Tiền và Hàng 28/09/2015 14:17

Gạo Việt sau Thái Lan 100 năm: Lời buồn của doanh nghiệp

Gạo Việt thiếu thương hiệu chủ yếu do cách điều hành của nhà quản lý, tập trung vào số lượng, bán sản phẩm thô mà ít nghĩ đến chất lượng.

Ông Phan Công Bình, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Công Bình (huyện Tân Trụ, Long An), người tâm huyết xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam chia sẻ sau nhận định của chuyên gia Thái Lan về việc gạo Việt Nam đi sau Thái Lan 100 năm.

 

Tự bơi

 

DNTN Công Bình đi vào hoạt động trong lĩnh vực xay xát và chế biến lương thực thực phẩm với sản phẩm chính là lúa gạo đã 10 năm nay. Mạnh dạn đầu tư làm gạo đặc sản cao cấp, đến nay doanh nghiệp này còn xuất khẩu gạo tới hơn 10 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Đài Loan, Anh, Úc, Mexico…

 

Chia sẻ về cách làm gạo của doanh nghiệp mình, ông Phan Công Bình cho biết, xây dựng gạo thương hiệu là cả một quá trình lâu dài, DNTN Công Bình đang xây một chuỗi giá trị từ quy hoạch vùng nguyên liệu đến chế biến, xúc tiến thương mại, bán sản phẩm...

 

Gao Viet sau Thai Lan 100 nam: Loi buon cua doanh nghiep
Ông Phan Công Bình

 

"Giá trị cốt lõi của xây dựng thương hiệu gạo là bán cái khách hàng cần chứ không phải bán theo cái mình có. Tuỳ vào nhu cầu của khách hàng, tiêu chuẩn họ đặt ra, thích tiêu thụ gạo gì, dẻo hay bở, thơm nhiều hay ít, tỷ lệ tấm như thế nào... trên cơ sở đó tiến hành lai tạo giống.

 

Để làm chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ giống. Để tạo được giống tốt, ít nhất đưa ra sản xuất phải là giống xác nhận cấp 1, tức độ thuần tới 99,9%. Chúng tôi liên hệ với các Sở KHCN, Bộ KHCN và các trung tâm giống để làm. Khi có giống, quy hoạch vùng nguyên liệu rồi thì bắt đầu cho trồng, quá trình canh tác, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật tốt thì sẽ cho ra sản phẩm tốt. Quy trình này có thể theo thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP. GlobalGAP là tiêu chuẩn quốc tế nên khó hơn, tốn kém hơn nhưng muốn có được sản phẩm có giá trị thương hiệu cao thì càng phải tuân thủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

 

Trong quá trình thực hiện phải kiểm soát chặt chẽ. Mô hình DNTN Công Bình đang làm là liên kết 4 nhà tức nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học (đội ngũ khoa học kỹ thuật, kỹ sư, các trung tâm khuyến nông, bảo vệ thực vật) và nhà nước (hệ thống chính trị). Yêu cầu chính của doanh nghiệp là có được giống tốt, độ thuần cao, chất lượng tốt và có dư lượng thuốc trừ sâu ổn định. Sau khi thu hoạch về là cả quá trình chế biến của doanh nghiệp từ A đến Z gồm sấy, xay xát, đánh bóng, tách màu, đóng gói, hệ thống tồn trữ. Toàn bộ quy trình chế biến đó thông thường gồm rất nhiều doanh nghiệp tham gia nhưng riêng DNTN Công Bình làm từ gốc đến gọn.

 

Một vấn đề khác là phải đi tiên phong trong vấn đề cải tiến khoa học công nghệ trong chế biến lúa gạo, nhập máy móc thiết bị của một số quốc gia như Nhật, Anh... để có được máy móc tốt nhất, tạo ra sản phẩm ngang tầm khu vực và thế giới. Sản phẩm này phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy trình kiểm soát trong chế biến, an toàn vệ sinh thực phẩm hay những đánh giá tiêu chuẩn như ISO 2000 hoặc theo các công bố chất lượng.

Muốn xuất khẩu được gạo thì phải có mẫu mã, bao bì. Gạo đẹp, tốt thì phải có mẫu mã bao bì xứng với đẳng cấp của sản phẩm. Muốn làm được điều này phải đầu tư rất nhiều tiền. Sản phẩm nằm trong bao và vỏ bao phải như nhau, đó là vấn đề quan trọng của xây dựng thương hiệu.

 

Đối với khâu thương mại, tôi cho rằng doanh nghiệp phải tích cực tham gia thị trường. Riêng DNTN Công Bình có khách hàng ở 10 quốc gia trên thế giới nhưng chúng tôi phải tìm hiểu đúng xem thị trường nào tiêu thụ gạo thơm, thị trường nào tiêu thụ gạo dẻo hoặc thị trường nào tiêu thụ gạo ở mức độ thường. Có thể tìm thị trường bằng chính lực lượng của mình hoặc nhờ vào hệ thống marketing của đối tác Việt kiều hoặc tham gia hội chợ ở khu vực và quốc tế. Ở các quốc khác, những khâu này do Chính phủ đầu tư, còn ở Việt Nam những doanh nghiệp như chúng tôi phải tự bỏ rất nhiều tiền", ông Phan Công Bình cho biết.

 

Dù tốn kém nhiều chi phí để xây dựng chuỗi gạo nhưng theo ông Phan Công Bình, xét về mặt bằng chung, giá gao Việt Nam chỉ thuộc dạng trung bình khá chứ không cao bằng các nước khác, nhất là Thái Lan. Thái Lan đã xây dựng được thương hiệu gạo từ lâu, nếu họ bán 10 đồng thì Việt Nam chỉ bán được 8 đồng, may mắn thì được 8,5 đồng. Muốn nâng cao giá trị hạt gạo, ông Bình nhấn mạnh phải làm thương hiệu một thời gian dài để khẳng định mình, khi người tiêu dùng ở nước ngoài công nhận thương hiệu gạo Việt thì Việt Nam mới có thể điều chỉnh giá gạo ngang với giá của các nước khác.

 

Vấn đề căn cơ của gạo xuất khẩu Việt Nam

 

Lý giải nguyên nhân Việt Nam thiếu vắng thương hiệu gạo xuất khẩu, Giám đốc DNTN Công Bình cho rằng chủ yếu là do cách điều hành của các nhà quản lý Việt Nam. Từ trước đến nay, Việt Nam chỉ tập trung vào số lượng mà ít quan tâm đến chất lượng, thường bán sản phẩm  thô mà không bán thương hiệu của quốc gia. Vấn đề căn cơ của gạo Việt Nam là: sản lượng dẫn đầu thế giới (sản lượng lúa Việt Nam có thể đạt 10 tấn/ha, trong khi trên thế giới nơi nào làm tốt lắm được 7-8 tấn/ha) nhưng bởi lo chạy theo sản lượng quá mà kém về chất lượng. Để có được năng suất cao như trên chắc chắn phải sử dụng chất kích thích, thuốc trừ sâu. Dư lượng thuốc trừ sâu trong hạt gạo Việt Nam thuộc top đầu thế giới. Vì lý do này gạo Việt Nam không thể bán được giá cao bằng nước khác nên phải chọn thị trường mà đi.

 

"Doanh nghiệp chúng tôi đang làm thương hiệu gạo sạch, gạo hữu cơ, chấp nhận làm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để bán được giá na ná như Thái Lan, Ấn Độ. Bây giờ là xu thế cạnh tranh, hội nhập, phải làm thương hiệu mới tồn tại được. Ngày mai, ngày kia thế giới biết thương hiệu gạo Công Bình của Long An, Việt Nam, người ta chấp nhận được thì khi đó mình mới có chỗ đứng", ông Bình chia sẻ.

 

Cũng theo ông Bình, bởi gạo Việt chưa có thương hiệu nên doanh nghiệp phải chịu sức ép rất lớn. Vào những thị trường cấp thấp, có bán cũng không lên được giá bao nhiêu, còn thị trường cao cấp muốn vào chào hàng thì họ lại chưa biết mình là ai. Do vậy, trước mắt, doanh nghiệp phải chịu áp lực là biết rằng hàng của mình chất lượng không thua Thái Lan nhưng phải bán với giá thấp hơn Thái Lan để từ từ làm thị trường tiêu thụ.

 

Về chính sách của Nhà nước, ông Phan Công Bình bày tỏ, Việt Nam nói nhiều, quan tâm nhiều nhưng để xây dựng thương hiệu gạo thì Việt Nam chưa có nguồn kinh phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Bình đã trao đổi trong rất nhiều tại các hội nghị của Bộ NN&PTNT, Bô Công thương về việc cần hỗ trợ doanh nghiệp khâu xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, chương trình ở khu vực và thế giới.

 

"Một khi Chính phủ đã bỏ tiền ra còn doanh nghiệp chỉ cần đem sản phẩm qua bán thì khi đó doanh nghiệp rất mạnh dạn đầu tư để làm. Còn như bây giờ, doanh nghiệp phải bỏ ra 500 triệu - 1 tỷ đồng thì rất căng, làm không được thì coi như lỗ".

 

Một áp lực khác được ông Bình chỉ ra, đó là vốn. Những doanh nghiệp như DNTN Công Bình vốn bị giới hạn, muốn làm để khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thế giới thì phải có vốn lớn để xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư máy móc, KHCN hiện đại... từ đó mới quản lý được chuỗi giá trị. Hiện Nhà nước chưa có chính sách ưu đãi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn lâu dài để phát triển.

 

"Có rất nhiều thứ Việt Nam đã thua các nước trong khu vực nhưng nếu chúng ta quyết tâm thay đổi thì phải làm cho được. Bây giờ chúng tôi cứ làm vướng ở đâu thì kêu, bộ ngành, Chính phủ lắng nghe được tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp, đồng thời có chính sách phù hợp là doanh nghiệp mừng", ông Phan Công Bình nói.

 

Theo Thành Luân

Baó Đất Việt

 

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *