Thời sự 19/06/2019 15:31

WB: Hàng tỷ USD “chảy” vào khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long

Lãnh đạo WB Việt Nam cho hay, từ năm 2015 tới nay, tổ chức này đã huy động khoảng 1,6 tỷ USD cho các hoạt động tại ĐBSCL, phần lớn đều gắn với Nghị quyết số 120. Trong thời gian tới, WB đặt mục tiêu huy động thêm ít nhất 880 triệu USD để triển khai Nghị quyết này.

Phát biểu tại Hội nghị Đồng bằng Sông Cửu Long với sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo Chính phủ, ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia của World Bank tại Việt Nam cho biết, vào tháng 11/2017, khi ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ đã chỉ ra rằng, việc xây dựng một đồng bằng thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), thịnh vượng và bền vững không phải là một lựa chọn, mà là điều bắt buộc.

Gần đây nhất, cam kết này đã được củng cố bằng việc phê duyệt Chương trình hành động tổng thể triển khai Nghị quyết số 120.

Khu vực ĐBSCL

Lãnh đạo WB Việt Nam cho hay, từ năm 2015 tới nay, tổ chức này đã huy động khoảng 1,6 tỷ USD cho các hoạt động tại ĐBSCL, phần lớn đều gắn với Nghị quyết số 120. Trong thời gian tới, WB đặt mục tiêu huy động thêm ít nhất 880 triệu USD để triển khai Nghị quyết này. Những nguồn lực này sẽ hỗ trợ các cấp chính quyền ở trung ương và địa phương, cũng như các bên liên quan khác, nắm bắt các cơ hội đến từ biến đổi khí hậu, thay đổi nhân khẩu học, các thị trường mới nổi, tiến bộ công nghệ và địa chính trị khu vực.

“Bất kỳ một hỗ trợ mới nào với ĐBSCL chỉ có thể tạo ra sự khác biệt khi có thể chế mạnh, triển khai hiệu quả, thông tin đầy đủ, cam kết đổi mới sáng tạo, và sự tham gia của tất cả các bên liên quan”, ông Ousmane nhấn mạnh.

Theo ông, suy nghĩ làm thế nào để tăng cường phối hợp tại ĐBSCL, phải biến chính sách thành hành động trong việc thiết lập một thể chế điều phối khu vực mạnh, giúp phối hợp theo cả chiều dọc và ngang một cách có hiệu lực và hiệu quả.

Thể chế đó cần được phân quyền rõ ràng: Quyền cung cấp thông tin và định hướng cho Quy hoạch tích hợp vùng. Quyền lựa chọn các dự án đầu tư cấp vùng để tài trợ cấp vốn. Quyền huy động nguồn tài chính vừ nhà nước và tư nhân. Quyền giám sát quá trình thực hiện Quy hoạch tích hợp vùng.

Đại diện WB cho rằng, cần cải thiện cơ chế phối hợp để có thể quy tụ các lợi ích khác nhau và xác định định hướng phát triển chung cho ĐBSCL. Điều này cũng giúp xác định các ưu tiên đầu tư, phân trách nhiệm và chia sẻ lợi ích. Sự phối hợp chặt chẽ hơn sẽ giúp cung cấp thông tin cho việc hiệu chỉnh chính sách và huy động tài chính. Qua đó, sẽ tăng tính hiệu quả trong công tác thực thi ngân sách và thúc đẩy vị thế xuyên biên giới của Việt Nam.

Cũng theo ông Ousmane, thể chế mạnh cần một kế hoạch mạnh. Ở ĐBSCL, Quy hoạch vùng tích hợp mà Chính phủ đang chuẩn bị có thể đóng vai trò như là khuôn mẫu để xây dựng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, thịnh vượng và bền vững thông qua việc xác định cơ cấu kinh tế, đô thị và công nghiệp phù hợp cho khu vực này.

Chỉ có thể xây dựng được Quy hoạch vùng tích hợp có ý nghĩa khi có sự tham gia tích cực của tất cả các bộ, ngành, các tỉnh và các bên liên quan và có cơ sở bằng chứng, phân tích cụ thể.

Các nguyên tắc trong Quy hoạch vùng tích hợp cần giúp định hướng cho các quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đây là cách duy nhất để không lặp lại câu chuyện quy hoạch thiếu nhất quán và chồng chéo, dẫn đến đầu tư không hiệu quả như trước đây.

Với tư cách là các Đối tác Phát triển, WB cho biết, sẽ tiếp tục hỗ trợ để đảm bảo Quy hoạch vùng tích hợp mang tính toàn diện và sáng tạo, tối ưu hóa và ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng, và thúc đẩy sự gắn kết xã hội, và xác định rõ ràng trách nhiệm của các bên liên quan.

Phải sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính

Theo ông Ousmane, trong tình hình tài khóa- ngân sách mới tại Việt Nam, việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính phải được ưu tiên hàng đầu.

Để huy động được tài chính, điều quan trọng đầu tiên là phải thiết lập một nền tảng tài chính toàn diện, có thể kết hợp và thúc đẩy các nguồn tài chính của nhà nước và tư nhân, vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại, và phân bổ hiệu quả các nguồn tài chính này cho những dự án đầu tư ưu tiên thông minh với khí hậu.

Thứ hai, thúc đẩy một môi trường pháp lý khuyến khích hợp tác giữa các tỉnh và với khu vực tư nhân. Thứ ba, thiết lập một hệ thống phân bổ và thực hiện ngân sách đơn giản và hiệu quả với các ưu đãi tài chính mạnh mẽ và hiệu quả nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư cấp vùng.

Nền tảng tài chính này cần cung cấp nguồn tài chính riêng để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết số 120 và Quy hoạch vùng tích hợp sắp tới, và cần được giám sát phù hợp. Kinh nghiệm quốc tế về Quỹ tín thác, Quỹ tài chính, cơ chế tài chính toàn diện, bao gồm các chương trình hỗ trợ ngân sách trực tiếp, trái phiếu, quan hệ đối tác công-tư (PPP) và tài chính khí hậu có thể mang đến những ý tưởng, bài học kinh nghiệm sâu sắc, có giá trị cho ĐBSCL.

Với tư cách là đối tác phát triển, WB khẳng định, sẽ tiếp tục hỗ trợ xác định các công cụ tài chính phù hợp, thiết kế các quy định pháp lý và thực hiện huy động vốn. Song WB cần cam kết từ Chính phủ đối với một nền tảng tài chính toàn diện và các dự án đầu tư cấp vùng thích ứng với khí hậu ưu tiên phải được đưa vào các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của trung ương và địa phương trong giai đoạn 2021-2025 và các kế hoạch đầu tư trung hạn kèm theo.

Nguồn tài chính hiện nay có cũng cần tạo ra có những biện pháp khuyến khích sự phối hợp giữa các bên, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân, xây dựng và thực hiện các giải pháp thông minh về khí hậu mang tính đổi mới và chuyển đổi, và giảm thiểu rủi ro.

Mai Chi

Chuyên mục: Đầu tư , Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *