Tiền và Hàng 30/04/2015 18:21

Cấp phép bán buôn, siêu thị Metro vẫn công khai bán lẻ

Từ ngấm ngầm đến công khai, đại siêu thị Metro đã từ lâu thực hiện kinh doanh bán lẻ cho người tiêu dùng cuối cùng trong khi chỉ được cấp giấy phép bán buôn.

Chị N.M.H (Hà Đông, Hà Nội) thường mua sắm thực phẩm và các vật dụng trong gia định tại một đại siêu thị Metro gần nhà. Điều khiến chị N.M.H ngạc nhiên là dù không có thẻ thành viên và lần nào vào cửa nhân viên cũng hỏi thẻ nhưng chị vẫn được vào mua hàng như bình thường. Khi thanh toán, chị được nhân viên tính tiền hỏi thẻ thành viên thêm một lần nữa và dù không có thẻ chị vẫn được thanh toán như mọi người.

Trao đổi với nhân viên thu ngân của Metro, chị N.M.H được biết, khi thanh toán, nhân viên của Metro sẽ chọn mã số của một khách hàng doanh nghiệp để tiến hành thanh toán cho chị H. Mã số của khách hàng được lựa chọn, theo nhân viên thu ngân, là ngẫu nhiên. Ngoài ra, nhân viên thu ngân tại đây cũng cho hay, do hoá đơn cung cấp cho người mua hàng nên phía doanh nghiệp được lựa chọn mã số cũng không hay biết gì về giao dịch này và cũng không có hoá đơn để hạch toán khoản này vào chi phí doanh nghiệp.

Cấp phép bán buôn, siêu thị Metro vẫn công khai bán lẻ
Hoá đơn mua hàng của một khách lẻ được sử dụng mã số của một khách hàng doanh nghiệp với tên người mua hàng khác.

Metro vào Việt Nam cách đây 13 năm và vào thời điểm đó, Việt Nam chưa chính thức mở cửa thị trường phân phối cho nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ. Với nhiều cam kết như sẽ không cạnh tranh trực tiếp với nhà bán lẻ trong nước và hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nhà cung cấp địa phương, Metro được cho là đã nhận được nhiều ưu đãi từ các địa phương trong việc mở rộng kinh doanh.

Tuy nhiên, việc nhà đầu tư ngoại này kinh doanh bán lẻ cho người tiêu dùng cuối cùng trong khi chỉ được cấp giấy phép bán buôn không phải là chuyện lần đầu diễn ra. Trên thực tế, hệ thống bán sỉ này cũng ngấm ngầm bán lẻ trong nhiều năm nay và đã nhiều lần được nhắc tới. 

Metro kinh doanh rất nhiều mặt hàng phục vụ trực tiếp cho những người tiêu dùng cuối cùng.
Metro kinh doanh rất nhiều mặt hàng phục vụ trực tiếp cho những người tiêu dùng cuối cùng.
 

Tại một hội thảo phát triển ngành bán lẻ diễn ra cách đây vài tháng, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam chỉ rõ, quy định các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam hiện nay phải đặt các siêu thị cách xa trung tâm thành phố, vùng lõi từ 10 – 15 km. Nhưng nhiều siêu thị của Metro Việt Nam đang rất gần trung tâm, lõi đô thị. 

Lý giải về điều này, bà Loan nhận định: kể từ khi vào Việt Nam, Metro chỉ mở mấy siêu thị tại các thành phố Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng với cam kết và thực hiện cam kết rất đúng các quy định pháp luật. Tuy nhiên, càng ngày, do nhiều ưu ái của địa phương nên rất nhiều đại siêu thị của Metro nằm “chình ình” ngay giữa trung tâm thành phố.

“Quy hoạch bán buôn khác với bán lẻ, bán buôn là ở cửa ngõ thành phố, xa dân cư để cho các kênh phân phối bán lẻ khác tiếp cận nguồn hàng và lấy từ đây đưa vào thành phố. Nhưng Metro lại xây sai quy hoạch, đặt ngay giữa trung tâm. Rõ ràng họ có ý đồ xâm nhập bán lẻ từ lâu thông qua địa điểm xây dựng và theo quan sát của chúng tôi thực tế họ đã và đang thực hiện bán lẻ từ nhiều năm nay”. Bà Loan cho biết.

Cũng nêu ý kiến về việc “phớt lờ” quy định của Nhà nước và có dấu hiệu vi phạm quy định đăng ký kinh doanh, theo ông Vũ Minh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng: “Cơ chế và thực hiện các cơ chế này ở thị trường bán lẻ hiện nay đang rất mù mờ, nói ví von đi vào thị trường bán lẻ hiện nay như là… “đeo kính râm khi trời tối”.

Theo ông Phú, các đại gia bán lẻ có tiềm lực rất lớn và “ăn đứt” các doanh nghiệp nội, nếu chúng ta tiếp tục nhìn thấy họ sai mà không làm gì được thì thì trường sẽ càng rối ren. Tình trạng địa phương ưu ái đại gia bán lẻ ngoại, theo ông Phú khẳng định là có và hệ quả nó đang khiến thị trường méo mó, doanh nghiệp Việt chịu thiệt.

Về phía cơ quan quản lý, trong một lần trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Công thương - ông Đỗ Thắng Hải từng cho rằng, việc phân biệt giữa bán buôn và bán lẻ không riêng gì tại Việt Nam mà ở tất cả các nước đều rất khó. Ông Hải cho rằng, cần nhìn nhận doanh nghiệp đã làm được gì và lỗ hổng quản lý của cơ quan chức năng nằm ở đâu? 

"Chúng ta phải nhìn nhận một cách khách quan, Metro vào đây quan trọng nhất đầu tiên là kinh doanh. Theo chúng tôi kiểm tra, có lúc tới 90% hàng hóa bán trong Metro là hàng của Việt Nam sản xuất và bán ra tại Việt Nam, chủ yếu cho người Việt Nam. Như vậy, họ làm rất tốt, giúp người Việt Nam tiêu thụ sản phẩm của mình ngay trên lãnh thổ Việt Nam" - Thứ trưởng Bộ Công thương ghi nhận. 

Sau hơn 13 năm kinh doanh ở Việt Nam, hồi tháng 8/2014 chủ đầu tư hiện tại của chuỗi siêu thị này là Tập đoàn Metro Group đã công bố mảng bán sỉ sẽ được chuyển giao cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan. Theo nhìn nhận của giới trong ngành, với mục tiêu thâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam, rất có thể BJC sẽ xin cấp phép chuyển sang bán lẻ. Tuy nhiên, quyết định điều chỉnh này sẽ phải được xem xét ở cấp bộ vì giấy phép đầu tiên của Metro cấp năm 2002 là do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp.

Phương Dung
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *