Tiền và Hàng 02/04/2015 18:07

“Tháng 5 thích hợp điều chỉnh giá hàng hóa cơ bản!”

FICA - UBGSTCQG ước tính mức tăng giá điện bình quân 7,5% (ngày 16/3) có ảnh hưởng làm lạm phát cả năm 2015 tăng thêm khoảng 0,5 điểm %. Với mức lạm phát cơ bản dự báo trên, giá hàng hóa cơ bản vẫn còn dư địa điều chỉnh.

Tại báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 3 và quý I vừa mới phát hành, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) đánh giá, thời điểm hiện tại, doanh nghiệp còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cụ thể, con số thống kê cho thấy, số doanh nghiệp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động trong quý 1/2015 tăng 14,2% so với cùng kì, trong đó 94,2% là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ.

Trong khi đó, giá điện điều chỉnh tăng cũng làm tăng chi phí đầu vào của các ngành sản xuất, nhất là các ngành ngành sản xuất vật liệu xây dựng (sắt thép, xi măng). Trong điều kiện thị trường bất động sản phục hồi chậm, khó có khả năng điều chỉnh giá đầu ra tăng, việc điều chỉnh giá điện sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp này.

Ba tháng đầu năm, lạm phát tiếp tục duy trì ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2015 mặc dù tăng 0,15% so với tháng trước nhưng chỉ tăng 0,93% so với cùng kỳ năm trước (mức tăng tương ứng của cùng kỳ năm 2014 là 4,39%). Lạm phát cơ bản mặc dù tăng nhẹ lên mức 2,48% trong tháng 3/2015 (so với mức 2,31% của tháng trước) nhưng vẫn duy trì ở mức dưới 3% từ tháng 11/2014.

Dựa trên phân tích tổng cầu, UBGSTCQG dự báo lạm phát cơ bản năm 2015 khoảng 3,5%. Với dự báo trên, trong điều kiện giá lương thực và năng lượng thế giới được dự báo giảm trong năm 2015, khả năng đạt mục tiêu 5% về lạm phát tổng thể sẽ phụ thuộc chủ yếu vào mức độ điều chỉnh giá điện.

UBGSTCQG ước tính mức tăng giá điện bình quân 7,5% (ngày 16/3) có ảnh hưởng làm lạm phát cả năm 2015 tăng thêm khoảng 0,5 điểm %. Với mức lạm phát cơ bản dự báo trên, giá hàng hóa cơ bản vẫn còn dư địa điều chỉnh. Phân tích tính mùa vụ của CPI, UBGSTCQG nhận định tháng 5 là thời điểm thích hợp cho việc điều chỉnh này.

Lạm phát thấp tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, lãi suất có thể sẽ chịu áp lực từ gia tăng phát hành TPCP, nhất là khi trong năm 2015 việc phát hành TPCP sẽ chỉ thực hiện đối với kì hạn từ 5 năm trở lên. Theo kế hoạch năm 2015 sẽ phát hành 232 nghìn tỷ đồng TPCP, tăng 7,7% so với năm 2014. Trên thực tế, lợi suất TPCP đã có dấu hiệu tăng lên trong tháng 3/2015. Ngoài ra, trong điều kiện USD lên giá so với các đồng tiền và xuất khẩu tăng chậm, lãi suất có thể phải duy trì để ổn định tâm lí thị trường

Tại phần kiến nghị, UBGSTCQG cho rằng, trong điều kiện lạm phát đang được kiểm soát tốt, giá hàng hóa thế giới có xu hướng giảm, trong năm 2015 việc điều hành giá các mặt hàng cơ bản cũng như lãi suất và tỷ giá cần được xem xét trong dư địa cho phép của lạm phát.

Bích Diệp

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *