Tiền và Hàng 13/12/2013 11:45

"Giá điện tăng một chút là cả xã hội lại nhao nhao lên"?!

FICA - Theo Phó Ban Kinh tế Trung ương, thị trường điện của Việt Nam đã được bao cấp quá dài khiến xã hội có tâm lý quen dùng điện giá rẻ, không theo cơ chế thị trường.

Ông BÙI VĂN THẠCH - Phó trưởng ban Ban kinh tế Trung ương

Tại buổi Hội thảo khoa học “Vốn đầu tư cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách” được Hiệp hội năng lượng Việt Nam tổ chức sáng nay (13/12/2013), trước ý kiến cho rằng vốn cho ngành điện đang thiếu trầm trọng, ông  Bùi Văn Thạch, Phó trưởng ban - Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, thực tế vốn thì không thiếu mà chỉ thiếu cơ chế tạo vốn cho ngành điện.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, dự kiến đến năm 2020 nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện rất lớn khoảng 929.700 tỷ đồng, tương đương 48,8 tỷ USD, tính bình quân mỗi năm ngành điện cần khoảng 4,9 tỷ USD.


Theo ông Thạch, hiện nay các doanh nghiệp đang bán giá điện đang thấp hơn so với giá thành khoảng 10%. Với mức giá bán bình quân hiện chỉ khoảng 7 cent tương đương 1.380 đồng/kwh, giá điện của Việt Nam đang thấp hơn nhiều so với giá điện bình quân của các nước trong khu vực từ 11-12 cent, thậm chí ở Campuchia giá bán điện khoảng 15-17cent.

Ông Thạch cho rằng, thị trường điện của Việt Nam đã được bao cấp quá dài khiến xã hội có tâm lý quen dùng điện giá rẻ, không theo cơ chế thị trường. “Vậy phải tạo ra cho xã hội tâm lý là đã sử dụng điện là phải theo giá bán cao hơn giá thành, không thể sử dụng mãi giá thấp thế này. Chúng ta quen được bao cấp rồi, nên chỉ cần tăng giá một chút là “Cả xã hội nhao nhao lên”, ông Thạch nói.

Theo ông Thạch, lẽ ra giá điện cần phải theo cơ chế thị trường kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Do đó, cần phải đẩy nhanh lộ trình tăng giá điện để đẩy giá bán lên, đảm bảo người đầu tư điện có lãi, mục tiêu là đến năm 2017 giá bán buôn điện sẽ theo kịp cơ chế thị trường và giá bán lẻ sẽ theo kịp vào năm 2020.

Đối với các hộ nghèo, ông Thạch cho rằng cần có chính sách riêng và Chính phủ phải có một quỹ để hỗ trợ trực tiếp cho những đối tượng này. "Hiện nguồn điện chính sách chỉ chiếm 20%, điện sản xuất chiếm tới 80% và nếu lấy nguồn thu từ 80% điện sản xuất này nuôi 20% điện chính sách vẫn thoải mái, những người sản xuất cần chấp nhận giá thành cộng thêm một lượng định mức nhất định. Như vậy, chúng ta mới đi đúng cơ chế thị trường", ông Thạch nói.

Ông Thạch cũng cho rằng, việc bán điện quá rẻ ở Việt Nam cũng là nguyên nhân khiến ngành điện khó thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu giải quyết được được vấn đề tăng giá điện và tạo cơ chế thông thoáng để các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì gánh nặng vốn cho các dự án điện sẽ giảm được một phần đáng kể.


Mới đây, Bloomberg cũng đăng tải một bài viết cho rằng, sự thành công của Việt Nam trong thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và tạo thêm việc làm đang bị đe dọa bởi tình trạng thiếu điện.

Theo Bloomberg, vấn đề chính là Việt Nam có một hệ thống các quy định rườm rà đã làm chậm lại quá trình lắp đặt và vận hành các dự án điện. Bên cạnh đó, dù Việt Nam đang thực hiện lộ trình tăng giá điện để thu hút đầu tư vào ngành điện tuy nhiên có thể vẫn không kịp để ngăn chặn tình trạng thiếu điện ở miền Nam - khu vực tập trung hơn một nửa các công ty niêm yết lớn nhất cả nước và nơi tập trung nhiều ngành công nghiệp từ dệt may tới dầu khí.

Bài báo dẫn lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, một phần của vấn đề là giá điện bán lẻ không đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư cho ngành điện. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang phải nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn đầu tư nước ngoài để phục hồi nền kinh tế 153 tỷ USD của mình từ mức tăng trưởng thấp nhất kể từ 1999 trong năm ngoái.

"Khi giá bán lẻ điện thấp như vậy nó sẽ thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều điện như xi măng và thép", Bộ trưởng Vinh nói. "Vì vậy, Việt Nam dang ở trong một tình huống vừa không thể thu hút thêm các nhà sản xuất điện trong khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng điện. Điều này sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt điện năng của Việt Nam".

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *