Tiền và Hàng 09/02/2015 11:30

Buộc doanh nghiệp vận tải phải giảm giá cước bằng cách nào?

Chúng ta có công cụ tốt nhất để quản lý chi phí của DN vận tải có hợp lý, hợp lệ không, đó là cơ quan thuế…

Câu chuyện giá cước vận tải năm nào cũng được nhắc đến, đặc biệt là vào các dịp lễ Tết. Năm nay, câu chuyện này càng trở nên nóng hơn khi giá xăng dầu giảm mạnh nhưng nhiều DN không chịu giảm cước, thậm chí còn tăng phụ thu, bất chấp sự thanh tra, kiểm tra của các đoàn công tác.

 

Trao đổi với VOV.VN, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, sở dĩ, giá cước vận tải trong tình trạng như hiện nay là do cách quản lý của chúng ta “có vấn đề”. Những lời kêu gọi tẩy chay không đi các hãng xe không giảm giá cước thể hiện sự bất lực trong công tác quản lý.

 

TS Vũ Đình Ánh
 

PV: Theo ông, chúng ta phải có cách quản lý giá cước vận tải như thế nào để tránh tình trạng năm nào câu chuyện này cũng “nóng”?

 

TS Vũ Đình Ánh: Trước hết, chúng ta không thể gom tất cả các loại hình vận tải vào một được mà phải phân chia thành 3 phân khúc: thị trường vận tải công cộng (taxi ở các thành phố lớn); loại liên quan đến vận tải hành khách theo tuyến (liên tỉnh); vận tải hàng hóa. Các thị trường này có đặc điểm khác nhau, không thể gom chung thành một được.

 

Đặc điểm của từng loại thị trường này như thế nào? Ví dụ, tại Hà Nội hiện nay có khoảng 100 hãng taxi, đây là thị trường khá cạnh tranh. Các nhà quản lý phải có cách kiểm soát giá, ứng xử với việc tại sao không giảm giá theo cách riêng.

 

Thị trường vận tải theo tuyến: thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh loại hình này nhưng theo tuyến là không thể cạnh tranh được. Nếu DN không giảm giá thì không làm gì được. Chưa kể loại vận chuyển liên tỉnh này ngoài qui định của pháp luật thì còn có các qui định khác nữa rất phức tạp… Cho nên, các DN này không phải cứ cạnh tranh bằng giá là thắng.

 

Vận tải hàng hóa có đặc điểm là phải theo hàng hóa, phải đảm bảo thời gian giao hàng, chất lượng hàng hóa trong quá trình vận chuyển… chưa kể còn quá tải nữa nên cần có giá khác.

 

Vì thế, mỗi phân khúc thị trường đó phải có đánh giá xem thị trường đó có cạnh tranh hoàn hảo không, có tính độc quyền không (kể cả công khai và độc quyền ngầm) và đến câu chuyện cấp phép và vận tải trên đường. Tính chất của vận tải khác ở chỗ là nó chạy trên đường nên DN không thể trốn chạy được, vấn đề là chúng ta “nắm” các DN này ra sao.

 

PV: Nghĩa là sự phát triển, tính chất của các thị trường vận tải này là không đồng đều. Vậy cách ứng xử với mỗi loại thị trường này nên thế nào, thưa ông?

 

TS Vũ Đình Ánh: Đúng như thế. Nếu đã là thị trường cạnh tranh hoàn hảo thì cạnh tranh bằng cái gì? Ví dụ, taxi có cạnh tranh nhau bằng chất lượng không? Phải khẳng định là các hãng taxi không cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ. Xe 4 chỗ nhãn hiệu Kia hay Vios là như nhau, mà chỉ xác định là 4 chỗ hay 7 chỗ. Thị trường Hà Nội cơ bản là xe 4 chỗ, còn TP HCM thì chủ yếu là 7 chỗ. Căn cứ vào các đặc điểm này để có cách tính cước, giảm giá cước.

 

Vận tải hành khách thì đi theo tuyến dài hay ngắn, xuyên Việt thì khác liên tỉnh. Hay cách quản lý của mỗi tỉnh cũng lại khác nhau.

 

Vận tải hàng hóa cũng rất phức tạp.

 

Bây giờ xác định, nếu đã có thị trường cạnh tranh hoàn hảo thì cạnh tranh bằng cái gì? Nếu là độc quyền (độc quyền tự nhiên hay cấp phép) thì nó cạnh tranh bằng gì, nếu độc quyền ngầm thì cạnh tranh bằng gì?

 

Bước tiếp theo xác định là giá nằm ở đâu? Nếu có thị trường thì giảm giá là công cụ để cạnh tranh, không cần ép DN cũng giảm. Vấn đề là bây giờ tại sao các DN lại không giảm? Vì vấn đề công khai, minh bạch về giá chưa tốt. Công khai minh bạch phải ở đâu? Tôi ví dụ, phải nhìn sức ép giảm giá là từ người sử dụng dịch vụ vận tải chứ đừng “mơ” là giảm giá từ người cung cấp dịch vụ vận tải khi thị trường đó chưa có cạnh tranh hoàn hảo.

 

Thế nhưng ở đây người sử dụng vận tải làm thế nào để gây sức ép là không có. Vừa rồi, Bộ trưởng Đinh La Thăng công bố là tẩy chay DN nào không giảm giá hay nêu tên DN trên các phương tiện truyền thông. Thế nhưng, bêu tên hay tẩy chay thì ở Việt Nam có tác dụng gì không? Ví dụ, tôi vẫy taxi, chả lẽ lại hỏi giá bao nhiêu? Xong lại từ chối không đi vì giá đắt quá, vẫy xe khác.

 

Nhà quản lý phải đứng từ góc độ của người tiêu dùng để hình dung ra làm biện pháp nào để người tiêu dùng có lựa chọn và trong đó có vấn đề về giá.

 

Đối với vận tải hành khách cũng như thế. Tuyến vận tải hành khách có thể là điểm đầu điểm cuối nhưng cũng có thể đi giữa đường. Vậy phương án nào để lựa chọn? Giả định khách ra bến, thì tính thế nào? Ví dụ đi tuyến Hà Nội – Quảng Bình giá bao nhiêu. Nhưng nếu là tuyến Hà Nội – Sài Gòn nhưng xuống Quảng Bình thì giá bao nhiêu… tất cả những giá cả đó phải công khai, minh bạch để các DN thấy rằng, để hút được khách, để khách không chạy sang các hãng khác thì phải cạnh tranh bằng giá, ngoài chất lượng dịch vụ như giường nằm, wifi… Nghĩa là, muốn làm gì thì làm nhưng phải đưa giá và vấn đề cạnh tranh của giá từ góc độ của người sử dụng dịch vụ vận tải. Như bây giờ, DN niêm yết như vậy nhưng không tuân thủ thì cũng chả ai làm gì được.

 

Vận tải hàng hóa cũng gần tương tự như vậy. Hành khách thì có thể chọn hãng này hãng kia nhưng vận tải hàng hóa bao giờ cũng phải có hợp đồng chặt chẽ để đảm bảo an toàn hàng hóa, không thất thoát. Làm thế nào để người cần vận tải hàng hóa thì lựa chọn kiểu gì? Thông thường là theo thói quen, sự tin tưởng lẫn nhau. Theo đó, cách ứng xử với thị trường này cũng khác.

 

PV: Hiện tại, mỗi ngành chức năng quản lý một đầu việc liên quan đến vận tải. Vậy theo ông, giao cho đơn vị nào nắm vấn đề giá cước vận tải?

 

TS Vũ Đình Ánh: Các vấn đề nóng nhất mà dư luận đang quan tâm đều nằm ở Tổng cục Đường bộ. Về mặt nguyên tắc, đơn vị này cấp phép cho thị trường vận tải, chưa kể câu chuyện nếu ở địa phương thì là Sở Giao thông. Thế nhưng, ngành GTVT chỉ quản lý cấp phép và thị trường vận tải, còn giá cước vận tải thì lại do Sở Tài chính quản lý. Về mặt kiểm soát thì Bộ Tài chính có công cụ tốt nhất để quản lý chi phí xem có hợp lý không, đó là cơ quan thuế.

 

Vì thuế mới là đơn vị xác định cái nào là chi phí hợp lý hợp lệ để xác định thuế thu nhập doanh nghiệp. Không cần phải lập đoàn đi kiểm tra làm gì cả. Giá cả thì ai chả biết là như vậy rồi, chỉ có điều là thiếu hệ thống ở chỗ anh có thể đến kiểm soát DN đó. Cái cần là để so sánh chứ không cần biết chi phí đó đúng hay sai. Toàn bộ thông tin về chi phí, kể cả kết cấu xăng dầu như thế nào thì cơ quan thuế nắm được chứ không phải Cục quản lý giá hay Bộ GTVT.

 

PV: Một số ý kiến cho rằng, nên áp giá trần đối với giá cước vận tải, quan điểm của ông về vấn đề này?

 

TS Vũ Đình Ánh: Tôi thấy không được vì căn cứ đâu mà áp giá trần. Chúng ta cần thay đỏi tư duy quản lý giá vận tải và xăng dầu là chỉ quản lý tăng giá còn không quản lý giá giảm, trong khi đã là giá cả thì phải có lúc tăng, lúc giảm.

PV: Xin cảm ơn ông!/.

Theo Vũ Hạnh
VOV.VN
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *