Tiền và Hàng 20/02/2014 20:50

Bộ Ngoại giao: Quy định mới của Mỹ ảnh hưởng tiêu cực tới thủy sản Việt Nam

FICA - Bộ Ngoại giao lo ngại những quy định mới trong Luật Nông nghiệp 2014 của Mỹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản của Việt Nam, cũng như người tiêu dùng Mỹ.

Mới đây, Mỹ đã thông qua Luật Nông nghiệp 2014, trong đó có nội dung về chương trình giám sát cá da trơn và quy định sản xuất đến việc đóng gói và xuất khẩu ngang đồng với mặt hàng sản xuất tại Mỹ.

Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều ngày 20/2, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc này, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, ông Lê Hải Bình khẳng định, Bộ Ngoại giao lo ngại những quy định mới trong Luật Nông nghiệp 2014 của Mỹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến ngành nuôi trồng, chế biến thủy sản của Việt Nam, cũng như người tiêu dùng Mỹ.

Ông Lê Hải Bình cũng cho rằng các biện pháp trong Chương trình giám sát cá da trơn nêu trong Luật Nông nghiệp 2014 cần tuân thủ các cam kết quốc tế của Mỹ, không tạo ra các rào cản thương mại.

"Trong những năm qua, Việt Nam luôn kiểm soát chặt chẽ ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản, áp dụng rộng rãi các tiêu chuẩn cao nhất của quốc tế (trong đó có quy chuẩn BAP – Tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt nhất của Mỹ), đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái. Sản phẩm cá da trơn của Việt Nam được đông đảo người tiêu dùng trên thế giới đón nhận", ông Bình nói.

Trước đó, trả lời phỏng vấn liên quan đến việc này, ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi, chế biến thủy sản An Giang cho biết: “Luật nông trại của Mỹ được thông qua sẽ tác động bất lợi rất lớn đến nghề nuôi, chế biến cá tra Việt Nam. Nếu áp dụng theo tiêu chí của luật này thì làm cho sản xuất cá tra Việt Nam tốn nhiều chi phí, đội giá thành lên; có thể họ khống chế sản lượng xuất khẩu của Việt Nam để ngành sản xuất cá nheo của Mỹ hồi sinh. Họ chủ yếu dùng rào cản kỹ thuật để ngăn con cá tra Việt Nam vào Mỹ”.

Theo ông Bình, muốn thay đổi các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất một thời gian dài nên gây khó khăn rất lớn vì xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm tới 17% tổng lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Khi đó nếu các doanh nghiệp bỏ thị trường Mỹ để quay sang các thị trường khác có thể sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Vấn đề hiện nay theo ông Bình các doanh nghiệp cần “chung vai đấu cật” vì lợi ích chung, vì sự phát triển của con cá tra Việt Nam để vượt qua khó khăn.

Nhiều ý kiến khác thì cho rằng, từ trước đến nay ngành nuôi trồng, chế biến cá tra Việt Nam đã đạt các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế như: HACCP, AQF, Global GAP, ASC... nên việc thay đổi theo tiêu chuẩn, quy trình phía Mỹ sẽ tốn nhiều thời gian nhưng không ngăn được cá tra Việt Nam vào thị trường Mỹ.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *