như Co.opmart, Hapro, Metro, Big C... vừa qua cũng đã tích cực thu mua.

"Điều này cho thấy, những giải pháp kết nối cung cầu đã thu được những kết quả khả quan”, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhận định.

Theo Sơn Ca (Tổng hợp)
Đất Việt
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *