Tiền và Hàng 10/12/2013 11:02

EVN trả thấp: Nhà đầu tư muốn bán điện trực tiếp cho dân

FICA - Nhóm công tác VBF kiến nghị Chính phủ Việt Nam cho phép thí điểm một số dự án phong điện mà công ty sản xuất điện độc lập được phép bán thẳng cho hộ tiêu dùng thông qua Hợp đồng mua bán điện trực tiếp.

Báo cáo tại Diễn đàn doanh nghiệp (VBF) 2013 mới đây, ông Dominic Scriven, Trưởng Nhóm Công tác Thị trường Vốn cho biết, Việt Nam là một trong những nước có nguồn năng lượng điện từ gió (phong điện) lớn nhất trong ASEAN do Việt Nam nằm trong những luồng gió mạnh và ổn định.

Theo kế hoạch quốc gia tổng thể về điện lực giai đoạn VII bao gồm cả mục tiêu phát triển năng lượng phong điện đạt 1000MWs (mega watt) vào năm 2020. Tuy nhiện, việc xây dựng và phát triển các nhà máy phong điện chậm chạm hơn nhiều so với dự kiện với tổng số lượng phong điện đã hoạt động mới chỉ đạt 46MWs.

Theo dự kiến của đến năm 2015 thị trường điện lực tại Việt Nam sẽ được nới lỏng để cho phép các nhà sản xuất điện độc lập được phép bán điện trực tiếp đến hộ tiêu dùng thông qua việc thuê hệ thống hạ tầng phân phối điện của EVN.  

Tuy nhiên, ông Dominic cho rằng, vấn đề hiện tại của Việt Nam là, giá hiện nay mà EVN trả cho các công ty sản xuất điện độc lập theo Hợp đồng mua bán điện được Nhà nước bù giá là quá thấp không đủ để tạo lợi nhuận cho các nhà đầu tư, hoặc không đủ để đảm bảo cho các khoản vay từ ngân hàng;

Bên cạnh đó, do việc EVN đang phải gánh chịu một khoản lỗ rất lớn, các nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng khó có thể chấp nhận cho EVN mua điện từ các dự án phong điện trừ khi có một bảo đảm từ Chính phủ Việt Nam; và những công ty chuyên về phong điện có uy tín và năng lực tài chính chưa có cơ hội xâm nhập thị trường Việt Nam.

Theo đó, nhóm công tác kiến nghị Chính phủ Việt Nam cho phép thí điểm một số dự án phong điện mà công ty sản xuất điện độc lập được phép bán thẳng cho hộ tiêu dùng thông qua Hợp đồng mua bán điện trực tiếp. Công ty sản xuất điện độc lập sẽ trả phí thuê hạ tầng phân phối điện của EVN.

Hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà phân phối phong điện độc lập với một cơ sở tiêu dùng là một công ty đa quốc gia sẽ cho phép các công ty xây dựng và phát triển nhà máy phong điện có thể vay vốn từ các ngân hàng quốc tế và dùng nguồn vốn riêng của họ đầu tư vào điện lực tại Việt Nam trong tương lai.

"Mục tiêu đạt 1000MWs sẽ có thể đạt được nếu việc thí điểm bán điện trực tiếp thành công mà không đòi hỏi bất kỳ bảo lãnh nào từ chính phủ, cũng như không đòi hỏi bất kỳ việc bù giá điện nào của EVN", ông Dominic nói.

 

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *