Tiền và Hàng 10/01/2015 08:49

Chủ động trước Trung Quốc: Câu hỏi thẳng không từ... bàn giấy

"Chúng ta mới nhìn thấy những biện pháp có tính chất hành chính và tuyên truyền hơn là những chiến lược và hành động".

Phải vực dậy được nền sản xuất nội địa

 

PV: - Một nghiên cứu của Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Việt Nam vừa công bố đã chỉ rõ tình trạng buôn lậu ngày càng phổ biến từ Trung Quốc về Việt Nam đang “làm đổ vỡ sản xuất trong nước”, gây khó khăn cho nhà nước, doanh nghiệp, và người tiêu dùng. Xin ông có thể phân tích kỹ hơn về nhận định này?

 

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Thực trạng buôn lậu vẫn đang diễn ra nhiều năm nay, không những vậy mà còn đang ngày càng trở nên phổ biến và phức tạp. Mặc dù, chính phủ cũng đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu, nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này, đặc biệt tình trạng buôn lậu trên biên giới, nhưng không hề có dấu hiệu suy giảm, nếu như không muốn nói là đang có những hình thức biến tướng phức tạp hơn.

 

Điều rõ ràng có thể nhìn thấy, đó là thực trạng này đang làm xói mòn nền sản xuất trong nước và tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất nội địa với doanh nghiệp buôn hàng hóa nhập khẩu. Về tương lai lâu dài, nền sản xuất nội địa của VN sẽ bị bóp chết, làm giảm động lực kinh doanh và tinh thần doanh nhân của doanh nghiệp Việt Nam.

 

Thế nhưng, nếu đứng ở góc độ người tiêu dùng, chúng ta không thể phê phán hay bài xích tâm lý chuộng hàng ngoại giá rẻ của người Việt. Bởi vì, ai cũng mong mua được sản phẩm chất lượng cao, ai cũng muốn mua được sản phẩm “ngon – bổ – rẻ” cả, nhưng thực tế thì “tiền nào của nấy”.

Chính vì thế, nên nhiều người tiêu dùng chấp nhận chất lượng sản phẩm thấp hơn, thậm chí có mức độ rủi ro như tính độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường... Thực ra nếu nói tất cả các sản phẩm nhập lậu đều có chất lượng thấp cũng không hẳn, nhiều sản phẩm có chất lượng thậm chí còn tốt hơn so với hàng trong nước, rồi mẫu mã lại đẹp hơn mà mức giá lại “phải chăng” nên lẽ dĩ nhiên hành vi hợp lý của người tiêu dùng là chọn hàng nhập (lậu) mà thôi

Do khả năng tài chính hạn chế và nhu cầu về chất lượng không cần quá cao, đặc biệt khi thu nhập của người dân chủ yếu ở mức trung bình thấp, nên họ sẵn sàng chấp nhận chất lượng thấp hay có rủi ro về chất lượng sản phẩm và trả mức giá có thể chấp nhận được.

Nhìn ở góc độ rộng hơn là vai trò của chính phủ trong việc định hướng người tiêu dùng, thay vì sử dụng biện pháp kinh tế thì lại sử dụng biện pháp có tính phi kinh tế, như giáo dục, tuyên truyền, mà những biện pháp này hoàn toàn không có tác dụng trên thực tế.

 

Ở đây, chính sách kinh tế là phải vực dậy được nền sản xuất nội địa. Nếu như các DN trong nước có thể sản xuất ra sản phẩm, cạnh tranh được với các sản phẩm của TQ, cũng với mức giá, chất lượng tương đương, thì không có lý do nào người tiêu dùng lại chọn hàng TQ.

 

Tôi lấy ví dụ, nếu như sản phẩm của VN và sản phẩm nhập từ TQ đều 10 đồng với cùng một chất lượng như nhau thì rõ ràng không người VN nào trong chúng ta lại không chọn sản phẩm VN.

 

Ngay cả sản phẩm của chúng ta giá 10 đồng còn sản phẩm của TQ 9 đồng thì chúng ta vẫn có thể chọn hàng VN. Phần chênh lệch 1 đồng này có thể xem là phần bù cho lòng yêu nước vậy. Tuy nhiên nếu phần chênh lệch là 5 đồng chẳng hạn thì liệu lòng yêu nước trong mỗi con người VN có đủ để mua sản phẩm của Việt Nam không, mua mãi không?

 

Nói như vậy để thấy rằng, vấn đề quan trọng là làm sao thúc đẩy khu vực sản xuất trong nước, cụ thể là khu vực kinh tế tư nhân, đó mới chính là động lực của tăng trưởng kinh tế chúng ta, chứ không phải DN nhà nước (DNNN). Bởi kinh tế tư nhân mới có động cơ sản xuất ra những sản phẩm có thể thay thế được sản phẩm nhập khẩu trong khi DNNN lại khó có động cơ này, trừ khi bị buộc phải làm như vậy một cách miễn cưỡng.

 

Hàm ý là Nhà nước phải tạo động lực và cơ hội tiếp cận các nguồn lực từ đất đai, tài nguyên, nguồn vốn tín dụng, và cơ chế chính sách cho khu vực kinh tế tư nhân. Hiện nay, do cách phân bổ nguồn lực và tình trạng phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là đối xử bất bình đẳng so với khu vực kinh tế nhà nước và ngay cả khu vực FDI, khiến cho khu vực tư nhân không có cơ hội và không còn động cơ đầu tư thực sự vào sản xuất.

 

Thay vào đó, hành vi của các doanh nghiệp tư nhân này là bỏ nguồn lực để đi tìm quan hệ thân hữu, tìm kiếm cơ hội kinh doanh đặc quyền, thay vì dồn sức cho hoạt động kinh doanh của họ. Nếu điều này còn tồn tại thì sẽ không bao giờ gây dựng được nền sản xuất nội địa, không thể tạo ra sản phẩm có năng suất cao để có thể cạnh tranh với hàng nước ngoài, đặc biệt từ TQ.

 

Cuối cùng, do hàng sản xuất trong nước năng suất thấp, các chi phí phi chính thức cấu thành vào trong giá khiến cho các doanh nghiệp nội địa không thể cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu từ bên ngoài. Đây mới chính là căn nguyên của tình trạng nhập siêu cũng như nhập lậu những năm qua.

 

Điều này là vì, do hàng trong nước không thể cạnh tranh và để bảo vệ nền sản xuất nội địa, chúng ta lại dựng lên các hàng rào thuế quan và kỹ thuật, kể cả các biện pháp hành chính nên phát sinh động cơ buôn lậu. Chưa kể, các DN VN, do không thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu nên cũng phải đóng cửa và cuối cùng cũng “gia nhập” nhóm thương buôn nhập khẩu hay thậm chí là nhập lậu.

 

Về dài hạn, hệ lụy của vấn nạn này là làm xói mòn nền sản xuất trong nước, làm suy giảm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, không chỉ là các biện pháp phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại mà còn là chính sách khuyến khích phát triển nền sản xuất nội địa.

 

PV: - Bên cạnh đó, còn tồn tại thực trạng hàng Việt làm ra không có sức cạnh tranh về chất lượng và giá thành, đặc biệt với hàng hóa từ Trung Quốc. Như vậy, có phải là một năm qua nỗ lực giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc của chúng ta chưa đạt được kết quả không? Theo ông, Việt Nam cần phải xác định động lực và mục tiêu cụ thể về việc này như thế nào?

 

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Nỗ lực giảm phụ thuộc vào TQ không thể chỉ nói và làm một sớm một chiều là thành công mà nó đòi hỏi phải có chiến lược và kế hoạch bài bản. Trong thời gian qua chúng ta cũng nghe nói nhiều đến điều này nhưng những chuyển biến thực tế thì gần như vẫn chưa có.

 

Thay vào đó chúng ta mới nhìn thấy những biện pháp có tính chất hành chính và tuyên truyền hơn là những chiến lược và hành động được thiết kế bài bản nhìn trên phương diện thể chế và kinh tế.

 

Nếu muốn giảm động cơ nhập siêu, giảm nhập khẩu từ TQ thì phải tạo ra động cơ kinh tế, ví dụ như khuyến khích phát triển khu vực sản xuất nội địa bằng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ hợp lý, xây dựng và thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, kìm chế lạm phát, giảm chi phí sản xuất trong nước, cải thiện năng suất lao động… chứ không thể chỉ là những biện pháp tuyên truyền và khuyến khích suông.

 

Thời gian qua, không phủ nhận chúng ta đã có một số nỗ lực về công tác quản lý phòng chống buôn lậu qua biên giới và gian lận thương mại, nhưng đây chỉ là biện pháp chữa cháy, mang tính quản lý hành chính kinh tế và tốn kém, không đưa đến 1 kết quả dài hạn, không căn cơ, không triệt tiêu tận gốc động cơ buôn lậu. Nếu chỉ cần chúng ta buông, làm lỏng tay thì kết quả đâu lại vào đấy.

 

Động cơ của việc buôn lậu vào VN là do chênh lệch giá hàng hóa hai nước mà nguồn gốc sâu xa của nó là do chênh lệch chi phí cũng như năng suất sản xuất của hai nền kinh tế trong khi khoảng cách về địa lý (và nhiều chi phí giao thương khác) giữa VN và TQ không quá lớn để ngăn trở tình trạng hàng hóa chảy xuyên biên giới.

 

Giảm phụ thuộc vào TQ vẫn chưa có chính sách thực tế

Giảm phụ thuộc vào TQ vẫn chưa có chính sách thực tế

 

Chừng nào chúng ta có thể cải thiện được năng lực sản xuất của nền kinh tế nội địa, làm sao cho hàng hóa của VN sản xuất ra rẻ hơn tương đối so với hàng TQ thì ngay cả khi anh khuyến khích người ta nhập khẩu thì người ta cũng không có động cơ đó. Chúng ta phải tư duy lại cái cách mà chúng ta đang quản lý nền kinh tế và gầy dựng nền sản xuất của chúng ta hiện nay, phải đặt nó trong một bức tranh so sánh động về lợi thế cạnh tranh quốc tế của chúng ta chứ không nên chỉ nhìn vào những khúc mắt ngắn hạn.

 

PV: - Vậy theo ông làm sao để gây dựng được một nền sản xuất như ông nói?

 

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: -Trước hết, động lực của tăng trưởng kinh tế cũng như chính sách CNH của chúng ta hiện nay phải được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc. Thứ nhất, tư duy về động lực tăng trưởng kinh tế hiện vẫn đang tiếp tục dồn vào DNNN, kể cả sau khi gia nhập WTO và chuẩn bị đàm phán gia nhập TPP.

 

Chúng ta không hơn được TQ là vì chúng ta tư duy ngược với họ về vai trò của WTO. Trong khi TQ dùng WTO như một thúc ép để cải cách DNNN thì chúng ta lại dùng DNNN để đối phó với WTO.

 

TQ sử dụng áp lực, thách thức về cạnh tranh và những đòi hỏi về cải cách thể chế của WTO để tạo ra sức ép nhằm cải cách khu vực DNNN, trong khi VN lại dùng DNNN, bơm nguồn lực cho DNNN để giúp khu vực này duy trì được lợi thế cạnh nhằm theo đuổi triết lý chủ đạo trong nền kinh tế thời kỳ hậu WTO. Rõ ràng ở đây chúng ta phải tư duy lại động lực của tăng trưởng kinh tế, đó phải là khu vực kinh tế tư nhân trong nước chứ không thể là DNNN.

 

Thứ hai, chiến lược CNH, từ việc thay thế hàng nhập khẩu đến hướng ra xuất khẩu của chúng ta cũng không thành công, mãi loay hoay với các ngành sản xuất công nghiệp, từ công nghiệp nặng rồi đến công nghiệp nhẹ rồi lại công nghiệp nặng nhưng cuối cùng vẫn không tiến được bao xa nếu không muốn nói là dậm châm tại chỗ.

 

Bao nhiêu năm năng lực sản xuất hàng nội địa để thay thế hàng nhập khẩu vẫn còn hạn chế. Điều này thể hiện ở sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất ra là rất thấp, chi phí sản xuất luôn cao hơn đặc biệt khi so với người láng giềng TQ, dẫn đến tình trạng sản phẩm không có khả năng cạnh tranh, đó là thất bại trong chính sách thay thế hàng nhập khẩu.

 

Trong khi đó, chiến lược hướng ra xuất khẩu cũng không thành công. Bao nhiêu năm vẫn chỉ xuất khẩu lúa, gạo, nông sản, tài nguyên thô (than, dầu thô, bô xít) là chủ yếu.

 

Gần đây, chúng ta có thu hút được một số nhà công nghiệp hàng đầu TG như Intel, Samsung nhưng giá trị gia tăng trong các sản phẩm hàng hóa công nghiệp xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI này lại rất thấp, chủ yếu là gia công, lắp ráp. Trong 100 đồng giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp này chúng ta chỉ đóng góp có 10 đồng, mà trong đó đã chiếm một phần là lợi nhuận của doanh nghiệp FDI, phần còn lại là lao động.

 

Qua mấy thập niên thực hiện chiến lược CNH, nền kinh tế của chúng ta gần như vẫn không nhích lên được là bao trên nấc thang giá trị của chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Đã đến lúc, cần phải nghiêm túc và thẳng thắn nhìn nhận lại vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước mà đầu tàu là DNNN, tư duy lại động lực phát triển của kinh tế VN, tư duy lại hướng đi của chính sách CNH trong bối cảnh mới.

 

Không nên ngồi bàn giấy để đưa ra chiến lược

 

PV: - Nhìn ra thế giới, Việt Nam có thể học tập bài học của quốc gia nào, về việc tồn tại bên cạnh một thị trường khổng lồ với một nền kinh tế vượt trội hơn mà vẫn tránh được áp lực phụ thuộc, tận dụng được những cơ hội từ nền kinh tế đó? Xin ông phân tích cụ thể?

 

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Nhìn rộng ra thế giới, VN không phải là nước duy nhất, cũng không phải nước bị lệ thuộc nhất vào một nước lớn lân cận. Nhìn Ukraine trong quan hệ với Nga, nhìn Mehico trong quan hệ với Hoa Kỳ cũng vậy, tình thế chúng ta chưa hẳn là quá “bi đát”.

 

Trong mối quan hệ giữa một nước lớn và nước nhỏ, chắc chắn nước lớn muốn duy trì một nước nhỏ “độc lập” và một nền kinh tế “mạnh” nhưng cái độc lập đó là trong sự lệ thuộc, tức độc lập trong sự lệ thuộc, và sức mạnh của kinh tế nước nhỏ phải nằm trong sự kiểm soát của họ.

 

Điều tất yếu, khi nước nhỏ mạnh lên đến một mức độ nào đó, chủ thể kiểm soát sẽ có lợi, bởi vì cái mà họ kiểm soát đang mạnh lên cũng sẽ tốt cho họ. Nhưng tất nhiên là nước lớn sẽ không bao giờ để nước nhỏ mạnh hơn họ, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ, thay vào đó họ muốn nước nhỏ mạnh nhưng phải là trong sự phụ thuộc, khi đó một khi chúng ta mạnh thì họ càng mạnh.

 

PV: - Nếu Việt Nam giành được thế chủ động, cơ hội của Việt Nam ở thị trường Trung Quốc như thế nào, những mặt hàng nào sẽ là những mặt hàng chiến lược để thu lợi từ thị trường này, thưa ông?Trừ khi, chúng ta mạnh hơn cái họ nghĩ chúng ta mạnh, lúc đó chúng ta mới có thể bứt phá. Làm được điều này sẽ là một thách thức rất lớn cho các nhà quản lý Việt Nam.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Cho đến nay, tôi không thấy VN có mặt hàng chiến lược nào có thể cạnh tranh được với TQ. Chúng ta chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu một số sản phẩm nông nghiệp, tài nguyên thô sang TQ để tài trợ cho nền công nghiệp TQ.

 

Trong một hai năm qua, cán cân thương mại VN tương đối cân bằng, thậm chí có thặng dư nhẹ nhưng nếu nhìn lại về cơ cấu hàng xuất khẩu và đặc biệt là hàm lượng giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu đó mà nền kinh tế nội địa tạo ra thì không có gì là đáng mừng cả.

 

Chúng ta không nên ngồi bàn giấy để phán ra sản phẩm nào là sản phẩm chiến lược để VN ưu tiên sản xuất và dành nguồn lực cho nó. Tôi nghĩ chúng ta phải xây dựng một nền kinh tế thị trường thuần nhất chứ không thể có nền kinh tế thị trường “lai tạp” được.

 

Một khi đã có được nền kinh tế thị trường vận hành theo đúng chức năng của nó thì chúng ta sẽ không bận tâm với câu hỏi là chúng ta nên chọn mặt hàng nào làm chiến lược của nền kinh tế. Thị trường sẽ tự nó trả lời 3 câu hỏi: Sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào? Sản xuất cho ai? Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ và nâng đỡ thị trường, tạo ra những thiết chế để thị trường vận hành chứ không phải làm thay cho thị trường một cách trực tiếp hay gián tiếp thông qua công cụ là DNNN.

 

PV: - Thưa ông, Việt Nam đã nhiều lần đề cập tới vấn đề phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền. Trong mối quan hệ với Trung Quốc, vấn đề này cần được nhìn nhận như thế nào? Chúng ta cần có những điều chỉnh như thế nào về chính sách kinh tế để nâng cao nội lực của nền kinh tế, đồng thời nâng cao nội lực của Việt Nam?

 

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Ở đây, theo tôi phát triển kinh tế sẽ tạo tiền đề, điều kiện để bảo vệ tính độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ tốt hơn. Chúng ta chỉ có được tính chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ khi có tiềm lực kinh tế mạnh, thu nhập bình quân đầu người của chúng ta cao.

 

Nói ngay đến đất nước Singapore tuy nhỏ bé về mặt biên giới lãnh thổ nhưng họ là một quốc gia mạnh thực sự, người dân của họ, với mức thu nhập như hiện nay, rõ ràng họ không hề “ngán” bất cứ một quốc gia nào.

Nói vậy để thấy rằng, chúng ta chỉ có thể xây dựng được một nền kinh tế cường thịnh thì mới có khả năng bảo vệ tính độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta.

 

Nhân cũng nói thêm rằng, không chỉ là tính độc lập về biên giới lãnh thổ, mà quan trọng hơn là phải có sự độc lập về tư tưởng, về ý thức hệ, độc lập trong suy nghĩ và hành động, trong lựa chọn đường lối và chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam, đó mới là yếu tố quyết định làm nên thắng lợi của chúng ta.

 

-  Xin cảm ơn ông đã chia sẻ với Đất Việt!

 

Theo Thanh Huyền

Đất Việt

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *