Tiền và Hàng 20/05/2018 16:30

Đề nghị điều chỉnh quy hoạch khai thác mỏ kẽm để “cứu sống” doanh nghiệp

Kiến nghị này vừa được UBND tỉnh Thái Nguyên gửi tới Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khoáng sản hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động khai thác mỏ ở nhiều địa phương đang bị siết về quản lý 

UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, giữa tháng 4 vừa qua, cơ quan này tiếp nhận văn bản đề nghị của Sở Tài nguyên Môi trường và Công ty cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên – Vimico đề nghị điều chỉnh Quy hoạch khai thác mỏ kẽm chì Lang Hít.

Mỏ Lang Hít nằm trên địa bàn xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên được Bộ Công nghiệp, nay là Bộ Công Thương cấp giấy phép khai thác từ năm 1996. Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cấp giấy phép cho doanh nghiệp này được khai thác quặng chì kẽm bằng phương pháp hầm lò với các nội dung chính; diện tích khu vực khai thác 302,7ha, trữ lượng địa chất 123,255 tấn; trữ lượng khai thác 110.000 tấn; công suất khai thác 22.000 tấn/năm. Thời hạn giấy phép đến hết ngày 30/4/2018.

Trong những năm qua, Công ty Vimico được UBND tỉnh Thái Nguyên đánh giá là luôn chấp hành đúng các quy định về khai thác khoáng sản cũng như kê khai và nộp đầy đủ các loại thuế, phí và đóng góp nghĩa vụ cho ngân sách Nhà nước đúng quy định.

Năm 2015, Vimico đã thực hiện thăm dò nâng cấp trữ lượng quặng kẽm, chì trong diện tích giấy phép khai thác khoáng sản và được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia phê duyệt.

Thực hiện Luật khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn có liên quan, phía công ty Vimico cũng đã hoàn chỉnh hồ sơ để đề nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định. Tuy nhiên, hồ sơ xin cấp lại giấy phép khai thác mỏ chì kẽm Lang Hít này đã không được Tổng Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chấp nhận.

Lý do được giải thích là vì còn vướng mắc một số nội dung trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng chì kẽm đến năm 2020 có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để phù hợp với thực tế hoạt động sản xuất của mo hiện nay, Công ty cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên – Vimico đề nghị được điều chỉnh lại Quy hoạch này. Cụ thể, Vimico đề nghị điều chỉnh công suất khai thác, trữ lượng thực tế khái thác, tuổi thọ của mỏ, quy hoạch các điểm mỏ thành một mỏ cho phù hợp với tình hình thực tế hoạt động quản lý khai thác mỏ.

Theo kế hoạch đã được duyệt thì đến hết ngày 30/4/2018, mỏ chì kẽm Lang Hít phải dừng hoạt động do hết hạn giấy phép khai thác. Việc phải dùng hoạt động của mỏ, theo UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động và vấn đề an sinh xã hội tại địa phương.

Do vậy, UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh quy hoạch theo đề nghị của doanh nghiệp cũng như một số bộ ngành liên quan cũng đã có báo cáo, đề xuất. Việc điều chỉnh này nhằm đảm bảo đáp ứng đúng với tình hình thực tế của địa phương cũng như tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm và thu nhập ổn định của ngừoi lao động.

Trong thời gian chờ cấp lại giấy phép khai thác, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị cho phép Công ty cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên Vimico tiếp tục được duy trì hoạt động sản xuất của mỏ chì kẽm Lang Hít.

Trước đó, hồi cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép Công ty cổ phần khoáng sản An Khánh được xuất khẩu 195.000 tấn quặng tồn kho,  nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

Công ty An Khánh được Bộ Tài nguyên và môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản từ giữa năm 2011 với công suất khai thác là 110.000 tấn quặng ilmenite/năm. Trữ lượng được khai thác là 1,8 triệu tấn quặng. Thời hạn khai thác đến hết ngày 17/12/2020. Tính đến hết tháng 6/2017, An Khánh được xác định vẫn còn tồn kho 195.000 tấn.

Thời gian qua, tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm ảnh hưởng đến nhu cầu mặt hàng tinh quặng ilmenite, dẫn đến việc không chỉ An Khánh mà một số doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bị tồn một lượng quặng khá lớn. Chẳng hạn, công ty Ban Tích đang tồn khoảng 58.000 tấn; một doanh nghiệp khác cũng tồn tại hơn 18.000 tấn, tính đến hết thời điểm tháng 7/2017.

Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, nếu các đơn vị chức năng phê duyệt đề nghị xuất khẩu 195.000 tấn quặng tồn kể trên, Công ty CP Khoáng sản An Khánh sẽ có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế, phí có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

H.Anh

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *