Tiền và Hàng 24/11/2014 16:01

EVN mua điện giá cao từ Trung Quốc: Chuyện lại "nóng"

Mua điện của Trung Quốc với giá cao nhưng EVN lại ép giá chỉ bằng 1/2 đối với các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trong nước.

Đó là thực tế được ông Vũ Ngọc Cừ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai chỉ rõ khi nói về những thiệt thòi của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ phải chịu khi hòa lưới điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
 
Kiến nghị nhiều lần nhưng chẳng ai nói năng chi
 
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 30 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, với quy mô dưới 30 MW mỗi nhà máy, đã đi vào hoạt động, hầu hết là của tư nhân. Các nhà máy đều cho sản lượng tốt, nằm trong quy hoạch.
 
Huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai có nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ
Huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai có nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ
 
"Các nhà máy này tham gia hệ thống sẽ là những nguồn điện rất tốt, bổ sung cho hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, rất nhiều nhà máy thủy điện công suất 5MW, 7MW, thậm chí chỉ có 2 MW không đủ điều kiện tham gia thị trường điện cạnh tranh nên buộc phải bán cho Tổng Công ty Điện lực miền bắc thuộc EVN và bị họ ép giá".
 
Trước thông tin Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng không có cơ sở và lý do để nói Việt Nam nhập khẩu điện từ nước ngoài, ông Vũ Ngọc Cừ khẳng định, nói như vậy chưa chính xác.
 
Theo ông Cừ, đến nay EVN vẫn mua điện của Trung Quốc với giá cao từ 1.500-1.600 đồng/kW nhưng lại ép giá các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ chỉ bằng một nửa, ở mức 800-900 đồng/kW. Trong khi đó, chi phí đầu tư bình quân mỗi nhà máy phải bỏ ra khoảng 30 tỷ đồng cho 1MW thủy điện do hạ tầng giao thông còn yếu kém, các nhà máy lại chủ yếu tập trung ở vùng sâu vùng xa, địa bàn bị chia cắt. Lợi nhuận thấp khiến các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa sống dở chết dở, đã trót đầu tư nên chẳng biết làm thế nào.
 
"Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên Bộ Công thương, Bộ Tài chính, EVN nhưng tình hình vẫn chưa được giải quyết. Các nhà máy đạt doanh thu thấp, lợi nhuận thấp nên trả nợ ngân hàng lâu. May mà điện chỉ là một trong các ngành nghề của các doanh nghiệp nên anh em cố gắng co kéo", ông Cừ cho biết.
 
Từ năm 2011, nhiều doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai đầu tư trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh đối với các các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đã có đơn kiến nghị xin điều chỉnh mức giá mua, bán điện. Trong đó nêu rõ, giá bán điện thương phẩm của các doanh nghiệp cho EVN theo biểu giá chi phí tránh đang được áp dụng còn thấp so với giá mua điện của Trung Quốc và các nhà máy nhiệt điện khác.
 
Với mức lãi suất ngân hàng cao (khoảng 19%/năm), giá bán điện thấp, theo các doanh nghiệp này, doanh thu không đủ cho việc trả lãi ngân hàng và hoàn vốn cho chủ đầu tư.
 
"Tuy nhiên, công văn chúng tôi gửi đi mà không có ai nói năng gì cả, cả Bộ Tài chính và Bộ Công thương. Vừa rồi, chúng tôi đã thông qua kênh của Phòng Thương mại Việt Nam (VCCI) để họ tập hợp gửi lên Chính phủ. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị đến khi nào được thì thôi", ông Cừ nhấn mạnh.
 
Lỗi tại độc quyền
 
Vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai cho biết, mong muốn lớn nhất của các nhà máy thủy điện là làm sao EVN nâng giá mua điện hàng năm lên. Ngoài ra, ông cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại chính sách thuế tài nguyên nước đối với thủy điện vừa và nhỏ khi điều chỉnh tăng thuế suất từ 2% lên 4%.
 
Giá điện thương phẩm tính thuế tài nguyên nước của EVN hiện nay khoảng 1.500-1.600 đồng/kW, trong khi các thủy điện vừa và nhỏ của Lào Cai chỉ bán cho Tổng Công ty Điện lực miền bắc với giá hơn 900 đồng/kW. Như vậy, số tiền điện để tính thuế tài nguyên nước chênh lệch rất lớn so với giá bán điện thực tế của các nhà máy.
 
Một kiến nghị khác của ông Vũ Ngọc Cừ liên quan đến phí dịch vụ môi trường rừng. Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ 1/1/2011) quy định, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là một yếu tố trong giá thành sản phẩm có sử dụng dịch vụ môi trường rừng và không thay thế thuế tài nguyên hoặc các khoản phải nộp khác theo quy định của pháp luật. Theo Quyết định số 18/2008/QĐ-BCT biểu giá chi phí tránh được ban hành hàng năm, thì giá thành sản phẩm chưa bao gồm tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
 
Năm 2013, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương mới tính phí dịch vụ môi trường rừng và thuế tài nguyên nước vào giá bán điện. Nhưng thời gian trước đó là năm 2011, 2012 quy định này chưa được áp dụng nên các nhà máy thủy điện không có nguồn để nộp phí. Bởi vậy, các doanh nghiệp kiến nghị xem xét lại việc thu phí của năm 2011, 2012.
 
"Thế này chẳng khác nào ép chết các nhà máy điện. Điện thì chỉ có một người mua duy nhất, doanh nghiệp xây nhà máy rồi muốn vứt cũng chẳng được vì bán không ai mua. Đây là sự độc quyền. Ngay đến văn bản kiến nghị chúng tôi gửi lên họ còn chẳng trả lời, nói gì tham gia thị trường điện cạnh tranh. Những gì cần nói chúng tôi đã nói cả rồi nhưng không giải quyết được thì cũng đành chịu", ông Cừ nói.
 
Theo Thành Luân
Báo Đất Việt
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *