Tiền và Hàng 10/04/2014 13:16

Quản lý nhà nước vẫn phải rượt theo giá

Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2 nóng chuyện bất trị của giá sữa, Thủ tướng giao các cơ quan liên quan thanh tra kiểm tra. Bộ Tài chính tích cực vào cuộc, nhưng phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3, kết quả thanh tra kiểm tra thế nào vẫn chưa có để báo cáo...

Thủ tướng nói diễn biến giá sữa là “có chuyện”, sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân phản ánh tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2: “Nguy cơ các doanh nghiệp cùng thỏa thuận tăng giá rất lớn, khi đồng loạt tăng giá cùng ngày, cùng mức. Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu giải trình nhưng họ vẫn lên giá cùng lúc”.

Ông Nhân đề nghị Bộ Công Thương, Cục Quản lý cạnh tranh cùng với các bộ ngành liên quan có yêu cầu bám sát việc giải trình tăng giá của những doanh nghiệp chủ lực khi tăng giá cùng một ngày. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Tài chính kiểm tra ngay, nếu vi phạm kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật, để đảm bảo cho thị trường giá cả phải minh bạch.

Tại cuộc họp báo diễn ra sau đó, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: “Đến giờ phút này chưa thể trả lời việc tăng giá sữa là hợp lý hay không”. Và sau một tháng, dư luận vẫn không biết các cơ quan chức năng có truy được sai phạm của việc tăng giá này hay không.

Chỉ biết là “có chuyện”...


Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan quản lý giá gần như rơi vào trạng thái bất lực trong quản lý.

Như với giá sữa, cuối năm 2013, Bộ Tài chính đã yêu cầu các Sở Tài chính tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm việc quản lý giá theo đúng quy định. Tuy nhiên, từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2014 giá sữa bột dành cho trẻ em vẫn tiếp tục tăng theo cách mà Thủ tướng cũng phải nói như người dân là “có chuyện”, nhưng rút cục, đến thời điểm này thì các cơ quan chức năng đã tìm hiểu mãi, mà vẫn không làm rõ ra được là chuyện gì...

Với quản lý giá điện, giá xăng, cũng là câu chuyện gây điều tiếng không kém, thậm chí có phần còn nhiều điều tiếng hơn giá sữa, mặc dù quản lý các loại giá này xem ra đơn giản hơn nhiều so với quản lý giá sữa.

Bị nhắc vì “món nợ” bao giờ có nghị định mới về kinh doanh xăng dầu để việc quản lý loại giá này được minh bạch trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 1/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng có hứa ngay trong tuần đó sẽ ban hành được nghị định này. Dù vậy, một tuần đã trôi qua và vẫn không thấy nghị định ra mắt.

Trả lời chất vấn trong phiên họp đó, ông Hoàng có trần tình việc sửa Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu chậm vì ban đầu, Chính phủ chỉ định sửa một vài điểm không còn phù hợp liên quan đến việc hình thành quỹ bình ổn giá xăng, công khai minh bạch giá xăng dầu... Tuy nhiên, quá trình xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung, các địa phương, doanh nghiệp, bộ ngành cùng góp ý cho rằng những vấn đề dự kiến đưa ra không đáp ứng yêu cầu đề ra.

Do đó, sau khi trình Chính phủ cho ý kiến lần đầu vào tháng 6/2013, dự thảo này phải dừng, xây dựng lại. Đến tháng 11 vừa qua, Bộ Công Thương đã trình lại Chính phủ. Đến nay, 26 thành viên Chính phủ đã có ý kiến lần cuối đối với dự thảo này, cơ bản các ý kiến đồng ý chỉ còn 2 ý kiến phân vân về việc tổ chức quỹ bình ổn và thời gian điều chỉnh giá. Bộ Công Thương đang trả lời những ý kiến này.

“Nhận thức rằng đây là vấn đề hết sức bức xúc, cần sớm ban hành nghị định thay thế, chúng tôi đã rất nỗ lực nhưng việc ban hành, phê duyệt còn phụ thuộc nhiều khâu”, Bộ trưởng Công Thương giãi bày.

Khó đồng thuận để cùng đến đích

Như vậy, không khó để hình dung sự vất vả của các cơ quan chức năng trong cuộc rượt đuổi theo quản lý giá, và cứ với tình trạng thế này thì không biết đến bao giờ lộ trình dứt khoát thực hiện giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Chính phủ đang nỗ lực thực hiện, mới có thể khiến người dân đồng thuận để cùng Chính phủ đến đích.

Điều chỉnh giá xăng hồi trung tuần tháng 3 vừa qua là một ví dụ. Nhiều chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định rằng vấn đề giá cả của xăng dầu hiện nay quá rối. Vào những lúc giá thế giới đang giảm mà giá trong nước lại tăng nhưng không được làm rõ nguyên nhân. Nếu đúng là loại giá này vận hành theo quy luật thị trường, thì dân được nhờ, chứ không phải chỉ mang danh thị trường như hiện nay, để lập lờ không minh bạch trong mỗi lần điều chỉnh giá.

Hay như với giá điện. Cả năm 2013, giá điện chỉ tăng một lần, nhưng lần tăng đó, cũng gây nên không ít thắc mắc từ dư luận khi vừa hôm trước Chính phủ yêu cầu phải có kế hoạch giải thích, lấy ý kiến phản hồi của cộng đồng trước khi tăng giá điện thì ngay tối hôm sau, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thông báo giá điện tăng 5%, khiến người dân có tâm trạng như vừa bị “đánh úp”.

Không hiểu tâm trạng này có còn tiếp tục đeo đuổi, khi mới đây, theo Thông tư vừa ban hành của Bộ Công Thương, quyền tự quyết tăng giá điện của EVN được nới từ biên độ 5% lên 7%.

Theo Lê Châu

VnEconomy

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *