Tiền và Hàng 20/11/2013 21:21

"Tăng cước 3G cũng là tăng đóng góp cho Nhà nước"

FICA - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, việc tăng giá cước 3G gần đây là phù hợp với lộ trình và các điều khoản pháp luật, phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam.

Tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 20/11, về cước 3G, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son thừa nhận, gần đây việc điều chỉnh cước 3G tạo nên sức nóng, được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, thực tế, trong một thời gian dài thị trường viễn thông Việt Nam đã duy trì ổn định và giá 3G tương đối thấp, giá cước hầu như không tăng mà theo thống kê hằng năm, thậm chí còn giảm.
 
Việc tăng giá cước 3G gần đây là phù hợp với lộ trình và các điều khoản pháp luật với quy định hiện hành như điều 43 của Luật Viễn thông, điều 38 của Nghị định 25 hướng dẫn luật này và đồng thời cũng là phù hợp với điều 5 của Luật Giá, điều 13, điều 19, điều 20 của Luật Cạnh tranh cũng như những cam kết quốc tế của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, lúc mới ra đời, các nhà mạng giảm giá cước 3G để thu hút chủ thuê bao, sau đó tăng giá dần lên. Nhưng từ khi ra đời từ năm 2009 đến nay, chưa hề tăng giá. Vừa qua Chính phủ có ký quy định số 32, quy hoạch lại thị trường viễn thông đến năm 2020, yêu cầu từng bước nâng giá viễn thông để bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh. Và trong luật cạnh tranh, các nhà chiếm lĩnh thị trường không được bán dưới giá thành. Vì vậy đây là đợt điều chỉnh theo đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian vừa qua, giá của Việt Nan cũng thấp hơn giá thế giới nhiều lần. Cụ thể, giá viễn thông của chúng ta thấp hơn khối ASEAN 34,9 lần, với châu Á-Thái Bình Dương là 34 - 57 %. Đợt nâng giá vừa qua cũng chưa tới giá thành. Chúng ta cũng chỉ nâng gói cước 3G data, còn cước 3G thoại vẫn giữ nguyên, chưa tăng. Trong gói cước thì có gói tăng, gói giảm.

"Chúng ta không thể bán dưới giá thành và tăng giá cước 3G là việc làm bình thường trong cơ chế thị trường, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh. Hơn nữa, các nhà mạng lớn đều là doanh nghiệp Nhà nước, có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. Việc tăng cước cũng là tăng đóng góp cho Nhà nước. Cụ thể năm vừa qua, VNPT đóng góp 7.300 tỷ, Viettel 11.300 tỷ cho đất nước", Bộ trưởng nói.

Mặt khác, thiết bị hạ tầng viễn thông nước ta chủ yếu nhập từ nước ngoài, nhà mạng phải thanh toán dịch vụ Internet cho quốc tế, nhà mạng không thể thanh toán cao thu thấp được. Bên cạnh đó, tăng giá cước 3G chủ yếu tác động đến đối tượng thu nhập cao, sử dụng smartphone.

Trả lời tiếp câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Thanh Hải về việc tăng giá cước 3G có phải chỉ để bù đắp cho các chi phí dịch vụ tin nhắn OTT hay không, vì tăng giá cước nhưng chất lượng không thay đổi?  Bộ trưởng Son cho biết, việc tăng giá cước không chỉ bù đắp cho đầu tư hạ tầng mạng mà còn nâng chất lượng 3G. Thực tế cũng có 1 phần bù đắp cho OTT nhưng không phải hoàn toàn vì lý do này mà tăng cước.

Trở lại với việc tăng giá 3G, Bộ trưởng Son khẳng định, đây không chỉ để thu lợi nhuận cho đầu tư vào mạng, mà còn tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh cho thị trường viễn thông Việt Nam.

"Chất lượng 3G hiện chưa cao, chúng ta đã đầu tư khoảng 2 tỷ USD nhưng chất lượng vẫn chưa được như ý. Hiện không có tiền đầu tư nâng cấp tiếp, mà người dùng càng tăng lên trong khi thiết bị cho 3G đắt hơn rất nhiều 2G. Do đó, việc nâng giá cước sẽ tạo điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dùng", Bộ trưởng giải thích.

Về phát triển 4G, Bộ trưởng Son cho biết, công nghệ 4G hiện nay mới ra đời và đây gọi là “tiền 4G” chứ chưa phải là hoàn toàn 4G theo đánh giá về công nghệ của tổ chức liên minh viễn thông thế giới vừa qua. Và theo lộ trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2015 sẽ ứng dụng 4G vào Việt Nam, nhưng phải căn cứ vào trong tình hình cụ thể.

Cao Minh

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *