Tiền và Hàng 15/01/2015 09:26

Buôn lậu thuốc lá: Siêu lợi nhuận chỉ sau ma túy

FICA - Năm 2014, theo số liệu khảo sát của các tổ chức có uy tín, thuốc lá lậu đã tăng lên 30 - 40%, thất thu ngân sách nhà nước hơn 8.000 tỷ đồng.

Ngày 14/1/2015, Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác quản lý thị trường năm 2015 và quán triệt Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá.

Báo cáo về kết quả công tác chống buôn lậu thuốc lá năm 2014, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết: Tình hình buôn lậu, vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu hiện vẫn diễn biến rất phức tạp tại nhiều địa bàn trọng điểm. Tại tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, khi lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra trên tuyến đường bộ thì đối tượng buôn lậu, buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu lại chuyển hướng hoạt động sang tuyến đường sông hoặc trên các kênh, rạch bằng cách sử dụng xuồng máy chạy với tốc độ cao.

Tuyến biên giới Việt Nam – Lào, thuốc lá nhập lậu chủ yếu qua đường sông Sê Pôn với chiều dài trên 10 km với 17 bến đò có hoạt động vận chuyển tập kết hàng nhập lậu, trong đó có 05 bến đò có hoạt động vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu. Sau đó, các chủ hàng chia nhỏ và thuê cửu vạn gùi cõng qua các đường mòn trong rừng hai bên cánh gà khu vực Trạm Kiểm soát Cổng B khu Kinh Tế Thương Mại đặc biệt Lao Bảo rồi đưa vào nội địa tiêu thụ.

Trong khi đó tại tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, các đối tượng buôn lậu lợi dụng địa bàn vùng biển của tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng sử dụng xuồng cao tốc vận chuyển thuốc lá điếu ngoại đã tái xuất sang Trung Quốc rồi đưa ngược về khu vực Trà Cổ, xã Bình Ngọc, thành phố Móng Cái sau đó chia nhỏ, sử dụng các loại phương tiện để vận chuyển sâu vào nội địa. Ngoài ra các đối tượng còn lợi dụng chính sách hoàn thuế VAT đối với thuốc lá điếu của Việt Nam xuất khẩu, sau đó tìm cách nhập lậu lại Việt Nam để tiêu thụ. Trong thị trường nội địa, thuốc lá nhập lậu tuy không còn bày bán công khai như trước đây nhưng vẫn được các đối tượng bán lén lút tại các nhà hàng, khách sạn, quán bar, vũ trường ... hoặc các điểm kinh doanh nhỏ, lẻ, các cửa hàng tạp hóa, các quán nước trên vỉa hè hoặc được bán lẻ tại những địa điểm không cố định nằm rải rác tại các tuyến phố, các quận, huyện. Thuốc lá nhập lậu chủ yếu được cất giấu tại địa điểm khác hoặc được cất giấu, tàng trữ tại nhà ở và được vận chuyển dần đến điểm kinh doanh với số lượng nhỏ, bán hết lại đưa đến nên số lượng thuốc lá nhập lậu thu giữ tại các cửa hàng, các điểm kinh doanh không nhiều.

Theo ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, năm 2014 là năm hết sức khó khăn đối với ngành thuốc lá Việt Nam. Do tác động của việc in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh 50%, sản lượng tiêu thụ toàn ngành đã giảm hơn 20%; nhiều sản phẩm, mác thuốc giảm mạnh 30-40%. Chỉ riêng việc in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh đã ảnh hưởng rất lớn tới công ăn việc làm và đời sống của người lao động trong ngành; nộp NSNN cũng giảm trên 10%, tương đương gần 2.000 tỷ đồng.

Trong khi sản lượng sản xuất thuốc lá trong nước giảm do các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, thì tiêu dùng thuốc lá không giảm. Thay vào đó là lượng thuốc lá nhập lậu tăng đột biến cả về số lượng, chủng loại và địa bàn. Số thuốc lá nhập lậu năm 2013 là 21,9 tỷ điếu, chiếm 20,7% thị phần; Năm 2014, theo số liệu khảo sát của các tổ chức có uy tín, thuốc lá lậu đã tăng lên 30 - 40%. Năm 2013, thuốc lá nhập lậu gây thất thu ngân sách Nhà nước ((NSNN) 6.500 tỷ đồng. Năm 2014, NSNN có thể thất thu hơn 8.000 tỷ đồng. Theo Báo cáo của Oxford Economics 2014, Việt Nam đã trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu hàng đầu trong số 14 quốc gia Châu Á được khảo sát (bao gồm: Indonesia, Thailand, Cambodia, Taiwan, Laos, Australia, Philippines, Singapore, Viet Nam, Myanmar, Pakistan, Hong Kong, Malaysia, Brunei).

Cũng theo phân tích của ông Vũ Văn Cường, buôn lậu thuốc lá đang thu siêu lợi nhuận, chỉ sau buôn ma túy. Môi trường pháp lý nghiêm ngặt đối với ngành thuốc lá trong nước đang vô tình gián tiếp tạo điều kiện cho thuốc lá nhập lậu phát triển nhanh chóng; một môi trường cạnh tranh không bình đẳng, khu vực kinh tế ngầm mà cụ thể ở đây là tình trạng buôn lậu, trốn thuế thuốc lá phát triển mạnh. Thuốc lá lậu do trốn thuế (Thuế TTĐB 65%, VAT 10% , thuế NK 135%, ) nên có thể bán rẻ hơn nhiều so với thuốc lá sản xuất trong nước (cùng chủng loại, cùng phân khúc). Thuốc lá lậu trốn thuế, giá rẻ và không phải in cảnh báo sức khỏe, không phải trích Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá nên sẽ được người tiêu dùng sử dụng nhiều hơn chứ không giảm.

Bích Diệp

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *