Tiền và Hàng 24/05/2015 16:48

Giá cả nhiều thứ bắt đầu tăng cùng giá xăng, điện

So với tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,16% dù nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm giá tới 0,22%.

Được biết, mức giảm này của nhóm hàng ăn và ăn uống chỉ bù đắp được phần nào cho chỉ số chung bởi trong rổ tính giá tháng này, nhóm nhà ở điện nước, vật liệu xây dựng và giao thông tăng khá mạnh.

 

Trong đó, nhóm nhà ở điện nước chất đốt vật liệu xây dựng (gồm tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng) được ghi nhận tăng tới 1,27% so với tháng 4.

 

Còn nhóm giao thông với các mặt hàng như nhiên liệu, cước vận tải hành khách và hàng hóa… tăng 1,02%.

 

Điều này đúng với thực tế giá điện, giá xăng đã tăng trong thời gian vừa qua. Gần nhất là xăng tăng 1.950 đồng/lít, ngày 5/5. Còn trước đó là giá điện bắt đầu áp dụng giá mới từ giữa tháng 3 và thể hiện trong hóa đơn tiền điện tháng 4.

Các mức tăng này là cao nhất trong các chỉ số giá từng nhóm hàng trong tháng này.

 

Tính chung, CPI tháng 5 tăng 0,16% so với tháng 4; tăng 0,2% so với tháng 12/2014 và tăng 0,95% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua 5 tháng, CPI tăng bình quân 0,83% so với cùng kỳ.

 

Trước đó, ngày 22/5, trao đổi với báo chí, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cho rằng những đợt điều chỉnh gần đây ảnh hưởng nhất định đến mặt bằng giá cả thị trường cũng như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong thời gian tới.

 

Theo Cục Quản lý giá, dự kiến CPI tháng 5 và 6 chỉ "tăng nhẹ, không có đột biến".

 

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,16% vì xăng, điện

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,16% vì xăng, điện

 

Ông Tuấn cho hay: "Khi điều chỉnh giá những mặt hàng này, các cơ quan quản lý đã cân nhắc lựa chọn phương án tăng giá ít tác động nhất đến đời sống nhân dân, đến CPI và cũng cân nhắc lựa chọn thời điểm phù hợp".

Không chỉ khẳng định CPI không tăng đột biến sau hai lần điều chỉnh tăng giá xăng, Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh hai lần điều chỉnh tăng giá xăng hôm 5/5 và 20/5 hoàn toàn độc lập với việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 lên 3.000 đồng.

 

"Sở dĩ khẳng định như vậy là do việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đã được Liên Bộ Tài chính - Công Thương cân nhắc kỹ lưỡng, không làm tăng giá xăng, dầu trong nước thông qua việc tính toán tương tác giữa thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường trong cơ cấu giá cơ sở", cơ quan này cho biết.

 

Cũng khẳng định xăng, dầu chỉ là một yếu tố nhỏ trong việc tác động đến giá cả thị trường, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, dù giá xăng đã 7 lần giảm giá liên tục, nhưng hiện nay, xăng, dầu cũng chỉ chiếm 0,17% trong việc tính toán chỉ số CPI.

Chính vì thế, xăng, dầu cũng chỉ là một trong nhiều mặt hàng đầu vào thiết yếu tác động đến hàng hoá trên thị trường, dù nhìn vào thực tế, xăng, dầu sẽ tác động đến dịch vụ hàng hoá, cụ thể là dịch vụ vận tải và một số ngành sản xuất sử dụng dầu DO.

 

Cũng theo ông Võ Văn Quyền, việc tăng, giảm giá phải phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường. Chúng ta không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để buộc kéo giá xuống. Cơ chế thị trường là bàn tay vô hình mà ở đó cạnh tranh tạo ra bức tranh thị trường. Khi có sự cạnh tranh giữa các sản phẩm thì bắt buộc cần tăng sẽ tăng, phải giảm ắt sẽ giảm.

 

Ngoài ra, một loạt các vấn đề khác cũng tác động không nhỏ đến thị trường như: hàng tồn kho, các nhiên, nguyên, vật liệu khác ngoài xăng, lãi suất ngân hàng, nợ khó đòi. Tất cả những yếu tố này cũng tác động lên giá cả, khiến thị trường hàng hoá biến động theo chiều hướng tăng.

 

Trong khi đó, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư từng khẳng định: "Với xăng, giá điện tăng người tiêu dùng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp là phải trả chi phí tăng thêm hàng tháng; và ảnh hưởng gián tiếp do giá hàng hóa tăng theo giá điện, giá xăng".

 

Theo Ngân Giang (Tổng hợp)

Đất Việt

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *