Tiền và Hàng 24/04/2015 07:45

'Khóc' vì hóa đơn điện: Cuối cùng là túi tiền người dân!

Việc tăng giá điện sẽ kéo theo một loạt mặt hàng tăng giá. Rõ ràng như vậy cuối cùng sẽ đánh vào túi tiền của người dân.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương đã phân tích hệ lụy từ việc tăng giá điện và tỏ ra không đồng tình với quan điểm tăng giá không ảnh hưởng nhiều tới người dân.

 

PV: Tháng đầu tiên áp dụng giá điện mới, dư luận phản ứng vì tiền điện tăng cao, họ phải tiết kiệm chi tiêu. Trong khi đó, giải thích về vấn đề này, đại diện EVN Hà Nội cho rằng, do tháng vừa rồi nắng nóng cục bộ nên hóa đơn tiền điện mới tăng vọt như vậy. Ông có đồng tình với lý giải này không? Nếu như vậy thì trấn an giá điện tăng không ảnh hưởng nhiều tới người dân phải được nhìn nhận lại như thế nào?

 

TS Lê Đăng Doanh: -  Tôi nghĩ là giải thích này chưa được chính xác vì nắng nóng mới diễn ra khoảng 10 ngày trong tháng 3 chứ chưa nhiều. Nắng nóng đó người dân cũng chỉ mới dùng quạt chứ chưa phải dùng đến điều hòa.

 

Rõ ràng việc tăng giá điện 7,5% là quá cao và tính giá lũy tiến, tức là càng dùng nhiều càng phải trả nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp thép, xi măng. Các doanh nghiệp phải bảo quản hải sản đông lạnh hay các nhà hàng khách sạn phải trả tiền cao vọt hẳn lên và dự kiến là họ sẽ nâng giá trong thời gian tới.

 

Rõ ràng như vậy cuối cùng sẽ đánh vào túi tiền của người dân. Nên việc nói 7,5% chưa cao và không ảnh hưởng nhiếu đến người tiêu dùng thì không biết tính trên cơ sở như thế nào.

 

Hãy cứ tính số tiền mà người phải trả tăng lên nó đã tăng lên rất cao, ít nhất 30%và có những gia đình phải tăng lên 80-100%. Như vậy một khoản tăng thu rất đột ngột đối với người dân mà tôi nghĩ rằng chúng ra phải nhìn vào sự thật và không nên có lời giải thích loanh quanh.

 

Tới đây khi mùa hè đến thì giá điện sẽ còn tăng lên rất nhiều.

 

Sự minh bạch của ngành điện là yếu tố cần để người dân thông cảm
Sự minh bạch của ngành điện là yếu tố cần để người dân thông cảm

 

PV: Đã có ý kiến của ngành điện cũng như giải thích của Bộ Công thương cho rằng nếu không tăng giá thì EVN sẽ phá sản. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trong cơ cấu điện của Việt Nam, thủy điện - vốn là loại rẻ nhất vẫn chiếm tỷ trọng vượt trội. Vậy xét trên bình diện chung thì sự than phiền của người dân về chuyện giá tăng đúng ở mức độ nào?

 

TS Lê Đăng Doanh: - EVN là đơn vị độc quyền và cho đến nay, việc giám sát độc quyền ở Việt Nam gần như không có. Do đó ai có thể là người đưa ra lý do hợp lý về việc phá sản này?.

 

Thực tế Cục Quản lý cạnh tranh nằm trong Bộ Công thương, trong khi đó Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN vừa được điều về làm Thứ trưởng Bộ này. Liệu Cục Quản lý cạnh tranh có thể giám sát được ông thứ trưởng, đặc biệt, công cụ pháp lý trong Luật cạnh tranh về kiểm soát độc quyền của Việt Nam hiện còn rất sơ sài?

 

Còn việc so sánh giá điện giữa Việt Nam với các nước khác như Singapore thì có thể thấy không tương thích.

 

Lý do là Việt Nam có tỉ lệ thủy điện rất cao. Trong khi đó thủy điện đã đầu tư từ lâu và được khấu hao rồi và tỉ lệ thủy điện ở Việt Nam cao (chiếm khoảng 36%), trong khi đó Singapore không có thủy điện.

 

Như vậy ở đây có nhiều vấn đề cần làm rõ và việc người dân phàn nàn cũng có thể thông cảm được và hoàn toàn có cơ sở.

 

PV: Đã có những giải thích cho rằng EVN còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị nhưng sự thiếu minh bạch của EVN luôn khiến người dân nghi ngại. Theo ông, EVN cần phải làm thế nào để lấy lại niềm tin của những “thượng đế” của họ?

 

TS Lê Đăng Doanh: - Tôi không hiểu được nhiệm vụ chính trị đó như thế nào nhưng có thể thấy rõ hiệu quả hoạt động của EVN cho đến nay vẫn bị đánh giá là kém.

 

Trước đó, thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm của EVN, trong đó có việc EVN đưa cả các chi phí bên ngoài hoạt động điện để tính vào giá điện. Vậy giá điện được tính như vậy khó có thể đem lại lợi ích cho người tiêu dùng.

 

Tôi đã nhiều lần nói về việc phải minh bạch giá điện. Cần phải xem xét lại lộ trình và các mức nâng giá để phù hợp với thay đổi của đầu vào. Ngoài ra, việc tăng giá này cần có sự giám sát độc lập và Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam có thể làm công việc này.

 

Tôi cho rằng để có được niềm tin từ phía người tiêu dùng, không còn cách nào khác là EVN phải minh bạch. Họ nên nói rõ đã giảm chi phí hao hụt đường dây thế nào, đã làm những gì để giảm giá thành...

 

Thực tế thời gian qua những công bố chưa thuyết phục, người dân không yên tâm khi Chính phủ yêu cầu EVN phải nâng cao năng suất lao động, tinh giản bộ máy, giảm thất thu, nhưng kết quả thế nào không ai biết. Như vậy thì khó để nói người dân thông cảm với ngành điện.

Xin trân trọng cảm ông!

 

Theo Bích Ngọc (thực hiện)

Đất Việt

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *