Tiền và Hàng 18/03/2015 07:09

'Góc khuất' ngành mía đường:Người trong ngành vạch áo...

Ngành mía đường có nhiều sai phạm từ đầu chưa được giải quyết rõ cùng với sự bảo hộ đang khiến ngành ngày càng chậm phát triển.

Ông Đỗ Ngọc Giang, từng công tác tại Văn phòng Tổng công ty mía đường 1 đã theo dõi sát thông tin về những 'phản pháo' của những người đang hoạt động trong ngành mía đường sau khi có bài viết của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng ngành phải học Bầu Đức để thay đổi.

 

Ông Giang ủng hộ quan điểm của ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai  - HAGL (Bầu Đức) rằng những ý kiến của Hiệp hội mía đường VN chỉ mang tính chất bảo vệ quyền lợi của các DN thuộc Hiệp hội.

 

Theo Bầu Đức, bản chất ở đây là họ đang bảo vệ chính mình vì họ là những người buôn bán đường lớn nhất Việt Nam. Khi bàn tới việc nhập khẩu đường thì ảnh hưởng đến nồi cơm của họ và họ lên tiếng là đúng thôi.

 

"Chẳng qua họ lấy bình phong là bảo vệ ngành và nông dân nhưng thực ra họ đang bảo vệ chính nồi cơm của họ. Những người làm trong Hiệp hội mía đường Việt Nam không phải là những quan chức, hay người vô tư giúp nông dân làm mà là những ông chủ buôn đường", ông Đức nói.

 

Người nông dân và cây mía đang phải chịu nhiều sức ép
Người nông dân và cây mía đang phải chịu nhiều sức ép

 

Trước ý kiến này, ông Giang bày tỏ sự đồng tình và chỉ thêm ngành mía đường sai ngay từ đầu. 

 

"Nguyên nhân dẫn đến thất bại như ngày hôm nay cũng như việc giá đường bị đẩy lên cao là do yếu tố chủ quan. Thủ tướng trước đó đã có chỉ đạo phải lựa chọn thiết bị hiện đại, công nghệ hiện đại và phải quy hoạch vùng nguyên liệu đồng bộ thì mới chuẩn bị đến việc xây dựng nhà máy sản xuất đường. Tuy nhiên các doanh nghiệp đã làm trái toàn bộ", ông Giang dẫn thêm.

 

Theo ông Giang từ năm 2000, Viện kiểm soát Nhân dân tối cao đã chỉ ra những sai phạm này. Lý do nào mà 1kg đường bị đẩy giá lên cao như vậy? Phải thẳng thắn nhìn nhận là do máy móc thiết bị lạc hậu và các doanh nghiệp đã làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng trong khi mua sắm thiết bị xây dựng các nhà máy đường nên giá đường bị đẩy lên cao.

 

"Thứ hai là có dấu hiệu tham nhũng, điều này Viện kiểm soát nhân dân cũng đã chỉ ra. Sau đó đến năm 2005 Kiểm toán nhà nước cũng kiểm toán 2-3 nhà máy đường cũng xác định Chương trình mía đường đã thiệt hại gần 3.000 tỉ đồng. Cuối cùng Chính phủ chỉ đạo xử lý nhưng thực hiện cũng không triệt để nên người ta không sợ mà vẫn tiếp tục xây nhà máy đường", ông Giang dẫn chứng.

 

Từ những nhìn nhận đó ông Giang cho rằng, để ngành mía đường thực sự thay đổi, Nhà nước cần xóa hẳn bảo hộ.

 

"Cần xóa toàn bộ bảo hộ cho mía đường. Chính phủ nên kiểm tra lại những sai phạm trước đó xem đã xử lý triệt để chưa, kể cả con người cũng như vật chất. Từ đó mới có thể biết rõ sai ở đâu và cần bổ sung điểm nào.

 

Khi đó tin rằng các nhà máy hoạt động sẽ khắc hiệu quả. Hoạt động kinh doanh của ngành mía đường cũng sẽ đi lên và chắc chắn người nông dân sẽ hững thú trồng mía", ông Giang nói.

 

Còn nếu tiếp tục bảo hộ, còn được sống trong bao cấp, xin cho thì điều mà ông Giang lo ngại đó chính là doanh nghiệp sẽ có điều kiện ép nông dân và họ sẽ bị thiệt thòi.

 

Theo đó, cơ chế doanh nghiệp ép nông dân được ông Giang chỉ ra một điểm nhỏ để thấy vấn đề.

 

Đó là khi người nông dân trồng mía, cây mía thu hoạch rất tốt nhưng đưa vào nhà máy kiểm tra, trữ lượng đường bị nhà máy đánh thấp xuống. Dựa vào số liệu đánh giá trữ lượng đó, các nhà máy đã ép giá nông dân.

 

"Họ cũng tìm cách ép người nông dân bán mía rẻ ngay tại ruộng cho họ. Điều này dẫn đến việc người nông dân chán không muốn trồng mía nữa.

 

Đây là cách làm rất tiêu cực tại các doanh nghiệp và có cả sự buông lỏng trong điều hành của cấp Bộ khiến người nông dân đang chịu thiệt đủ đường. Kể cả về phân bón, giống lúa... tranh mua, tranh bán cũng vẫn xảy ra", ông Giang nói.

 

Nhấn mạnh thêm quan điểm của mình, ông Giang một lần nữa cho rằng nếu Nhà nước tiếp tục duy trì bảo hộ chỉ khiến cho ngành thêm trì trệ và không bao giờ phát triển được. 

 

'Phép thử" nhập đường của HAGL đang khiến ngành đường bộc lộ hết mọi điểm yếu.

 

"Hãy để cho các doanh nghiệp cạnh tranh sòng phẳng, tháo dần bảo hộ. Khi đó buộc họ phải tìm cách thay đổi và đứng vững. Khi đó người trồng mía mới thực sự được nhờ từ cây mía", ông Giang kết luận.

 

Theo Bích Ngọc
Đất Việt
Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *