Tiền và Hàng 16/10/2014 15:57

Dệt may: “Cuộc đua cạnh tranh bằng gia công giá rẻ đã đến đáy”

FICA - Giá nhân công của Việt Nam hiện nay đã cao hơn so với Bangladesh, Campuchia. Nếu chỉ cạnh tranh bằng giá gia công thấp thì sẽ rất khó có thể phát triển bền vững.

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Bộ Công Thương về tình hình sản xuất, kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, ngành dệt may đã duy trì được đà tăng trưởng tốt.

Mũi nhọn xuất khẩu

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước 9 tháng đạt 15,5 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó vải các loại đạt 574 triệu USD, tăng 8,1%.

Tháng 9 so với cùng kỳ, sản lượng quần áo mặc thường ước tăng 13%; sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 6,1%. Sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo tăng 35,4%.

Tính chung 9 tháng, sản lượng quần áo mặc thường tăng 9,97%; sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 16,1%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 6,3% so với cùng kỳ 2013.

Cũng theo Vinatex, với những thuận lợi kể trên, thị trường chính của ngành dệt may Việt Nam 3 tháng cuối năm vẫn duy trì ổn định được mức tăng trưởng.

Dự kiến sản lượng sản xuất vải dệt các loại năm 2014 sẽ tăng 6,9%; quần áo mặc thường ước tăng 3,6%. Kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại ước đạt 2,24 tỷ USD, tăng 4,2%; xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 21 tỷ USD, tăng 17% so với 2013. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Vinatex năm 2014 ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 11,8%.

Phân tích những yếu tố tạo nên kết quả của ngành dệt may, ông Trần Việt, Trưởng ban Thị trường, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, thành công này xuất phát chính từ năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp (chất lượng tốt, đảm bảo thời gian giao hàng, đáp ứng tốt các yếu tố nền tảng như: trách nhiệm xã hội, chính sách và điều kiện lao động, giá cả, chi phí lao động…)

Thêm vào đó, dệt may Việt Nam cũng đang ở vị trí thuận lợi trong bức tranh chung về chuyển dịch sản xuất của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việc tích cực tham gia đàm phán các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazashtan... và nỗ lực của các doanh nghiệp trong ngành trong việc tìm kiếm thị trường mới cho cả đầu vào và đầu ra, đã mở ra cơ hội tăng kim ngạch và thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam.

Sản phẩm của ngành đã có chỗ đứng trên thị trường truyền thống như: Nga, Đông Âu, Mỹ, Nhật Bản. Tại EU, Việt Nam cũng đang có cơ hội mở rộng thị trường do nhu cầu hàng dệt may tại thị trường này rất lớn.

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đang trong giai đoạn đàm phán tích cực, có thể sẽ đi đến ký kết vào cuối năm nay. Điều này mở ra cơ hội thúc đẩy các đơn hàng tăng cao vào cuối năm.

Giá trị gia tăng thấp

Đánh giá chung về những thành tích đã đạt được của Ngành trong 9 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong tương quan chung của các ngành kinh tế, dệt may Việt Nam vẫn luôn là lĩnh vực mũi nhọn.

Với tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh như hiện nay, ngành dệt may không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với mục tiêu phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, mà còn đảm bảo cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, mặc dù ngành có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhưng giá trị gia tăng còn thấp so với tiềm năng phát triển của ngành. Do đó nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới của dệt may chính là tập trung chiến lược để cải thiện về chất.

Xét từ thực tế hiện nay, cuộc đua cạnh tranh bằng giá gia công thấp đã thật sự đến đáy và không còn phù hợp. Giá nhân công của Việt Nam hiện nay đã cao hơn so với một số nước như Bangladesh, Campuchia. Nếu chỉ cạnh tranh bằng giá gia công thấp thì sẽ rất khó có thể phát triển bền vững được.

Do đó, trong chiến lược mới của Vinatex vẫn luôn luôn nhất quán là dịch chuyển trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu nhằm phát triển nguồn nguyên phụ liệu, tạo ra chuỗi giá trị tốt hơn, cung cấp cho khách hàng những giải pháp trọn gói.

Hiện nay, cạnh tranh bằng giải pháp trọn gói đang phát huy hiệu quả cao và rõ rệt trong chuỗi cung ứng hàng dệt may. Chiến lược nhất quán này là bước đi quan trọng để các doanh nghiệp dệt và sợi thế giới tạo niềm tin vững chắc và mở rộng hợp tác với Việt Nam.

Bích Diệp

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *