Dòng chảy vốn 15/02/2014 14:07

Xuất siêu 1,44 tỷ USD trong tháng đầu năm

FICA - Trong tháng đầu tiên của năm 2014, trong khi khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất siêu tới 1,41 tỷ USD thì khối doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước cũng có thặng dư 31 triệu USD.



Tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam từ tháng 1/2013 đến tháng 1/2014.

 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 1/2014 đạt 21,48 tỷ USD, giảm 9,9% so với tháng trước và giảm 3% so với kết quả thực hiện của tháng 1/2013.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 11,46 tỷ USD, với tốc độ giảm lần lượt là 1,5% và 0,8%; tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là 10,02 tỷ USD, giảm 17,8% và giảm 5,5%.

Trong tháng đầu tiên của năm 2014, trong khi khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuất siêu tới 1,41 tỷ USD thì khối doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước cũng có thặng dư 31 triệu USD. Do đó, về tổng thể, cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 1/2014 của cả nước đã thặng dư 1,44 tỷ USD.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu chính, khối lượng dầu thô đạt 560 nghìn tấn, giảm 17,8% so với tháng 12/2013 và giảm 31,5% so với cùng kỳ. Trị giá xuất khẩu mặt hàng này đạt 505 triệu USD, chủ yếu được xuất sang Australia, Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc.

Ở mặt hàng than đá, khối lượng xuất khẩu trong tháng đạt 978 nghìn tấn, giảm 32,8% so với tháng trước và giảm 18,8% so với tháng 1/2013; trị giá xuất khẩu 71,1 triệu USD. Than đá của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang 3 thị trường chính là Trung Quốc với 777 nghìn tấn, Nhật Bản với 118 nghìn tấn, Hàn Quốc với 56 nghìn tấn. Tính chung, lượng than đá xuất khẩu sang 3 thị trường này chiếm 97,3% tổng lượng than đá xuất khẩu của cả nước.

Một mặt hàng cũng rất quan trọng là máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện góp vào xuất khẩu 749 triệu USD, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 14,9% so với tháng01/2013. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam chủ yếu xuất sang các thị trường EU, Trung Quốc, Hoa Kỳ.

Ở chiều ngược lại, máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng là một trong những mặt hàng được nhập khẩu mạnh nhất trong tháng 1, kim ngạch ở mức 1,64 tỷ USD, giảm 7,3 % so với tháng trước nhưng tăng tới 15,4% so với tháng 1/2013.

Việt Nam nhập khẩu nhóm hàng này chủ yếu có xuất xứ từ các thị trường: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU.

Tại mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 1,24 tỷ USD, giảm 10,4% so với tháng trước và giảm 16,1% so với tháng 1/2013. Trong đó, nhập khẩu của khu vực FDI là 1,14 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Các thị trường chính cung cấp máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện cho Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm 2014 là Hàn Quốc với 401 triệu USD, tăng 8,9%; Trung Quốc với 322 triệu USD, giảm 23,5%; Singapore với 145 triệu USD, giảm 5,9%; Nhật Bản với 105 triệu USD, giảm 26,1%...so với tháng 01/2013.

Lượng nhập khẩu xăng dầu trong tháng đạt 791 nghìn tấn và trị giá 739 triệu USD, tăng 15,2% về lượng và tăng 10,5% về trị giá so với tháng trước. So với tháng 01/2013 đạt tốc độ tăng cao lần lượt là tăng 61,4% về lượng và tăng 53,5% về trị giá.

Xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng qua chủ yếu có xuất xứ từ Singapore với 267 nghìn tấn, tăng gấp gần 2 lần; Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Cũng theo số liệu Tổng cục Hải quan, trong tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 3.100 chiếc ô tô nguyên chiếc các loại, giảm 16,2% so với tháng trước nhưng tăng 4,2% so với cùng kỳ 2013.

Việt Nam nhập khẩu ô nguyên chiếc các loại chủ yếu từ các thị trường như Hàn Quốc với 1.330 chiếc, Ấn Độ với 471 chiếc, Thái Lan với 338 chiếc, Trung Quốc với 293 chiếc, Nhật Bản với 289 chiếc...

Bích Diệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *