Tiền và Hàng 24/12/2013 07:25

Hàng Trung Quốc ồ ạt chảy vào Việt Nam

FICA - Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này năm 2013 ước tính đạt 36,8 tỷ USD, tăng 26,7% (tương đương 7,8 tỷ USD), đây là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với mức 23,7 tỷ USD.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này năm 2013 ước tính đạt 36,8 tỷ USD, tăng 26,7% (tương đương 7,8 tỷ USD), đây là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với mức 23,7 tỷ USD.

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng từ Trung Quốc tăng so với năm 2012: Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 25,5% (1,2 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện tăng 73,6% (2,3 tỷ USD); máy vi tinh sản phẩm điện từ và linh kiện tăng 36,8% (1,1 tỷ USD). Thị trường ASEAN ước tính đạt 21,4 tỷ USD, tăng 2,8% (589 triệu USD) với kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 56,3% (1,2 tỷ USD); máy móc thiết bị và phụ tùng tăng 7,9% (16,9 tỷ USD).

Báo cáo cũng cho biết, kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc ước tính đạt 20,8 tỷ USD, tăng 34,1% (5,3 tỷ USD) với các sản phẩm chủ yếu như: Máy vi tính tăng 60,3% (1,8 tỷ USD); máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 62,8% (993 triệu USD); điện thoại các loại và linh kiện tăng 78,2% (918 triệu USD). Thị trường Nhật Bản ước tính đạt 11,6 tỷ USD, giảm 0,18% (21 triệu USD). Thị trường EU ước tính đạt 9,2 tỷ USD, tăng 4,2% (373 triệu USD). Hoa Kỳ đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,1% (296 triệu USD).

Trước đó, tại Hội nghị Quán triệt và hướng dẫn triển khai chiến lược tham gia các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đến năm 2020, ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, việc tham gia FTA đã góp phần mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2011 và 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN tăng tương ứng 30,7% và 27%, sang Nhật bản là 39,5% và 25%, Trung Quốc là 52% và 17%, sang Hàn Quốc là 52,5% và 18%.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành “thị trường tiềm năng” cho xuất khẩu hàng hóa của các nước tham gia FTA khi nhập khẩu cũng có những diễn biến tăng trưởng nhanh sau khi nước ta gia nhập WTO và ký kết các FTA.

Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam nhập siêu lớn nhất từ Trung Quốc, tiếp đó là ASEAN và Hàn Quốc. Nếu như năm 2001, nhập siêu từ Trung Quốc chỉ là 210 triệu USD và đến năm 2012, kim ngạch nhập siêu đã lên đến 16 tỷ USD. Đối với Hàn Quốc, tốc độ tăng thâm hụt thương mại của Việt Nam với Hàn Quốc cũng tăng từ mức trung bình 13,6% giai đoạn 2003- 2006 lên 21,8% giai đoạn 2007- 2010.

Theo nhiều chuyên gia nhận đinh, thời gian qua, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết các cam kết FTA. Bởi lẽ, có nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vốn đã hưởng mức thuế suất thấp hoặc 0% như nguyên liệu thô, nông sản… trong khi đó, các mặt hàng máy móc, thiết bị, điện tử là đối tượng được hưởng ưu đãi còn chiếm tỷ trọng thấp trong xuất khẩu của Việt Nam. Chi phí, thủ tục hành chính để xin cấp C/O còn phức tạp, mất thời gian.

Mặt khác, doanh nghiệp không cập nhật được hoặc không nắm được lộ trình xóa bỏ thuế quan trong các FTA. Một số nhà sản xuất, nhà xuất khẩu còn không nắm được các tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa, công đoạn gia công chế biến cụ thể mà chỉ biết tiêu chí hàm lượng giá trị gia tăng truyền thống. Vì vậy, việc tận dụng tốt các ưu đãi và cơ hội phát triển do các FTA đem lại là điều rất quan trọng.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *