Tiền và Hàng 26/09/2014 14:53

Chợ truyền thống "lung lay" vị trí độc tôn

FICA - Hiện nay lượng hàng hóa được mua bán, lưu thông qua hệ thống chợ truyền thống trên cả nước vào khoảng trên 40%, tại nông thôn khoảng trên 90%.

Chợ truyền thống từ lâu được coi là nét đẹp đặc trưng trong văn hóa – thương mại của người Việt. Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại, sự giao thoa, hội nhập kinh tế sâu rộng và sự tăng trưởng không ngừng của nền kinh tế nước nhà đã đẩy chợ truyền thống mất dần vị trí độc tôn.

Ông Dương Duy Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, việc mua bán hàng hóa của người dân trong những năm gần đây được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau. Các kênh mua bán hàng hóa trong nước cũng hết sức đa dạng, từ các chợ truyền thống đến các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ điện tử (mua qua mạng internet, truyền hình, điện thoại…).

Và như vậy, ngoài chợ truyền thống, người dân có nhiều lựa chọn hơn trong việc thực hiện việc mua sắm của mình.

“Đây là xu hướng phát triển phổ biến và bình thường ở các quốc gia trên thế giới và tôi cho rằng ở Việt Nam, đây là một xu hướng phát triển khách quan và là xu hướng tích cực trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước ta”, ông Hưng đánh giá.

Cụ thể, việc mua sắm qua nhiều kênh như vậy sẽ tạo hiệu ứng tích cực, làm tăng tính cạnh tranh giữa các nhà phân phối. Người tiêu dùng sẽ lựa chọn mua sắm ở những kênh bán hàng có nhiều ưu điểm hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của họ. Do vậy, điều này sẽ tạo ra yêu cầu buộc các nhà phân phối, bán hàng phải không ngừng đổi mới phương thức kinh doanh, nâng cao tiện ích và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển đa dạng như vậy thì chợ truyền thống vẫn đã và đang đóng một vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống phân phối tiêu thụ hàng hóa ở Việt Nam, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn.

Theo ước tính, hiện nay lượng hàng hóa được mua bán, lưu thông qua hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn cả nước vào khoảng trên 40%; và tỷ lệ này đối với khu vực nông thôn còn cao hơn nhiều, ước tính khoảng trên 90%.

Bên cạnh đó, các chợ truyền thống đã và sẽ vẫn luôn chứa đựng những giá trị về văn hóa, lịch sử, du lịch... không thể tách rời. Đây cũng chính là những yếu tố cần được tính tới trong tổng thể chung phát triển các loại hình phân phối ở Việt Nam trong thời gian tới.

Theo tổng hợp được từ các địa phương, tính đến hết năm 2013, cả nước có 8.546 chợ các loại. Trong đó, số chợ hạng I chiếm 2,89%, chợ hạng II chiếm 10,83% và chợ hạng III chiếm 86,28%. Ở khu vực nông thôn, chủ yếu các chợ truyền thống là chợ hạng III, trong đó nhiều chợ có cơ sở hạ tầng kỹ thuật lạc hậu và yếu kém.

Ông Hưng cũng cho biết thêm, hiện có trên 97% số chợ trên địa bàn cả nước hoạt động có hiệu quả. Như vậy, vẫn còn một tỷ lệ khoảng 3% số chợ đã hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Những chợ này đã và đang được các địa phương xem xét để có hình thức tổ chức, sắp xếp hoặc xử lý các vấn đề hiện đang còn tồn tại, hạn chế để phát huy được hiệu quả trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các Bộ, ngành cũng đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế chính sách để khuyến khích, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác chợ, và quá trình này vẫn tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Bích Diệp

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *