Thời sự 10/11/2018 12:52

"Việt Nam nói Cách mạng 4.0 dễ nhưng làm thì khó"

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã chia sẻ thẳng thắn tham vọng đưa ngành nông nghiệp Việt đi theo con đường hiện đại hóa kiểu Cách mạng Công nghệ lần thứ 4 (Cách mạng 4.0).

Theo ông Bá, ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung đang ở trạng thái cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, chuỗi liên kết lỏng lẻo, yếu kém và nhiều ngành, hàng còn mang tính phi thị trường trong xác định đầu ra, sản phẩm thương hiệu lẫn chiến lược phát triển.

"Hiện nay trình độ công nghệ Việt Nam đâu đó chỉ đạt 2.5, giờ làm Cách mạng 4.0 trong nông nghiệp phải đặt ra câu hỏi liệu có làm được không? Một con người chỉ vác được 50kg, giờ bảo vác thêm 5kg nữa có vác được không?", ông Bá đặt câu hỏi.

TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện CIEM

Theo nguyên Viện trưởng CIEM, "Việt Nam nói dễ về Cách mạng 4.0, ăn 4.0 và ngủ 4.0 nhưng có mỗi làm thì chưa 4.0. Các nước phát triển, họ đang ứng dụng công nghệ thời 3.5, nay họ chuyển sang 4.0 dễ dàng"

Muốn làm nông nghiệp 4.0 phải đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục đào tạo và phát triển công nghệ. Nhưng hai điều ở Việt Nam còn nhiều bất cập. 

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện CIEM, Cách mạng 4.0 trong nông nghiệp là quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp thông minh hơn, bền vững hơn. Tuy nhiên, không thể chaỵ theo phong trào, chạy theo kiểu dàn hàng ngang mà phải lựa chọn công nghệ phù hợp, sản xuất phù hợp gắn với mỗi vùng miền và thị trường.

Bà Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban, Ban Thể chế kinh tế, Viện CIEM, hiện nay, phần lớn nông dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều thu hoạch, chế biến theo phương pháp thủ công, chưa áp dụng công nghệ trong bảo quản, chế biến, thu hoạch. 

Tổn thất sau thu hoạch cao hơn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á: rau quả 32%, thịt 14%, thủy sản 12%.

Bà Luyến nhận xét: "Công nghệ sản xuất nông nghiệp ở tất cả các cấp độ từ đơn giản, thô sơ, lạc hậu, chủ yếu dựa vào thời tiết và kinh nghiệm truyền từ đời này qua đời khác đến công nghệ hiện đại nhất hiện nay như ứng dụng IOT sensors, trong đó phần lạc hậu chiếm tỷ lệ lớn.

Nguyên nhân được báo cáo của CIEM đưa ra là do tổ chức sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn nhỏ lẻ, manh mún, thiết liên kết giữa các chủ thể. Trong khi đó, ứng dụng nông nghiệp 4.0 đòi hỏi diện tích đủ lớn, thời hạn sử dụng đủ dài để thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kế, tính đến ngày 1/7/2016, hộ sử dụng đất nông nghiệp cho thấy, số hộ sử dụng dưới 0,2ha chiếm 36,1%, hộ sử dụng từ 5,0 ha trở lên chỉ chiếm gần 2,3%. Hộ trồng cây hằng năm diện tích dưới 0,2ha chiếm 44,6%, hộ trồng lúa dưới 0,2ha chiếm 55,7%, hộ nuôi lợn dưới 6 con chiếm 67,5%...

Cùng với đó, đa số nông dân sản xuất theo kinh nghiệm, sản xuất theo cách thức truyền thống dẫn tới việc sử dụng tài ngyên nước, tài nguyên đất khá lãng phí, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp. 

Bà Luyến cho hay, số đơn vị được cấp chứng nhận VietGap trên cả nước là 1.495 đơn vị, trong đó trồng trọt 1.200 đơn vị, chăn nuôi 101 đơn vị và thủy sản 194 đơn vị. Số hộ tham gia VietGap và tương đương là 25.279 hộ.

"Có doanh nghiệp nói để đầu tư nhà lưới cho 1 ha mất 2,7 tỷ đồng. Chi phí lớn nên họ khó áp dụng. Trong khi năng lực hạn chế, thì phần đông họ lại nhỏ và siêu nhỏ", bà Luyến đánh giá.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh bình luận: Cách mạng 4.0 trong nông nghiệp cần đặt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.

Không nên nghĩ thị trường nội địa Việt Nam là của nông sản Việt Nam, mà đây còn là thị trường của nông sản Thái Lan, Trung Quốc. Khoai tây Đà Lạt phải làm sao cạnh tranh được với khoai Tây Trung Quốc, hàng của Việt Nam phải làm sao cạnh tranh được với hàng từ Thái Lan tại chính Việt Nam.

"Phải phân tích vai trò của Nhà nước, nếu chúng ta nói việc vận dụng Cách mạng 4.0 là trách nhiệm của doanh nghiệp nhưng Nhà nước cũng phải có vai trò quan trọng. Nông nghiệp Việt Nam manh mún mà muốn chuyển sang cách đồng mẫu lớn thế nào, phải có hướng dẫn, chỉ đạo, động lực từ phía Nhà nước", ông Doanh nói.

An Linh

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *