Tiền và Hàng 15/03/2018 08:17

Dù xăng E5 bán chậm, cũng kiên quyết không thể "hồi sinh" RON 92?

Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì bán trở lại xăng RON92 cần tìm giải pháp đẩy mạnh lượng tiêu thụ xăng E5 như tăng chiết khấu cho doanh nghiệp hay giảm thuế bảo vệ môi trường…

Đề xuất hồi sinh RON 92 của Saigon Petro ngay sau đó đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận.
Đề xuất "hồi sinh" RON 92 của Saigon Petro ngay sau đó đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận.

"Mới triển khai được hơn 2 tháng, chưa nói lên điều gì"

Mới đây, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) đã có công văn kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính một số nội dung có liên quan đến thuế bảo vệ môi trường và chính sách phát triển xăng sinh học trong thời gian tới.

Theo đó, Saigon Petro đưa ra kiến nghị cơ quan quản lý giảm thuế bảo vệ môi trường sinh học E5 RON 92 (gọi tắt là E5), làm cơ sở để doanh nghiệp giảm giá bán, kích thích tiêu thụ sản phẩm này, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.

Theo khảo sát của doanh nghiệp, sản lượng tiêu thụ xăng E5 hai tháng đầu năm 2018 chiếm tỷ trọng quá thấp là 30% trong tổng lượng xăng tiêu thụ của SaigonPetro (trước đây tiêu thụ xăng RON 92 chiếm 65%).

Đáng chú ý theo doanh nghiệp này, trong thời gian tới sản lượng xăng E5 vẫn thấp dù đã áp dụng các biện pháp, thì nên cho sử dụng lại xăng RON 92.

"Trên thực tế, nhiều loại phương tiện chỉ cần dùng xăng tiêu chuẩn mức xăng E5 hoặc xăng RON 92, song vẫn dùng xăng RON 95 - có giá cao hơn đó là một sự lãng phí. Theo tính toán của chúng tôi, người tiêu dùng đang phải chi thêm khoảng 400 tỷ đồng mỗi tháng từ việc chuyển sang dùng xăng RON 95", đại diện SaigonPetro nói.

Đề xuất này của Saigon Petro ngay sau đó đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Tiu - Chủ tịch Công ty CP Xăng dầu Tự lực I nói: "Đúng là xăng E5 bán chậm. Đối với doanh nghiệp chúng tôi thì tỷ lệ bán xăng E5 khoảng 30-40% tổng sản lượng. Tuy nhiên có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có một lý do cần được các cơ quan quản lý xem xét tới đó là chiết khấu rất thấp".

Theo đại diện doanh nghiệp này, từ việc chiết khấu thấp đó dẫn đến nhiều doanh nghiệp bán lẻ không triển khai bán E5 hoặc vì muốn lợi nhuận cao hơn thì sẽ ưu tiên bán xăng RON 95. Hiện tại mức chiết khấu xăng E5 đang thấp hơn 200 đồng/lít so với xăng RON 95.

"Chính phủ nên xem xét có chính sách phù hợp để khuyến kích bán E5. Muốn đẩy sản lượng bán ra thì cần phải có chính sách làm sao tất cả các cây xăng đều bán xăng E5 như tăng chiết khấu lên 1.400 - 1.500 đồng/lít chẳng hạn. Hoặc đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường", Chủ tịch Xăng dầu Tự lực I nói.

Ông Tiu cho rằng, nếu các cửa hàng bán lẻ không chịu bán thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với các doanh nghiệp đầu mối. "Sản lượng bán của các cửa hàng chậm, tồn kho nhiều ngày, tỷ lệ hao hụt cao thì ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp", ông Tiu nói.

Bên cạnh việc khuyến khích người bán, đại diện doanh nghiệp này còn cho rằng, cần phải kiểm soát thị trường thật tốt cả ở đầu ra lẫn đầu vào sản phẩm nhằm đảm bảo chất lượng cho xăng E5.

"Đừng vội đổ tội cho xăng E5 chất lượng kém. Bởi như chúng tôi bán bao lâu nay, đâu có thấy khách hàng phàn nàn gì về chất lượng. Bên cạnh việc tuyên truyền để người dân hiểu và yên tâm dùng E5 thì cũng cần đảm bảo được mức chênh lệch giữa RON 95 và E5 khoảng 2.000 - 2.500 đồng. Giá cả hấp dẫn cũng sẽ kích thích lượng bán E5 hơn", ông Tiu kiến nghị.

Trước câu hỏi về việc bản thân doanh nghiệp có muốn "hồi sinh" lại RON 92, ông Tiu cho rằng: "Mới triển khai chưa được 3 tháng chưa nói lên điều gì. Cả nhà nước và doanh nghiệp đều mất bao công sức để thực hiện lộ trình bán E5. Do vậy không thể bảo quay trở lại bán RON 92 là quay trở lại được. Nếu mà chính sách không ổn định thế thì doanh nghiệp sẽ mất niềm tin đầu tư. Điều quan trọng giờ vẫn phải là tháo gỡ khúc mắc cho E5".

Làm sao để gỡ?

Không chỉ doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cũng đồng tình cho rằng không nên bàn việc "hồi sinh" RON 92 bây giờ, thay vào đó cần tìm các biện pháp kích cầu xăng E5.

Cụ thể, để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5 có thể xem xét chính sách thuế của Nhà nước. Ngoài ra, phải chứng minh được chất lượng của xăng E5 RON92 là an toàn đối với các loại phương tiện sử dụng.

Ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, cần làm cho người dân tin vào chất lượng. Thực tế hiện này doanh nghiệp cũng chưa mặn mà trong kinh doanh sản phẩm này là do chưa đảm bảo được lợi nhuận. Do vậy ông Long cho rằng cần có chính sách tháo gỡ vấn đề này.

"Ngoài thuế bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp cần xem lại chi phí đầu vào, hiện có phải do độc quyền hay không mà giá thành sản xuất ethanol của Việt Nam đang rất cao", ông Long nêu vấn đề.

Trong khi đó, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, trong trường hợp cần thiết thì cần làm thí nghiệm cụ thể để khẳng định chất lượng xăng E5. Nếu có vấn đề thì cần phải thay đổi, nếu không thì cần phải có chế tài để tăng lượng tiêu dùng xăng E5.

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định với chức trách, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến điều hành xăng dầu thì Bộ Công Thương, Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo đủ lượng xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng.

Thứ trưởng Hải cho biết, từ 1/1/2018 theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xăng E5 được bán đại trà trên toàn quốc và đến thời điểm hiện nay, theo báo cáo của các đầu mối cũng như các Sở Công Thương trên toàn quốc thì số lượng xăng E5 tiêu thụ tăng tương đối nhanh.

"Đối với các doanh nghiệp hiện nay ngừng bán xăng E5 thì quyền kinh doanh là quyền của doanh nghiệp, các doanh nghiệp có thể bị lỗ, lãi hoặc có thể vì lý do nào đó. Trong chức trách của chúng tôi liên quan đến việc điều hành xăng dầu hay liên quan đến quyền kinh doanh của doanh nghiệp, chúng tôi sẽ phối hợp trực tiếp với Sở Công Thương nơi doanh nghiệp kinh doanh tháo gỡ khó khăn hoặc có thể phối hợp với doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu", ông Hải nói.

Nguyễn Khánh

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *