Tiền và Hàng 23/06/2015 10:16

Châu Âu khát gạo thơm Myanmar: Việt Nam thiệt thòi hơn

Chúng ta chẳng thể học theo ai mà chỉ có thể đi theo cách riêng của mình một cách bài bản thì mới có thể thành công.

TS Nguyễn Đình Bích, chuyên gia ngành lúa gạo đã chia sẻ với Đất Việt khi bàn về việc Myanmar lên kế hoạch sản xuất gạo thơm để xuất khẩu vào EU.

 

PV: -Thưa ông mới đây Myanmar đã chính thức bắt tay vào sản xuất gạo thơm với số lượng lớn để cung ứng cho thị trường EU. Thành tích của Myanmar có bất ngờ không, thưa ông?

 

TS Nguyễn Đình Bích: - Trước hết phải nói rằng chúng ta chưa rõ khả năng sản xuất gạo của Myanmar thế nào mà mới chỉ có rất ít thông tin về việc họ sẽ xuất khẩu gạo thơm sang EU.

 

Song có một điểm rất đáng lưu ý là Myanmar trồng lúa theo kiểu thủ công nên việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu không nhiều nên gạo rất được ưa chuộng.

 

Thêm nữa, Myanmar là nước có thu nhập thấp nên họ được ưu đãi khi xuất khẩu gạo vào EU chứ không như Việt Nam đã ra khỏi danh mục nước được ưu tiên nên phải cạnh tranh bình đẳng.

 

Cũng như Campuchia, Myanmar xuất khẩu gạo vào các thị trường châu Âu, hay EU đều được tận dụng lợi thế đó. Cùng với việc gạo của họ không có thuốc trừ sâu, phân bón (giống như gạo hữu cơ) nên rất được ưa chuộng vì thế cũng không có gì bất ngờ.

 

Đương nhiên để có thể xuất khẩu được thì họ cũng có bước đi làm thị trường rất bài bản, song phải nhìn thực tế thị trường EU cũng không phải lớn mà chỉ có một số nước cạnh tranh với nhau.

 

Chau Au khat gao thom Myanmar: Viet Nam thiet thoi hon
Để chiếm lĩnh được thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần có bước đi bài bản, đặc biệt là phải xây dựng thương hiệu gạo Việt

 

PV: Nhưng thông tin này đưa ra trong bối cảnh gạo Việt Nam bị ép giá đến mức thấp nhất nhưng vẫn không bán được hàng. Bằng chứng là gạo Việt Nam bị Philippines ép giá đến lần thứ 3 nhưng doanh nghiệp Việt vẫn chí có chiêu đối phó là giảm giá thấp hơn. Giờ gạo Việt lại bị Trung Quốc ép giá đúng như kịch bản các năm trước. Theo ông tại sao chúng ta lại đi vào đường khó như vậy?

 

TS Nguyễn Đình Bích: - Việc giá của Việt Nam xuống quá thấp là do lỗi của chính các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam chứ không phải ai khác.

 

Nhưng như tôi đã nói ở trên chúng ta không thể so sánh giá của gạo Việt Nam với Campuchia hay Thái Lan.

 

Như gạo Campuchia họ chủ yếu canh tác theo phương thức thủ công, không dùng hóa chất, phân bón nhiều và chủ yếu là gạo dài ngày, vì thế gạo của họ rất ngon và cao giá hơn gạo Việt Nam là đương nhiên.

 

Cũng là đồng đất đó nhưng họ chỉ làm 2 vụ, còn Việt Nam lại làm 3 vụ và năng suất rất cao mà đòi bằng giá bằng ngang với Campuchia là không thể chấp nhận được. Lý do là vì không ai bán giá gạo ngắn ngày cao bằng giá của gạo dài ngày. Điều này là không bao giờ có.

 

Vì thế chúng ta không thể so sánh giá gạo của Việt Nam so với giá gạo của Campuchia. Ngay cả gạo Campuchia sang Việt Nam thì người Việt cũng sẽ muốn dùng gạo này hơn vì bao giờ lúa trồng dài ngày cũng cho gạo ngon, nấu cơm ngon hơn rất nhiều.

 

Còn có một điều rõ ràng gạo của Việt Nam không có thương hiệu nên khi xuất khẩu vào những thị trường khắt khe đòi hỏi phải có thương hiệu rõ ràng. Mình không thể vào được thị trường đó thì đương nhiên chỉ có thể bán cho những thị trường mà không đưa ra quá nhiều yêu cầu nghiêm ngặt.

 

Trong khi đó Trung Quốc lại liên tục được mùa và Chính phủ vẫn tăng giá để hỗ trợ nông dân. Bây giờ gạo Việt Nam giá rẻ mà tràn vào nhiều sẽ ảnh hưởng thị trường của họ là đương nhiên.

 

Mặt khác họ cũng có kho gạo khổng lồ. Và có nguồn tin không chính thức họ đang xả kho dự trữ nên họ kiểm soát chặt khối lượng nhập khẩu vào.

 

PV: - Điều đáng nói ở đây Myanmar là nước đi sau trên con đường xuất khẩu gạo. Thế nhưng dường như họ đã len chân thành công vào thị trường khó tính chứng minh các bước đi bài bản trong kế hoạch đưa hạt gạo ra nước ngoài của quốc gia này một cách có giá nhất. Theo ông Việt Nam có thể học cách làm của Myanmar hay có thể làm gì để không bị chuyển từ mua rẻ bán rẻ thành mua siêu rẻ bán siêu rẻ?

 

TS Nguyễn Đình Bích: - Chúng ta chả thể học theo ai mà chỉ có cách đi riêng của mình một cách bài bản thì mới có thể thành công.

 

Những cái mình có làm cho tốt hơn lên, xây dựng thương hiệu, làm giống tốt thì mới thoát khỏi tình thế như bây giờ.

 

Tôi cho rằng giải pháp thì đã đưa ra rất nhiều. Và quan trọng hơn cả là làm thế nào đó để gạo có thương hiệu phải được xem là vấn đề mấu chốt.

 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 
Theo Bích Ngọc
Đất Việt
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *