Tiền và Hàng 23/02/2014 14:28

Bất thường việc thương lái Trung Quốc thu mua lá khoai lang số lượng lớn

Thời gian gần đây, ở Bình Tân, Vĩnh Long - vùng trồng khoai lang lớn nhất ĐBSCL có khá nhiều thương lái nước ngoài, cụ thể là thương lái Trung Quốc đặt vấn đề thu mua đọt non và lá khoai lang với số lượng lớn, giá cao nhưng lại không có hợp đồng theo quy định.

 

Việc thương lái Trung Quốc đặt vấn đề thu mua nông sản đã diễn ra từ trước Tết Nguyên đán. Gần đây nhất là vào giữa tháng 2. Theo đó, nhóm thương lái đã đề nghị mua đọt và lá khoai lang non với giá 10.000 đồng mỗi kg. Số lượng thu mua không giới hạn có thể lên đến 20.000 tấn và mỗi ngày mua khoảng 1 - 2 tấn.

Nơi tiếp nhận đề nghị trên là hợp tác xã rau an toàn Thành Lợi của huyện Bình Tân. Tuy nhóm thương lái đề nghị đặt cọc 20 triệu đồng và hứa sẽ chi hoa hồng 1.000 đồng mỗi kg lá thu mua cho hợp tác xã, nhưng bà con ở đây không đồng ý.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, việc bà con nông dân nghi vấn và từ chối đề nghị của nhóm thương lái là hợp lý. Bởi tất cả những hứa hẹn thu mua, chi trả chỉ là giao dịch miệng. Đặc biệt, nhóm thu thương lái nói trên cũng không có địa chỉ liên lạc rõ ràng.

Trên thực tế, phương thức và thủ đoạn thu mua nói trên của thương lái Trung Quốc là không mới và đã từng xảy ra với hạt gạo, trái dừa và cả củ khoai. Ban đầu, giá cả được đẩy lên cao, thị trường tiêu thụ luôn rộng mở. Khi nông dân ồ ạt mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thì các thương lái thay đổi phương thức thu mua, ép giá, thậm chí là đột ngột biến mất. Vì thế, nhiều nông dân khẳng định: Việc mua bán nông sản bây giờ không thể chỉ hứa suông, nói miệng.

Là vùng chuyên canh khoai lang lớn nhất ĐBSCL, Vĩnh Long hiện có khoảng 5.000 ha trồng loại màu này, tập trung chủ yếu ở huyện Bình Tân. Sản phẩm khoai lang ở đây chủ yếu là xuất sang thị trường Trung Quốc, có nghĩa là đầu ra hoàn toàn bị phụ thuộc. Do vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, sự cảnh giác ở câu chuyện mua bán lá khoai lang là cần thiết và sự cảnh giác này cũng rất cần cho nhiều loại nông sản khác của Đồng bằng sông Cửu Long. Bởi một khi xảy ra “sự cố” trong các giao dịch không qua hợp đồng thì thiệt hại về kinh tế đối với bà con nông dân là rất lớn. Kèm theo đó là hậu quả nặng nề do quy hoạch sản xuất nông nghiệp bị phá vỡ.

Theo VTV

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *