Doanh Nhân 28/02/2014 14:18

3 nữ doanh nhân Việt được Forbes vinh danh

FICA - Đây là lần thứ 3 tạp chí này vinh danh các nữ doanh nhân quyền lực của khu vực châu Á...

Từ trái qua phải, bà Mai Kiều Liên, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, và bà Nguyễn Thị Nga - Ảnh: Forbes.

 

Tạp chi Forbes vừa công bố danh sách 50 nữ doanh nhân châu Á quyền lực năm 2014. Các nữ doanh nhân được bình chọn hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là lần thứ 3 Forbes vinh danh các nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.


Bình chọn của Forbes dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau gồm doanh thu công ty (hiếm khi dưới 100 triệu USD, thường hàng tỷ USD), vị trí trong công ty (doanh nhân làm lãnh đạo sẽ có thêm điểm cộng) và lĩnh vực hoạt động (công việc hàng ngày).  Ngoài ra, Forbes cũng đánh giá cao các nữ doanh nhân bà Noriko Nakamura thuộc tập đoàn Poppins (Nhật Bản) hay nữ hoàng bán lẻ Australia Naomi Milgrom.


Việc tìm kiếm nữ doanh nhân đáp ứng các tiêu chuẩn trên trong một phạm vi địa lý rộng lớn (năm nay gồm không dưới 13 quốc gia), chưa kể đến sự đa dạng ngành nghề, kinh tế và văn hóa. Một doanh nghiệp ở Việt Nam với doanh thu hàng năm 100 triệu USD có thể coi là xuất sắc trên thị trường chứng khoán trong nước nhưng có thể chỉ là một đốm sáng ở một thị trường phát triển hơn. Các nước như Indonesia thường là các doanh nghiệp gia đình trị hơn là các doanh nghiệp niêm yết. Xét về mặt văn hóa, phụ nữ Trung Quốc có cơ hội phát triển nghề nghiệp thuận lợi hơn ở các nước khác trong khu vực.


Lọt vào danh sách bình chọn của Forbes năm nay có 3 nữ doanh nhân của Việt Nam gồm bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), bà Nguyễn Thị Mai Thanh, CEO của Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) và bà Nguyễn Thị Nga, 59 tuổi, Chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank).


Theo đánh giá của Forbes, Vinamilk là một trong những thương hiệu sinh lời tốt nhất và là một mã blue chip trên sàn chứng khoán Việt Nam. Doanh thu và lợi nhuận của Vinamilk không ngừng tăng kể từ khi niêm yết vào năm 2006. Năm 2013,doanh thu của Vinamilk tăng 17% lên 1,5 tỷ USD, bà Mai Kiều Liên (60 tuổi) đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu của công ty vào năm 2017 khi công ty vươn ra thế giới. Tháng 12/2013, Vinamilk đầu tư 23 triệu USD để liên doanh sản xuất tại Campuchia và dành 7 triệu USD mua lại 70% cổ phần trong công ty sữa Driftwood ở California (Mỹ). Tháng 7 năm ngoái, Vinamilk được cấp phép bán sản phẩm tại Mỹ, nâng tổng số thị trường xuất khẩu lên khoảng 30 quốc gia. Trong nước, năm 2013, Vinamilk cũng mở 2 nhà máy mới, đầu tư 210 triệu Usd để sản xuất sữa bột và sữa nước.


Bà Nguyễn Thị Mai Thanh (61 tuổi) làm việc tại REE từ năm 1982, và từ một kỹ sư đã trở thành CEO của công ty kinh doanh thiết bị gia dụng, xây dựng và bất động sản này vào năm 1985. Dưới sự điều hành của bà Thanh, REE là công ty đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2000. Năm 16 tuổi bà tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong. Sau chiến tranh, bà học về chuyên ngành kỹ thuật điện tại Đại học Karl-Marx-Stadt ở Đông Đức trước khi trở lại quê nhà và làm việc cho REE. Bà đã đưa công ty đi lên với việc phát triển sản phẩm máy điều hòa Reetech.


Bà Nguyễn Thị Nga (59 tuổi) là một trong những phụ nữ giàu nhất Việt Nam nhờ tài kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, resort và bán lẻ. Kể từ năm 2007, bà là Chủ tịch Hội đồng quản trị của SeABank – ngân hàng bán lẻ với tổng tài sản 3,6 tỷ USD, trong đó ngân hàng Pháp Société Générale nắm 20% cổ phần. Bà cũng là người sáng lập và điều hành BRG, một công ty cổ phần có 3 sân golf ở Việt Nam. Bà cũng sở hữu 2 khách sạn tại Hà Nội và nắm hơn 30% cổ phần trong công ty bán lẻ và thương mại Intimex. Hoạt động kinh doanh của bà năm 2013 đã mang lại doanh thu hơn 435 triệu USD.

Phương Linh
Theo Forbes

Chuyên mục: Doanh Nhân

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *