Doanh nghiệp 06/04/2014 10:32

Tách MobiFone ra khỏi VNPT: Được hay mất?

Cuối cùng, vấn đề được chờ đợi nhất trong lĩnh vực viễn thông - phương án tái cơ cấu VNPT trong đó có việc tách hay không tách MobiFone - đã ngã ngũ. Thường trực Chính phủ đã quyết định: MobiFone ra “ở riêng” trực thuộc Bộ TT&TT, và không phải “gánh” theo doanh nghiệp nào cả…

MobiFone sẽ được “ra riêng” để tiến hành nhanh CPH.

 

Cần biết rằng, trong đề án tái cơ cấu VNPT do lãnh đạo tập đoàn này trình Chính phủ, thì phương án tách MobiFone kèm theo “điều kiện” phải gánh theo khoảng 60 doanh nghiệp trong đó có nhiều doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, thua lỗ. Phương án này nhằm giải quyết tình huống cho VNPT là phải tái cơ cấu tách MobiFone (để tuân thủ đúng Luật Viễn thông và Nghị định 25 không cho phép một doanh nghiệp sở hữu hai mạng di động với tỉ lệ 100% cổ phần) nhưng bù lại cũng nhẹ gánh được phần nào. Tuy nhiên, Chính phủ lại quyết “chệch” với mong đợi của VNPT, có thể xem như một liệu pháp sốc đối với tập đoàn này.

 
Vì sao vậy? Vì lâu nay mỗi năm MobiFone là đơn vị thành viên làm ăn hiệu quả nhất trong VNPT, những năm gần đây lợi nhuận từ 5.000 - 6.000 tỉ đồng mỗi năm, chiếm tới 60% tổng lợi nhuận của tập đoàn, trong khi số lao động chỉ chiếm khoảng 10%. Để tách riêng MobiFone ra một mình, theo nguyên Thứ trưởng Bộ BC-VT Mai Liêm Trực, thì “nếu tôi là người VNPT tôi cũng không muốn thế”. Đúng thế, trong phạm vi lợi ích cục bộ của VNPT, thì tập đoàn này sẽ mất rất nhiều về nguồn thu, lợi nhuận, đã thế vẫn phải gánh hàng loạt Cty làm ăn không hiệu quả, coi như sa vào khó khăn hơn trước.
 
 
Nếu đặt ra vấn đề lỗi, thì trước tiên thuộc về lãnh đạo VNPT những thời kỳ trước và hiện tại đã không quyết liệt cổ phần hóa (CPH) MobiFone, tất nhiên trong đó có một số nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nếu họ làm sớm và làm tốt việc này, thì bên cạnh việc sở hữu 100% mạng VinaPhone VNPT còn được sở hữu tối đa 20% cổ phần MobiFone, và lại còn có thể thu về cả chục tỉ USD nhờ bán cổ phần của MobiFone cho các đối tác nước ngoài. Giờ thì đã muộn…, tân CEO Trần Mạnh Hùng coi như phải gánh hết những trì trệ của giai đoạn trước và hiện tại.
 
 
Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại, hướng quyết chỉ tách riêng MobiFone khỏi VNPT không phải là không có lý. Bao năm MobiFone nằm trong VNPT đã trì trệ trong việc CPH, nay tách riêng ra để tạo điều kiện cho Cty này thúc đẩy CPH nhanh và mạnh hơn. Còn đối với VNPT, quyết định của Thường trực Chính phủ đã truyền đi một thông điệp rõ ràng: Không thể tiếp tục ỷ lại và dựa giẫm vào “bầu sữa” lãi hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm từ MobiFone; buộc VNPT phải tái cơ cấu lại quyết liệt gấp nhiều lần so với trước, từ việc dũng cảm và mạnh mẽ cắt đứt những Cty con làm ăn thua lỗ, tinh giản mạnh bộ máy cho đến việc đầu tư phải hiệu quả hơn v.v…
 
 
Xét ở góc độ này, VNPT đang “được” từ quyết định của Chính phủ, có thể nhờ đó mà quyết tâm quyết chí tái cơ cấu mạnh mẽ hơn để sớm đến đích, thay vì cứ ì ạch và “cầu an”.
 
 
Theo Thế Lâm
Lao động
Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *