Dòng chảy vốn 01/04/2014 16:00

Hạ tầng Việt Nam: Giá cao gấp 3, chất lượng tụt hậu

FICA - Việt Nam cần khoảng 170 tỷ USD đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật như điện, cấp thoát nước, giao thông trong giai đoạn 2011-2020. Ngân sách và nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ước tính chỉ đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu này.

Lý giải cho việc, giá xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam cao gấp 3 các nước khác, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam Dominic Mellor cho hay, nguyên nhân do các dự án của Việt Nam thường xuyên bị trì hoãn quá lâu với tiến trình giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, thời gian trước đây, lạm phát Việt Nam lại thường duy trì cao, nếu Dự án bị trì hoãn 1-2 năm thì chi phí bị đội lên rất nhiều.

 

 

Thông tin từ Chính phủ cho hay, Việt Nam cần khoảng 170 tỷ USD đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật như điện, cấp thoát nước, giao thông trong giai đoạn 2011-2020. Ngân sách và nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ước tính chỉ đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu này. Chi đầu tư của chính phủ bị hạn chế bởi tình trạng thâm hụt ngân sách triền miên - trong giai đoạn 2010-2013 thâm hụt ngân sách bình quân khoảng 5% GDP.

Việc thu hút đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng, chủ yếu thông qua hình thức đối tác nhà nước-tư nhân (PPP) không chỉ giúp huy động đáng kể nguồn vốn cho các dự án hạ tầng, mà còn giúp Việt Nam tiếp cận được kinh nghiệm quản lý và công nghệ tiên tiến của quốc tế, qua đó cải thiện hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công.

Tuy nhiên, cho đến nay đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng còn rất hạn chế. Nguyên nhân đầu tiên là khung pháp lý hiện hành không đủ hấp dẫn để tạo điều kiện cho các giao dịch PPP, Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cũng đã thiết lập cách làm riêng của mình trong các dự án BOT – loại hình dự án PPP được ưa chuộng ở Việt Nam – mà những cách làm đó lại không phù hợp với các cách làm chuẩn mực của quốc tế.

Phần lớn các dự án kiểu này không được trao thầu thông qua đấu thầu cạnh tranh. Khu vực tư nhân đánh giá quy trình đấu thầu và đàm phán PPP của Việt Nam là tốn thời gian và không thể tiên liệu. Ngoài ra, còn có những quan ngại về chất lượng của các nghiên cứu khả thi PPP.

Để giải quyết những tồn tại nêu trên, trong năm 2012 chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về PPP, do một Phó Thủ tướng chủ trì. Ban Chỉ đạo đóng vai trò tham mưu cho chính phủ, chứ không phải là cơ quan phê duyệt các dự án PPP. Bộ Kế hoạch-Đầu tư đã thành lập một văn phòng PPP với chức năng điều phối cấp trung ương các dự án PPP.

Năm ngoái, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch-Đầu tư xây dựng dự thảo nghị định nhằm cải thiện khung pháp lý cho PPP, thay thế các quy định pháp luật liên quan đến PPP hiện hành bằng một khung pháp lý thuận lợi hơn cho người sử dụng và công tác quản lý.

Dự thảo nghị định – hiện đang trong quá trình lấy ý kiến các cơ quan chính phủ, các đối tác phát triển và khu vực tư nhân – đề xuất những quy định quản lý nhà nước toàn diện hơn và nhấn mạnh hơn đến sự cạnh tranh trong quy trình lựa chọn nhà đầu tư. Dự thảo nghị định cũng đề ra những nguyên tắc phân chia rủi ro giữa nhà đầu tư tư nhân và cơ quan nhà nước. Dự kiến nghị định sẽ được thông qua vào cuối năm nay.

 

Chất lượng của hạ tầng cơ sở ở Việt Nam tụt hậu so với phần lớn các nền kinh tế Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, luật đấu thầu mới điều chỉnh quy trình lựa chọn nhà đầu tư cũng sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7 năm 2014. Tính khả thi tài chính của một số dự án hạ tầng cần được tăng cường do biểu giá dịch vụ mà người dân phải trả thấp – ví dụ giao thông đô thị, xử lý nước thải, vệ sinh và năng lượng tái tạo. Chuyên gia ADB cho rằng, trong trường hợp này, Chính phủ có thể cân nhắc các phương án đóng góp của nhà nước để dự án khả thi về tài chính – ví dụ, cấp đất không thu phí, hoặc đóng góp bằng tiền. Những hỗ trợ này phải có ràng buộc về thời gian và đúng mục tiêu, và phải dựa trên các chính sách rõ ràng của chính phủ để có thể đạt được những mục tiêu đã tuyên bố - ví dụ, các mục tiêu về môi trường hay bình đẳng xã hội.

Cũng theo ADB, trong khi các cơ quan chức năng đã cam kết tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư để cạnh tranh giành cơ hội tham gia PPP, khu vực tư nhân vẫn quan ngại về sự minh bạch trong đấu thầu và khả năng của các DNNN trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, hoặc có chỉ đạo của nhà nước.

Phía ADB nhấn mạnh, một sân chơi bình đẳng đòi hỏi phải có những tiến bộ trong quá trình cải cách DNNN, trong đó có việc tăng cường quản trị doanh nghiệp. Một yếu tố quan trọng nữa là phải đảm bảo sự rõ ràng và nhất quán trong các chính sách liên quan đến sự tham gia của khu vực tư nhân trong nền kinh tế, trong đó có tham gia đầu tư theo hình thức PPP, và chính phủ phải tiếp tục quan tâm giải quyết những hạn chế mà các nhà đầu tư phải đối mặt khi tham gia PPP.

Ngoài ra, ông Dominic cũng chỉ ra, một yêu cầu khác nữa là Việt Nam phải phát triển hệ thống tài chính trong nước để cải thiện khả năng tiếp cận nguồn vốn dài hạn cho cơ sở hạ tầng thông qua các khoản vay ngân hàng và các thị trường nợ.

Các ngân hàng nước ngoài có thể là một nguồn tiềm năng cung cấp vốn vay trung và dài hạn bằng ngoại tệ, nhưng đòi hỏi phải có các sản phẩm tăng cường tín dụng và bảo lãnh, như bảo lãnh của các cơ quan tín dụng xuất khẩu. Theo đó, chừng nào Việt Nam còn chưa thiết lập được uy tín về PPP thì chính phủ có thể vẫn cần cung cấp các sản phẩm tăng cường tín dụng hoặc bảo lãnh tín dụng.

Bích Diệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *