Tiền và Hàng 11/08/2016 11:13

Doanh nghiệp “mất hồn” vì thuế đất tăng đột biến

Sau khi nhận được thông báo thu thuế đất từ cơ quan thuế, nhiều doanh nghiệp đang hoạt đoạng trên địa bàn tỉnh Gia Lai không khỏi bất ngờ và bức xúc khi biết giá thuê đất bỗng dưng tăng gấp nhiều lần mà không theo bất kỳ lộ trình nào, cũng như thông báo trước.

Thuế sử dụng đất là nguồn thu chính của nhiều địa phương (Ảnh minh họa)
Thuế sử dụng đất là nguồn thu chính của nhiều địa phương (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp “ngơ ngác”

Sau khi nhận được “tráp” thông báo tiền thuế đất của Chi cục thuế TP Pleiku (Gia Lai) kỳ I năm 2016, nhiều doanh nghiệp đang thuê đất của UBND tỉnh Gia Lai không khỏi bất ngờ vì tiền thuế đất “đội” lên gấp nhiều lần so với những năm trước. Điều khiến các doanh nghiệp “ngơ ngác” là việc tăng thuế không hề được cơ quan chức năng thông báo trước, không có lộ trình và tăng một cách “đột biến”.

Một doanh nghiệp thuê đất của UBND tỉnh Gia Lai ở khu vực khá xa trung tâm TP Pleiku cho biết, đầu tháng 5/2016, đơn vị nhận được giấy thông báo nộp tiền thuê đất kỳ I năm 2016 từ Chi cục thuế TP Pleiku. Sau khi nhận thông báo từ Chi cục thuế, doanh nghiệp này bị “mất hồn” khi thấy số tiền tăng gấp gần 8 lần so với những năm trước.

Điều khiến doanh nghiệp bức xúc không chỉ vì tiền thuế đất đột nhiên tăng quá cao, mà bản thân doanh nghiệp là đơn vị có quyền lợi và nghĩa vụ trực tiếp, nhưng họ không hề nhận được bất kỳ một văn bản nào thông báo trước về việc tăng tiền thuế đất hay việc thăm dò ý kiến của doanh nghiệp. Họ chỉ biết tiền thuế tăng khi nhận được thông báo về số tiền thuế phải nộp.

Chủ doanh nghiệp này cho biết, khi đơn vị thuê đất của UBND tỉnh Gia Lai thì trong hợp đồng không ghi cụ thể về giá cả bao nhiêu, chỉ biết là giá theo quy định nhà nước. Vì vậy, việc tăng giá thuế đất của UBND tỉnh Gia Lai vừa qua không theo lộ trình, không có văn bản thông báo trước và tăng một cách “đột biến” đã khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc.

“Việc tăng thuế đất quá cao của tỉnh Gia Lai đã khiến nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn dễ rơi vào bờ vực phá sản. Công ty tôi thuê đất ở xa trung tâm mà bị tăng như thế này thì những doanh nghiệp thuê gần trung tâm hoặc khu đất “vàng” thì số tiền tăng sẽ không hề ít, nhiều doanh nghiệp cũng bức xúc nhưng vì một số lý do mà họ không dám phản ánh”, chủ một doanh nghiệp nói.

Đại diện doanh nghiệp này cho biết thêm, công ty chị có nhiều chi nhánh mở ở các tỉnh như Khánh Hòa, Đăk Lăk… nhưng Gia Lai là nơi có thuế đất cao nhất, và là tỉnh tăng thuế “đột biến” nhất. Bên Đăk Lăk vừa qua không chỉ tăng mà còn giảm thuế đất xuống, so với Đăk Lăk thì giá ở Gia Lai cao hơn gấp đôi.

Tương tự như doanh nghiệp trên, một doanh nghiệp lớn, có thời gian thuê đất nhiều thập niên trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng đã bị tăng gấp gần 5 lần trong đợt tăng thuế vừa qua, cho biết, sau khi nhận được thông báo tiền thuế, đơn vị đã rất bất ngờ với số tiền mà cơ quan thuế thông báo cho đơn vị nộp. Bản thân doanh nghiệp chỉ biết việc tăng thuế khi nhận được thông báo nộp tiền thuế của Chi cục thuế TP Pleiku, mà không hề có văn bản thông báo hay thỏa thuận trước đó. Khi ký hợp đồng thuê đất với phía tỉnh Gia Lai thì không có quy định số tiền thuế cụ thể nào, mà chỉ ghi giá theo quy định của nhà nước. Vì vậy, đơn vị này đã có văn bản kiến nghị gửi lên Cục thuế Gia Lai.


Văn bản của Cục thuế Gia Lai trả lời doanh nghiệp kiến nghị về việc tăng thuế

Văn bản của Cục thuế Gia Lai trả lời doanh nghiệp kiến nghị về việc tăng thuế

Ngoài vấn đề tiền thuế đất tăng quá cao và bất ngờ, 1 chủ doanh nghiệp có trụ sở giao dịch tại Gia Lai cho biết, doanh nghiệp ông kinh doanh 3 mặt hàng và đặt cơ sở sản xuất tại một số tỉnh ở Tây Nguyên và dưới Miền Nam. Vừa qua, đơn vị đã có ý định thuê đất ở Gia Lai để làm cơ sở sản xuất cà phê, nhưng gặp rất nhiều khó khăn về môi trường đầu tư, các quy định gây khó dễ cho doanh nghiệp để mở cơ sở và giá thuê đất cao nên đơn vị đã chuyển cơ sở sang bên Đăk Lăk.

“Nếu so với Bình Dương thì môi trường kinh doanh ở Gia Lai chỉ bằng 2/10 so với Bình Dương, nên tôi chỉ đặt duy nhất 1 văn phòng giao dịch chính ở Gia Lai, còn lại tất cả các cơ sở hoạt động kinh doanh của tôi đều ở các tỉnh khác. Khi không mở được cơ sở sản xuất cà phê ở Gia Lai, tôi sang bên Đăk Lăk là mở được ngay sau đó”, chủ doanh nghiệp bộc bạch.

Thông báo từ năm 2011?

Trước vấn đề trên, trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Viết Hà- Đội trưởng đội kê khai kế toán thuế Chi cục thuế TP Pleiku cho biết, việc tăng thuế đất trên là có thật. Có doanh nghiệp bị tăng thuế cao gấp 8-9 lần so với những năm trước, có doanh nghiệp bị tăng 4-5 lần. Trung bình của mức tăng là khoảng 5 lần, tùy từng vị trí đất.

Bà Nguyễn Thị Hà- Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Gia Lai cũng khẳng định việc tăng thuế đất mà doanh nghiệp phản ánh là đúng sự thật, tăng trên toàn địa bàn tỉnh mà nguyên nhân là do giá đất tăng. Thuế chỉ là cơ quan thực hiện động tác thông báo nộp tiền. Còn tỷ lệ %, đơn giá thuê đất do UBND tỉnh quy định, bảng giá do UBND tỉnh quy định, chứ Cơ quan Thuế không ban hành.

Bà Hà lý giải, thực chất tiền thuê đất đã được thông báo từ năm 2011. Vì quy định tiền thuê đất ổn định trong thời hạn 5 năm, những đơn vị thuê đất được thông báo đơn giá thuê đất đợt điều chỉnh này đa phần được điều chỉnh cho đợt điều chỉnh tiền thuê đất của chu kỳ 3 (1 chu kỳ 5 năm-PV). Trong đó, thuế đất chu kỳ 3 là so sánh năm 2016 với năm 2011 chứ không phải 2016 với 2015.

Và việc tăng thuế bất ngờ mà không thông báo trước cho doanh nghiệp là vì không có quy định nào quy định là phải thông báo trước việc tăng thuế! “Đang kinh doanh nhận được thông báo tiền thuế đất tăng 4-5 lần, thậm chí có đơn vị 7-8 lần cũng bức xúc thật, như mình tăng nhiều mình cũng bức xúc”, bà Hà chia sẽ với doanh nghiệp.

Bà Hà cũng khẳng định, việc tăng thuế trên so với quy định là chưa có gì sai, nhưng nó cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bản thân cơ quan Thuế đã nhận được gần 10 văn bản của các doanh nghiệp “kêu ca” về việc tăng thuế đất cao, ngay cả Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Gia Lai cũng đã gửi văn bản phản ánh về vấn đề này.

Một số doanh nghiệp đặt vấn đề: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều chỉ đạo tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Nhưng việc tăng thuế đất quá cao trên của tỉnh Gia Lai trong hoàn cảnh nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang trong tình trạng khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản, chẳng khác nào đẩy doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn hơn và đi ngược lại với chỉ đạo của Thủ tướng?!

Thiên Thư

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *