Tiền và Hàng 07/01/2014 15:58

Hạn mức nhập khẩu xăng dầu: Giảm 2 triệu tấn

Theo điều chỉnh của Bộ Công thương về hạn mức nhập khẩu xăng dầu năm 2013 cho các doanh nghiệp đầu mối trong những ngày cuối cùng của năm 2013 thì đã có sự giảm mạnh về số lượng xăng dầu nhập khẩu.

 

Vào ngày 26/12/2013, Bộ Công thương đã tiến hành điều chỉnh lại hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu năm 2013 của cả 18 đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu. Điều đáng chú ý trong lần điều chỉnh này là cả 18 đấu mối kinh doanh xăng dầu đều có sự giảm mạnh về hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu so với mức được phân giao hồi đầu năm.


Nếu như trong hạn mức tối thiểu ban đầu phân giao cho các đầu mối nhập khẩu, tổng lượng xăng dầu sẽ nhập khẩu trong năm 2013 lên tới 9,115 triệu m3/tấn thì trong lần điều chỉnh nói trên, hạn mức tối thiểu đã chỉ còn 7 triệu m3/tấn.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được điều chỉnh hạn mức từ 5,18 triệu tấn xuống còn 4,396 triệu tấn.

Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) là đơn vị có sự điều chỉnh hạn mức giảm mạnh nhất, từ 1,08 triệu m3/tấn, giảm xuống còn 591.000 m3/tấn. Cá biệt mặt hàng xăng nhập khẩu của PV Oil chỉ còn lại 27.000 m3, chỉ bằng gần 10% so với hạn mức ban đầu được phân giao là 270.000 m3.

Đáng chú ý là trong năm 2013, PV Oil còn bao gồm còn làm cả một đầu mối nhập khẩu xăng dầu là Tổng công ty Thương mại Kĩ thuật và Đầu tư (Petec) được sáp nhập về. Hồi năm 2012, hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu được điều chỉnh cho PV Oil và Petec tổng cộng là 1,117 triệu m3/tấn (hạn mức ban đầu được giao cho 2 đơn vị trong năm 2012 là 1,768 triệu m3/tấn).

Tại nhiều đầu mối nhập khẩu quy mô nhỏ khác cũng diễn ra việc điều chỉnh hạn ngạch nhập khẩu tối thiểu đối với mặt hàng dầu madut về không như trường hợp Công ty TNHH MTV Xăng dầu Hàng không Việt Nam, Công ty cổ phần lọc hóa dầu Nam Việt, Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương, công ty cổ phần Thương mại và xuất nhập khẩu Vật tư giao thông.

Theo quy định hiện hành, các đầu mối nhập khẩu xăng dầu sẽ không được phép nhập khẩu thấp hơn mức hạn mức được phân giao. Bởi vậy, việc điều chỉnh hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu ở thời điểm cuối năm 2013 này được xem là để phù hợp hợp với thực tế nhập khẩu xăng dầu của các đầu mối.

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho hay, việc giảm nhập khẩu xăng dầu có thể do ảnh hưởng của cầu giảm hoặc do các doanh nghiệp đã tăng mua xăng dầu từ nguồn Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Đại diện Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn hay, lượng xăng dầu mà Nhà máy bán ra cho các doanh nghiệp đầu mối trong năm 2013 không biến động quá nhiều so với năm 2012. Cụ thể, năm 2012, lượng xăng và dầu diesel của Nhà máy lọc dầu Dung Quất tiêu thụ là 6,338 triệu m3, còn năm 2013, lượng xăng và dầu tiêu thụ là 7,358 triệu m3 với 12 đầu mối xăng dầu tham gia mua hàng.

Như vậy, cho dù vẫn thường biết đến là chỉ đáp ứng 30% nhu cầu xăng dầu của cả nước nhưng với thực tế bán hàng của năm 2013, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chiếm ngang ngửa lượng xăng dầu nhập khẩu.

Số liệu của Tổng cục hải quan tới ngày 15/12/2013 cho thấy, cả nước đã nhập khẩu 7,008 triệu tấn xăng dầu với kim ngạch là 6,6 tỷ USD.

Trước đó, năm 2012, lượng xăng dầu nhập khẩu được Bộ Công thương thống kê là khoảng 8,9 triệu m3/tấn.

Cũng bình luận về việc giảm hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu giao cho các đầu mối kinh doanh, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho hay, việc phân giao hạn mức nhập khẩu cho các đầu mối là dựa vào tiêu thụ thực tế của năm trước đó. Tuy nhiên, tiêu thụ năng lượng cũng phụ thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế. Bởi vậy việc giảm nhập khẩu xăng dầu cho thấy nền kinh tế còn nhiều khó khăn, trở ngại.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc giảm nhập khẩu xăng dầu bởi câu chuyện tính thuế tạm nhập, tái xuất được cơ quan hữu trách làm mạnh trong năm 2013, khiến doanh nghiệp không dám lập lờ.

“Trước đây doanh nghiệp nhập khẩu theo hình thức tạm nhập, tái xuất không phải đóng thuế ngay nên có chuyện nhiều doanh nghiệp cứ mở tờ khai tạm nhập để lúc nào thuế nhập khẩu xăng dầu thấp thì mới đưa vào và hưởng lợi về thuế. Nhưng sau khi bị truy thu cỡ 450 tỷ đồng thuế đối với xăng dầu tạm nhập nhưng không tái xuất mà chuyển tiêu thụ nội địa, bởi phải thay tờ khai và chịu thuế suất cao ở thời điểm thay đổi tờ khai so với lúc nhập khẩu nên doanh nghiệp cũng rón rén với hình thức tạm nhập tái xuất hơn”, một chuyên gia am hiểu nhận xét.

Theo Thanh Hương

Báo Đầu tư

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *