Tiền và Hàng 08/05/2015 17:05

Hàng hoá tiêu dùng hàng ngày "vô địch" về nhận đơn khiếu nại

FICA - Trong các nhóm hàng hóa, dịch vụ thì nhóm Hàng hóa tiêu dùng thường ngày (sữa, bánh kẹo, nước giải khát, đồ gia dụng…) là nhóm có nhiều yêu cầu tư vấn và khiếu nại của người tiêu dùng nhất, chiếm 28% tổng số vụ việc.

Cục Quản lý cạnh tranh (FIA - Bộ Công thương) cho biết, trong quý I/2015, tổng đài tư vấn đã ghi nhận có 4383 cuộc gọi đến, trong đó các chuyên viên của Cục đã tiếp nhận và trả lời 1796 cuộc gọi, chiếm 40,98%. Trong số 1796 cuộc gọi được trả lời, chỉ có 572 cuộc gọi thuộc phạm vi hoạt động của tổng đài. 

572 cuộc gọi yêu cầu của người tiêu dùng thuộc phạm vi hoạt động của Tổng đài bao gồm các tư vấn liên quan đến cách thức tiêu dùng, tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại. Theo đó, chỉ tính riêng tháng 3 năm 2015, Cục đã tiếp nhận và tư vấn 494 yêu cầu của người tiêu dùng, chiếm hơn 86% tổng số yêu cầu của cả quý.  Trong số các cuộc gọi này, bên cạnh việc phản ánh, khiếu nại về các vi phạm, xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng và tư vấn về các vấn đề liên quan đến cách thức tiêu dùng an toàn.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, trong các nhóm hàng hóa, dịch vụ thì nhóm Hàng hóa tiêu dùng thường ngày (sữa, bánh kẹo, nước giải khát, đồ gia dụng…) là nhóm có nhiều yêu cầu tư vấn và khiếu nại của người tiêu dùng nhất, chiếm 28% tổng số vụ việc. Tiếp đó là nhóm Điện thoại, viễn thông (sản phẩm điện thoại, dịch vụ viễn thông) với tỷ lệ 17%; Thiết bị điện tử gia dụng (tủ lạnh, ti vi, máy lọc nước…)11%.

Bên cạnh đó, nhóm hàng hóa về Làm đẹp, sức khỏe (thuốc, thực phẩm chức năng, thiết bị chăm sóc sức khỏe, làm đẹp…); Dịch vụ vận tải, Phương tiện vận tải và Dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm có số lượng khiếu nại và yêu cầu tư vấn của người tiêu dùng tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2014. Điều này cho thấy, trong thời gian tới cần tập trung chú ý vào những nhóm hàng này nhằm phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời các xu hướng mới vi phạm quyền lợi người tiêu dùng

Nếu xét theo tiêu chí địa lý thì Hà Nội chiếm tỷ lệ cao nhất với con số 36,55%, sau đó là thành phố Hồ Chí Minh (9,65%), Bắc Giang (3,49%) và cuối cùng là Hải Phòng (2,05%). Các tỉnh, thành còn lại chiếm 48,26% trong tổng số khiếu nại.

Bên cạnh việc tiếp nhận và xử lý yêu cầu của người tiêu dùng qua Tổng đài 1800 6838, trong 3 tháng đầu năm 2015, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiếp nhận và xử lý 30 đơn khiếu nại của người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng như các kênh tiếp nhận khiếu nại, đặc biệt là Tổng đài 1800.6838. 

Cục Quản lý cạnh tranh mong muốn trong thời gian tới sẽ nhận được nhiều khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng tại các tỉnh thành khác và sẽ hỗ trợ giải quyết triệt để các khiếu nại này, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và cả doanh nghiệp về lợi ích khi thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển bền vững và thịnh vượng.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *