Thời sự 20/01/2019 10:05

Việt Nam muốn là “hổ lớn” châu Á; Ai cắt điện thì… mất chức!

Thủ tướng cho rằng, Việt Nam có thể thành con hổ, có thể thành con rồng hay không chính là phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển đột phá của ngành công thương. Ông cảnh báo: “cán bộ để mất điện thì sẽ mất chức”. Đây là một trong những nội dung “nóng” nhất, được độc giả quan tâm trong tuần qua.

Việt Nam muốn là “hổ lớn” châu Á; Ai cắt điện thì… mất chức! - 1

Thủ tướng nêu cảnh báo với ngành công thương, "cán bộ để mất điện sẽ mất chức"

Thủ tướng cảnh báo: “Cách chức anh nào nói cắt điện”

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành công thương, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu hàng hóa bán lẻ doanh thu dịch vụ phải tăng cao 12, 13%; bảo đảm cân đối năng lượng, trước hết là năng lượng điện tăng trên 10% so với năm 2018 và nhắc lại lời cảnh báo “cán bộ để mất điện thì sẽ mất chức”.

Việt Nam là điểm giao thoa lý tưởng trong làn sóng tìm điểm đến mới của các tập đoàn toàn cầu, là lựa chọn hấp dẫn, nhưng lợi thế nhân công thấp không đủ để đẩy nhanh tiến trình này.

“Chuyến tàu này đang là thời cơ và vận hội của Việt Nam. Chúng ta có biến thời cơ thành vận hội hay không? Đây là câu hỏi cho các nhà đầu tư, cho ngành quản lý, cho các bộ trưởng, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Công Thương”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho rằng, Việt Nam có thể thành con hổ, có thể thành con rồng hay không chính là phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển đột phá của ngành công thương. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng toàn ngành Công Thương "chỉ có tiến và không có lùi" vì quyền lợi của dân tộc, vì đời sống của nhân dân. 

Việt Nam không phải “một con mèo nhỏ” mà cần là con “hổ lớn” của châu Á

Cũng tại sự kiện nói trên, ông Nguyễn Văn Bình, UVBCT, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị các chuyên gia quốc tế đề xuất thẳng thắn giúp Việt Nam đồng hành cùng phát triển.

Theo ông Bình, một quốc gia muốn “hoá rồng, hoá hổ” thì phải duy trì được mức tăng trưởng cao, ổn định và đột phá trong chính sách. “Chúng ta cần làm gì để Việt Nam không phải chỉ là “một còn mèo nhỏ” mà phải trở thành “một con hổ mới” của kinh tế châu Á” – ông Bình nêu vấn đề.

Khát vọng của Việt Nam là tới năm 2045 sẽ trở thành nước thịnh vượng nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày lập nước, có thể đứng trong hàng ngũ những nước thu nhập cao.

Kỳ tích tăng trưởng của Việt Nam liệu có thể trở lại trong năm 2019?

Trong báo cáo vĩ mô vừa phát hành, chuyên gia phân tích của SSI Retail Research đánh giá, phải mất tới 11 năm, Việt Nam mới có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trên 7%, dù đây chưa phải là con số thực sự ấn tượng nếu so với chính Việt Nam trong các năm 2003-2005 và so với tốc độ tăng trưởng trên 10% của các quốc gia Châu Á trong giai đoạn chuẩn bị “hóa rồng”.

Việt Nam muốn là “hổ lớn” châu Á; Ai cắt điện thì… mất chức! - 2

Nhiều thuận lợi cũng như thách thức đang chờ đợi trong năm 2019

Với 2 năm liên tiếp đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 7%, có thể nói những vấn đề nảy sinh trước và trong giai đoạn khủng hoảng 2008 -2010 đã cơ bản được giải quyết, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ và tài khóa.

Năm 2019, rủi ro tăng trưởng toàn cầu chậm lại và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng rõ hơn đến Việt Nam. Những ảnh hưởng này sẽ rất đa chiều và phụ thuộc vào nhiều biến số khó đong đếm và dự báo chính xác.

Trong bối cảnh còn nhiều trở ngại cho kinh tế Việt Nam, một mục tiêu vừa phải để duy trì ổn định và tiếp tục củng cố nội lực là cần thiết. Sau khi khối tư nhân đã hoàn tất giai đoạn “lấy đà”, mục tiêu 6,8% dù có hay không cũng không còn quan trọng. Tăng trưởng khi đó sẽ đến từ khát vọng và nỗ lực vươn lên của chính các doanh nghiệp cùng với sự giúp sức (thay vì đặt mục tiêu) của các cơ quan Nhà nước.

Phó Thủ tướng khen Bộ Kế hoạch dám "lấy đá tự ghè chân mình"

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ KH&ĐT, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận xét, tầm nhìn và tư duy của những người làm kế hoạch và đầu tư đã đổi mới.

Cụ thể, Bộ có những đề xuất, hành động được xem như “tự lấy đá ghè chân mình”, đổi mới hơn, từ bỏ đặc quyền. Ví dụ như đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư công bỏ thủ tục thẩm định nguồn vốn của Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT.

Dù đề xuất trên chưa biết có được Quốc hội đồng tình hay không, hay việc bỏ như nào cho hợp lý hoặc lại tích hợp vào quyết định đầu tư khác... “Tuy nhiên, điều đầu tiên tôi thấy rằng đây là thẩm quyền của Bộ mà Bộ bỏ đi thì chúng tôi đánh giá cao”, Phó Thủ tướng nói. 

Gỡ khó 1 bánh socola “cõng” 13 giấy phép, doanh nghiệp tránh thất thoát nghìn tỷ

Giấy phép con vô hình chung như sợi dây thừng trói chân các doanh nghiệp (DN). Mà điển hình gần đây là sự việc 1 cái bánh socola phải “cõng” tới 13 loại giấy phép. Thế nhưng, Nghị định 15 ra đời đã tháo gỡ tới 95% các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tránh thất thoát cho DN tới hàng nghìn tỷ đồng.

Đó là chia sẻ của bà Phạm Ngọc, đại diện Hiệp hội sữa Việt Nam, tại hội thảo “Điểm lại Pháp luật kinh doanh 2018” diễn ra sáng 15/1.

Tuy nhiên, bên cạnh một số điểm sáng, bức tranh về pháp luật kinh doanh 2018 theo Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc thì vẫn còn những điểm mờ.

Điểm mờ đó là việc cải cách ở nhiều lĩnh vực còn chậm và chưa thực chất. “Chúng ta vẫn đang dùng tư duy cũ để quản lý những mô hình kinh doanh mới. Kinh doanh thông minh nhưng quản lý Nhà nước vẫn thủ công. Vẫn thấy tình trạng “gập ghềnh” trong tư duy quản lý của các Bộ ngành. 

Kiểm toán Nhà nước chuyển một loạt vụ việc sang cơ quan điều tra

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành cho biết, trong năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.

Việt Nam muốn là “hổ lớn” châu Á; Ai cắt điện thì… mất chức! - 3

Kiểm toán Nhà nước đã phải chuyển 5 vụ việc cho cơ quan điều tra do thấy có dấu hiệu phạm pháp

Cụ thể, những vụ trên bao gồm: Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng trong việc giải quyết cho thông quan 30 xe ô tô từ nước ngoài về Việt Nam không đúng quy định pháp luật; Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty một thành viên Dệt 19/5 Hà Nội (nay là Công ty cổ phần Dệt 19/5 Hà Nội) trong việc quản lý tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước có dấu hiệu gây thất thoát hơn 319 tỷ đồng.

Trong danh sách còn có "Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Ban Quản lý dự án Công trình Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn về hành vi để ngoài sổ sách trên 22 tỷ đồng;" Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Sở Y tế Bình Dương làm chủ đầu tư trong đấu thầu thuốc và vật tư y tế thực hiện năm 2017.

Vụ còn lại là "vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về chủ trương đầu tư, khảo sát thiết kế, nghiệm thu thanh toán khối lượng xây dựng tại Dự án Đầu tư xây dựng công trình Thủy Lợi Đắk Ngo (giai đoạn 2, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông.) 

Mai Chi (tổng hợp)

Việt Nam muốn là “hổ lớn” châu Á; Ai cắt điện thì… mất chức! - 4

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *